"Hồi sinh" thổ cẩm Êđê
Thổ cẩm, nghề dệt thổ cẩm, trang phục truyền thống của người Êđê gắn bó lâu đời, tạo nên diện mạo đặc trưng, riêng biệt, thể hiện tri thức dân gian và mang phong cách, hồn cốt của dân tộc. Làm thế nào để giữ gìn nghề truyền thống, phát triển sản phẩm thổ cẩm trong cuộc sống hiện đại là điều trăn trở, tâm huyết của không ít “chủ thể văn hóa” và những người yêu văn hóa Êđê.
Thổ cẩm Êđê xưa nay được biết đến là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện sự sáng tạo cũng như nghệ thuật tạo hình tinh tế của đồng bào Tây Nguyên. Các nghệ nhân đã mặc sức sáng tạo ra những tấm vải có hoa văn thổ cẩm hết sức tinh tế, đa dạng dựa trên các họa tiết cơ bản dạng hình thoi, hình tam giác được lồng vào nhau bằng những hình ảnh khác như: chiêng ché, hoa, chim, thú… thể hiện nhân sinh quan với cộng đồng và thiên nhiên.
Chị H’Ler Êban ở buôn Kniết (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) chủ Nhà may thổ cẩm Amí Sia đã vượt qua hàng chục “đối thủ” xuất sắc đoạt vị thứ Ba Vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk tháng 11/2020. Dự án của chị đã thuyết phục Ban Giám khảo Cuộc thi ngoài tính khả thi, tính ứng dụng, còn bởi sự tâm huyết cháy bỏng muốn quảng bá, giữ gìn nét đẹp đặc trưng của hoa văn thổ cẩm, nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.
Từ đầu năm 2021 đến nay mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài nhưng Nhà may thổ cẩm Amí Sia vẫn nhận được đơn đặt hàng từ Mỹ, Úc, Phần Lan với khoảng 500 bộ váy thổ cẩm cách tân. 4 thợ may và hơn chục người thợ dệt hoa văn thổ cẩm theo mẫu đặt hàng liên tục có việc làm, thu nhập đảm bảo cuộc sống cho gia đình.
Bà H’Yam Bkrông ở buôn Tơng Ju (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là người sáng lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông đã dành trọn tâm huyết cho nghề dệt truyền thống của dân tộc Êđê trong gần 20 năm qua và đã "truyền lửa" yêu nghề dệt truyền thống cho nhiều phụ nữ trong buôn.
Những trang phục kiểu dáng hiện đại may bằng chất liệu thổ cẩm của bà H’Yam không chỉ được thanh niên Ê đê ưa chuộng mà còn hấp dẫn cả những thiếu nữ các dân tộc thiểu số khác, yêu thời trang thổ cẩm.
Cách tân trang phục thổ cẩm để thu hút sự quan tâm và yêu thích thổ cẩm của giới trẻ từ đó hướng giới trẻ học nghề dệt truyền thống chính là cách mà bà H Yam đang thực hiện. Gần một nửa số thành viên của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông là người trẻ tuổi. Những người thợ trẻ như: H’Phi Líp Buôn Yă (SN 1991); H’Phê Bê Buôn Krông (SN 1993)... dệt vải rất giỏi, may rất đẹp và sáng tạo. Hiện giờ bà H'Yam đang tiếp tục đào tạo cho ba cô gái độ tuổi mười tám, đôi mươi vừa tốt nghiệp THPT, có niềm đam mê thổ cẩm...
Mặc trang phục truyền thống và sử dụng các vật dụng bằng thổ cẩm là nếp sinh hoạt quen thuộc hàng ngày của gia đình chị H’Kjăp Niê (tên thường gọi là Amí Quang) chủ sở hữu của Khu du lịch sinh thái Ako Ea ở cuối đường Trần Nhật Duật, TP. Buôn Ma Thuột.
Không chỉ duy trì thói quen sinh hoạt với những tập tục nguyên bản của dân tộc Ê đê, chị còn sử dụng thổ cẩm vào hầu hết vật dụng trong các nhà sàn lưu trú của Khu du lịch như ga trải giường, gối, chăn; khăn trải bàn, đồ vật trang trí…tạo nên nét riêng độc đáo, đậm đà bản sắc. Đồng thời, chị thường mời nghệ nhân về dạy dệt thổ cẩm cho các con gái và nhân viên nữ trong khu du lịch.
Nhiều du khách, trong đó có chị Phí Thị Phương Hà (ở thu đô Hà Nội) mỗi lần vào TP. Buôn Ma Thuột công tác đều chọn Khu du lịch này để nghỉ đã không ngớt lời khen ngợi và cảm thấy hết sức thú vị khi được khám phá những nét văn hóa đặc sắc trong các phong tục tập quán, sinh hoạt, ẩm thực, được duy trì gần như nguyên bản của người Êđê.
Không chỉ những người lớn tuổi, người dân tộc thiểu số mới quan tâm, trăn trở với nghề dệt thổ cẩm mà thế hệ trẻ cũng có nhiều ý tưởng, phương pháp nhằm góp phần bảo tồn, quảng bá nét văn hóa truyền thống này theo cách riêng của mình.
Và có một chàng trai, không phải người Ê đê nhưng đã bỏ ra khá nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để thực hiện Dự án "Khôi phục sợi nhuộm dệt thổ cẩm nguyên bản của người Êđê".
Việc thực hiện dự án gặp khá nhiều khó khăn bởi hiện nay chưa có công trình nghiên cứu nào cụ thể về quy trình kéo sợi, nhuộm sợi từ màu tự nhiên của người Ê đê, chủ yếu là những thông tin từ các nghệ nhân hoặc người dệt thổ cẩm. Trong một lần tình cờ, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của người Ê đê ở huyện Cư M’gar, nhóm Ede Yarns đã nhận được sự giúp đỡ của A mí Xiên, bà H’Nơi Niê, ông Y Phơng…
Những mảng ký ức về cách kéo sợi, phương pháp nhuộm sợi bằng màu tự nhiên và cách phục chế một dụng cụ kéo sợi được họ chia sẽ đã góp phần giúp nhóm Ede Yarns hoàn thiện những khâu quan trọng trong dự án của mình…
Công cụ kéo sợi trông qua thì khá đơn giản, nhưng để phục chế cho “đúng” nhất, nhóm Ede Yarns nỗ lực tìm kiếm những loài cây theo các hướng dẫn của nhiều già làng, nghệ nhân như: cây Etiêng (thường dùng để đan lát), cây Krum (dùng để nhuộm vải cho ra màu xanh) cũng như cách dùng bùn, đất để nhuộm sơi…
Phương pháp kéo sợi và dệt thổ cẩm bằng sợi nguyên bản dần được tái hiện… Văn hóa truyền thống của người Ê Đê phản ánh thế giới xung quanh họ. Thổ cẩm nguyên bản mang rất nhiều ý nghĩa, nó như một bức tranh thể hiện rõ nét đời sống tinh thần, văn hóa của cộng đồng người Ê Đê thông qua màu sắc, họa tiết, chất lượng trên từng sợi vải.
Những câu chuyện trên chỉ là một phần trong muôn vàn những câu chuyện sau mỗi tấm thổ cẩm của dân tộc Êđê. Thật tự hào khi được khoác lên mình những bộ trang phục hay sử dụng những vật dụng có một ý nghĩa văn hóa ngàn đời truyền lại. Những họa tiết tinh hoa của thổ cẩm dệt truyền thống sẽ luôn rực rỡ sắc màu, có mặt khắp năm châu, bốn biển, hiện diện trong đời sống hằng ngày (chứ không phải trong không gian văn hóa phục dựng) và tồn tại mãi cùng thời gian.
Nội dung: Minh Huyền - Hoàng Ân -Thùy Dung
Hình ảnh: Minh Hoàng Thùy và CTV
Trình bày: Công Định