Làng nghề ngày Xuân
Không khí Xuân đã ngập tràn khắp các đường làng, ngõ xóm trên cao nguyên Đắk Lắk. Tại các làng nghề trong tỉnh, nhà nhà tất bật, nhộn nhịp để kịp mang đến cho mọi người những chậu hoa, cây cảnh, những sản vật đặc sắc trong ngày Tết đến, Xuân về.
Đào Nhật Tân nơi đất Bắc bén duyên với vùng đất thị xã Buôn Hồ hơn 10 năm nay. Ban đầu chỉ một vài hộ trồng nhỏ lẻ, sau đó thấy thu nhập từ đào Nhật Tân đem lại lên đến 150 - 200 triệu đồng/sào nên nhiều nông dân đã đi thuê hoặc mua thêm đất mở rộng diện tích. Bây giờ, vườn đào Nhật Tân không chỉ ở phường Thống Nhất mà đã khoe sắc cả phường Bình Tân, Đoàn Kết, xã Cư Bao…
Trong cái se se lạnh của tiết trời mùa Xuân nơi cao nguyên, trong sự tất bật chăm sóc hoa của các chủ vườn và cả sự hân hoan của lòng người cẩn thận chọn lựa từng gốc, từng thế, từng nụ hoa đào của thương lái, của du khách thập phương như thúc giục ngày Xuân.
Để mua được một cây đào ưng ý, chị Hồng cũng như nhiều người dân xứ Bắc phải ra tận ngoài Bắc hoặc nhờ người thân gửi xe đò vào với giá không hề rẻ lại vô cùng kỳ công trong việc bảo quản, bởi đường sá xa xôi. Từ nhu cầu thực tế và sở thích của bản thân, chị Hồng lặn lội ra làng đào Nhật Tân (Hà Nội) học hỏi kinh nghiệm, chọn giống đưa về Đắk Lắk trồng thử.
Nhờ trồng hoa đào Nhật Tân nên đời sống của nhiều hộ dân ở phường Thống Nhất và một số xã, phường của thị xã Buôn Hồ đã khấm khá. Mỗi năm, các làng đào Nhật Tân của thị xã Buôn Hồ cung ứng hàng chục nghìn gốc đào cho thị trường hoa dịp Tết trong và ngoài tỉnh, góp phần tô điểm cho mùa Xuân thêm nồng.
Xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh. Làng nghề hoa, cây cảnh vùng ven đô này có trên dưới cả trăm nhà vườn chuyên chăm sóc, ươm trồng, ký gửi các loại cây cảnh bonsai và cây cảnh nghệ thuật, tập trung ở thôn 4, 8, 10 và 11.
Tết này, ông Hùng quyết định không tham dự chợ hoa Tết một phần ông nhận định thị trường hoa Tết năm nay kém sôi động do dịch bệnh COVID-19, nhưng quan trọng hơn là vì đã ngoài 80 tuổi, có bệnh nền nên ông ở nhà để bảo đảm sức khỏe. Song không vì thế mà không khí chào đón mùa xuân của lão nghệ nhân kém phần rôm rả.
Từ tháng 11 âm lịch nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đã đến vườn cây cảnh gần 1.000 loại cây đủ loại như: tùng, sanh, si, lộc vừng, me của nghệ nhân Hùng để tham quan, trao đổi, mua về chưng, trong đó có nhiều cây cảnh bằng với 35 năm tuổi nghề của ông, giá bán lên đến 50 triệu đồng/cây.
Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có việc tiết giảm chi tiêu trong dịp Tết, do đó nhiều nhà vườn ở xã Hòa Thắng quyết định thay đổi kế hoạch sản xuất nhằm thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Bà Bùi Thị Lượm, ở thôn 8 có 3,3 sào trồng hoa. Vụ hoa Tết này, bà chỉ trồng 12 kg giống hoa lay ơn đỏ (tương đương 2.600 cây). Bà Lượm không đặt kỳ vọng nhiều vào số hoa Tết, chỉ "trồng lấy may".
Thay vào đó, bà Lượm tập trung trồng các loại hoa cúc vì giá cả loại hoa này mấy tháng gần đây tăng cao, giữ ổn định ở mức là 24.000 - 25.000 đồng/bó, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, người trồng hoa cúc trúng đậm.
Mới 4 giờ sáng, các lò bánh tráng ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) đã rực sáng ánh đèn bắt đầu một ngày làm việc với công đoạn xay bột, đốt lò, tráng bánh, phơi bánh… Làng nghề bánh tráng truyền thống xã Ea Bar có khoảng 70 hộ hoạt động sản xuất thường xuyên và vài hộ sản xuất theo thời vụ.
Bước vào mùa vụ Tết, mỗi ngày, cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Nhân làm hơn 6 tạ gạo, bột mì (tăng 2 tạ so với ngày thường). Dịp Tết, gia đình anh phải thuê thêm 10 nhân công mới đáp ứng được công việc. Có đôi khi anh Nhân không dám nhận đơn hàng vì sợ làm không kịp.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thuỷ (ở thôn 9) hơn 35 năm qua vẫn duy trì cách tráng bánh thủ công truyền thống. Tráng bánh truyền thống năng suất không bằng máy móc, phải thức khuya, dậy sớm, ngồi bên bếp lửa liên tục từ 6 giờ đến gần 13 giờ mới làm hết 40 kg gạo.
Mùa này, men theo những con đường trong các thôn sản xuất bánh hình ảnh những vỉ bánh tráng trải dài thẳng tắp được phơi dưới ánh nắng nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác. Mùi thơm của bánh lan tỏa hòa vào không khí đuộm mùi Tết càng thấy lòng nôn nao đón Xuân sang với những ước vọng căng tràn.
Một mùa xuân mới lại về mang theo bao niềm vui và cả những trăn trở của người dân làng nghề. Để giữ nghề và sản phẩm của làng nghề được tiến xa hơn nữa thì không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê sáng tạo, mà họ cũng cần có thêm sự hỗ trợ về vốn, tạo thương hiệu, liên kết sản xuất… Đây sẽ là hành trang giúp các làng nghề tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Nội dung, hình ảnh: Hoàng Hữu Thế
Trình bày: Công Định