Báo Đắk Lắk điện tử
.

LẮK MIỀN ĐẤT HUYỀN THOẠI

13:06, 30/09/2021

 

 

Với nhiều cảnh quan hoang sơ, kỳ vĩ, cộng với kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, độc đáo của dân tộc M’nông, Êđê… ở huyện Lắk đã thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống cư dân bản địa.

 

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây một số bạn trẻ ở huyện Lắk như: Mai Hồng Cương, sinh năm 1988; Đỗ Duy Tân, sinh năm 1987; đặc biệt là Y Xim Du, dân tộc M’nông, sinh năm 1992 ở buôn Yuk La 1 (xã Đắk Liêng)... chấp nhận “bước qua giới hạn an toàn để chinh phục đam mê” khi quyết định bỏ phố với công việc ổn định, thu nhập cao về quê khởi nghiệp du lịch.

 
 
 
 

Với diện tích rộng hơn 500 ha - hồ Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất khu vực Tây Nguyên và lớn thứ hai ở Việt Nam sau hồ Ba Bể. Xung quanh hồ có những dãy núi cao được bao phủ bởi các cánh rừng nguyên sinh. Từ xa nhìn lại, hồ Lắk xanh như một dải lụa mềm mại, tô điểm cho vẻ đẹp núi rừng cao nguyên. Chính vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ mà cựu hoàng đế Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã xây dựng ở đây một biệt điện để nghỉ ngơi, săn bắn và ngắm cảnh. Ngày nay đã được tôn tạo trở thành một điểm dừng chân lý tưởng để ngắm toàn cảnh hồ Lắk và cuộc sống quanh hồ.

 
 
 
 

 

 

Định cư dưới chân núi Chư Yang Sin, từ nhiều đời nay đồng bào M'nông ở xã Yang Tao (huyện Lắk) gắn bó với nghề gốm truyền thống. Đây là vùng đất duy nhất ở Tây Nguyên có nghề gốm.

 

Khi các sản phẩm khô dần, nghệ nhân dùng cành cây vót nhọn vẽ hoa văn, rồi mang đi phơi khoảng 2-3 ngày. Tiếp đó dùng hòn sỏi chà xát liên tục lên bề mặt để tạo độ bóng, đem nung lộ thiên.

 
 
 

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, gốm Yang Tao đơn giản nhưng là nơi cất giấu những bí ẩn của dòng chảy văn hóa thời quá vãng. Trong một giai đoạn nào đó, gốm Yang Tao đã được các thương nhân, chủ nhân của dòng gốm này đi giao lưu, mua bán nhiều nơi trên đất Tây Nguyên.

 
 
 

Nhờ bù đắp phù sa của sông Krông Ana vào mỗi mùa mưa lũ đã tạo cho huyện Lắk một vùng đồng bằng rộng lớn, tập trung ở ba xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết.

 
 
 

Nhìn những cánh đồng bạt ngàn nối từ xã Đắk Liêng qua Buôn Tría vào đến xã Buôn Triết như một tấm thảm khổng lồ, du khách có cảm giác đang đứng ở đâu đó trên miền đất đồng bằng Nam bộ. 

 
 

Những buôn làng được “ôm trọn” bởi cánh đồng lúa ở các xã Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Liêng, buôn cổ M’liêng, các khu du lịch ở buôn Lê, buôn Jun, hay những vùng trồng cà phê, ca cao ở xã Đắk Phơi… là điểm đến hấp dẫn du khách khi đến huyện Lắk. Hơn thế nữa, huyện Lắk còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều sản vật, được người dân địa phương chế biến thành nhiều món ăn dân dã...

 
 
 

Lắk bình yên, thơ mộng với núi, sông hùng vĩ, giàu bản sắc văn hóa, con người thân thiện luôn vấn vương bao du khách gần xa. Song để du khách đến với huyện Lắk "một lần đến, trăm lần nhớ" cần cuộc "cách mạng" để thay đổi và phát triển du lịch – một trong những thế mạnh của địa phương. Các sản phẩm du lịch của huyện Lắk phải đa dạng, có điểm nhấn, đầu tư về chất xám, tư duy, không hoàn toàn dựa vào tài nguyên thiên nhiên ban tặng.

Nội dung: Nguyên Hoàng Thùy 

Hình ảnh: NSNA Bảo Hưng - Hữu Hùng

Nguyên Hoa - Hoàng Tuyết và CTV

Trình bày: Lê Công Định


Ý kiến bạn đọc