Multimedia Đọc Báo in

Nâng tầm nhạc cụ truyền thống

11:09, 19/04/2020

Dựa trên chất liệu dân gian và sự am hiểu về nhạc lý, những "nghệ sĩ dân gian" đã chế tác ra những cây đàn độc đáo, nâng tầm cho nhạc cụ truyền thống dân tộc.

Tâm huyết của cựu thầy giáo dạy nhạc

Kể từ khi nghỉ hưu ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk, thầy Nguyễn Trường (TP. Buôn Ma Thuột) có nhiều thời gian hơn cho đam mê chế tác nhạc cụ truyền thống dân gian của mình. Vốn là người có chuyên môn và hiểu biết về nhạc cụ dân gian Tây Nguyên, nên những gì trong dân gian tạo nên âm thanh và tiếng nhạc đều được ông để ý tới. Tình cờ, trong những chuyến đi về buôn làng, nghe tiếng lốc cốc của chiếc mõ gắn trên đàn bò, đàn trâu (hay còn gọi là mõ trâu) đã khiến cho ông để ý nghiên cứu và nhận ra điều bất ngờ thú vị. Dù nhìn bên ngoài, chúng có cấu tạo giống nhau nhưng khi gõ vẫn cho ra những âm thanh có cao độ khác nhau; độ dài, ngắn hoặc to nhỏ, mỏng, dày của ống tre tạo nên những âm thanh cao, thấp, trầm, bổng. Mỗi chiếc mõ trâu cũng hội đủ 4 thuộc tính của âm thanh có tính nhạc là: trường độ, cao độ, cường độ và âm sắc.

Tìm hiểu được nguyên lý phát ra âm thanh đó, ông đã chế tác một loại nhạc cụ từ tre, nứa giữ được hồn cốt của chiếc mõ trâu. Đàn được ghép từ những ống tre đã được tạo ra cao độ như ý muốn và không bị giới hạn thanh đàn theo 7 nốt nhạc: đồ, rê, mi, fa, sol, la, si, đô; có thể nâng cấp thành 2 hoặc 2,5 quãng tám. Ông đặt tên đàn Mõ tre, tiếng Êđê gọi là K’Koêk Juôl. Mới nhìn qua, đàn Mõ tre có cách sắp xếp gần giống với đàn T’rưng nhưng ống đàn to và ngắn hơn, âm thanh vang xa và sâu lắng; mang tính đặc trưng do cộng hưởng âm từ một cột hơi và 2 thanh lá trong mỗi ống đàn.

Thầy giáo Nguyễn Trường bên chiếc đàn Mõ tre.
Thầy giáo Nguyễn Trường bên chiếc đàn Mõ tre.

Thầy Nguyễn Trường mất hơn 1 năm để tìm hiểu cho đến khi hoàn thiện cây đàn Mõ tre và đến nay đã có thể dễ dàng chế tác cũng như diễn tấu nhạc cụ này. Theo ông, đây là loại đàn dễ học nhất và rất thích hợp với các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian hoặc biểu diễn nghệ thuật quần chúng, vì nó giữ được âm thanh nguyên bản của tiếng mõ trâu, rất gần gũi và thân quen với nương rẫy núi đồi đại ngàn; ngoài ra có thể biểu diễn độc lập hoặc hòa chung với các nhạc cụ khác trên mọi cung bậc của âm thanh. Nó sẽ phát huy tác dụng nếu được các nhạc sĩ sáng tác khai thác tính năng cũng như âm sắc rất riêng của loại nhạc cụ này.

Cây đàn tính 12 dây

Mới hơn 30 tuổi, nhưng anh Nông Văn Tân (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) đã có kinh nghiệm nhiều năm chế tác nhạc cụ đàn tính của người Tày, Nùng, không chỉ đàn tính 3 dây, 6 dây thông thường mà còn cả loại đàn tính 12 dây độc đáo.

Anh Nông Văn Tân đánh đàn tính 12 dây.
Anh Nông Văn Tân đánh đàn tính 12 dây.

Trong một lần sưu tầm những làn điệu then cổ của người Tày, Nùng, anh tình cờ biết truyền thuyết về cây đàn tính 12 dây. Theo tích cổ, xưa có người con trai tên là Xiên Câm, tuổi đã ba mươi mà vẫn chưa lập gia đình. Sống một mình buồn nên chàng xin Ngọc Hoàng làm cây đàn tính để khuây khỏa. Người trời cho giống bầu làm bầu đàn, cho gỗ mộc hương làm thân và dây tơ làm dây tính. Chàng Xiên Câm đã làm ra cây đàn tính 12 dây từ những vật liệu đó. Khi tiếng đàn tính cất lên, người dân quên ngủ, quên cả vụ mùa, bỏ bê công việc, không thiết làm gì. Biết chuyện, Ngọc Hoàng mới sai Pụt Luông xuống cắt bớt dây đàn để người dân thoát khỏi sự mê mẩn quay về với ruộng nương, đồng áng. Từ đó, đàn tính chỉ còn có 3 dây, 6 dây...

Anh Tân tâm sự, chính vì sự đam mê hát then, đàn tính, muốn tìm về nguồn cội của dân tộc từ câu chuyện truyền thuyết, lại muốn thử sức của bản thân nên anh quyết định làm chiếc đàn tính 12 dây. Khi bắt tay vào làm thì mới cảm nhận được độ khó, bởi đàn tính 12 dây là tổ hợp của đàn tính 3 dây và 6 dây, muốn làm phải chọn được quả bầu to, đều; nhiều khi tìm trong hàng trăm quả bầu vẫn chưa có quả nào đủ tiêu chuẩn. Cần đàn cũng phải to, rộng để có thể chứa đủ 12 dây âm thanh. Công đoạn làm cần đàn chính là công đoạn khó nhất, phải tính toán chi tiết làm sao cho phù hợp, cần đàn ngắn hay dài thì độ vang cũng khác nhau… Không chỉ phức tạp ở cách làm đàn mà cách chơi đàn 12 dây cũng không hề dễ. Người chơi phải am hiểu về âm nhạc của dân tộc Tày, Nùng; có khả năng thẩm âm và biết về đàn tính, đặc biệt phải đam mê thì mới có đủ kiên trì để học. Nếu không biết chơi, khi đàn sẽ móc nhầm từ dây này sang dây kia.

Nét độc đáo ở cây đàn tính 12 dây còn là có thể chơi nhạc được nhiều làn điệu, có thể độc tấu đệm cho bài múa nên được nhiều người yêu thích và đặt hàng. Ngoài việc chơi đàn trong câu lạc bộ, hiện nay anh Tân đang tiếp tục làm những cây đàn 12 dây để gửi đến người yêu đàn tính ở nhiều tỉnh trong nước. Anh hy vọng, cây đàn tính 12 dây nói riêng và những cây đàn tính anh làm sẽ là cầu nối để con cháu sau này giữ gìn nét đẹp, bản sắc của dân tộc Tày, Nùng.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.