Báo Đắk Lắk điện tử
.

Tháng ba Tây Nguyên

05:59, 24/03/2022
 

Tây Nguyên mùa nào cũng đẹp. Nhưng vào mùa khô, đặc biệt là khoảng tháng ba, cảnh sắc Tây Nguyên đẹp nhất trong năm bởi nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc thắm, lại tưng bừng, rộn ràng với nhiều lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lúc đời sống văn hóa tinh thần của người Tây Nguyên biểu hiện tập trung nhất, sâu thẳm nhất và cũng rực rỡ nhất, nhà nhà có hội, buôn buôn đều có hội... 

 

 

Tháng ba Tây Nguyên trở nên huyền ảo, say đắm khi các rẫy cà phê bung hoa trắng muốt, mùi thơm dịu nhẹ, thanh khiết níu giữ bước chân ai ngập ngừng. Bỗng thấy yêu vô cùng màu trắng tinh khôi, tràn đầy no ấm giữa các rẫy cà phê như đang có đám mây trắng tỏa hương sà xuống.

 
 

Nếu như biểu tượng của núi rừng Tây Bắc là hoa ban, hoa mận thì đặc trưng của Tây Nguyên là hoa cà phê. Hoa cà phê nở chủ yếu từ cuối tháng hai tới hết tháng tư, rộ nhất là vào tháng ba. Mỗi đợt hoa nở kéo dài từ 7 - 10 ngày. Vì vậy, không phải ai cũng may mắn bắt gặp những rẫy cà phê đồng loạt thay màu áo trắng. Hoa cà phê chỉ nở căng tròn khi đã “ngậm” đủ nước. Sau khi phô diễn vẻ đẹp rực rỡ của mình, hoa cà phê rụng cánh và bắt đầu kết thành từng chùm quả. 

 
 

Hoa cà phê chỉ nở rộ khoảng 2-3 đợt cuối xuân rồi cũng tàn nhanh như khi chúng tưng bừng khoe sắc. Chỉ sau khoảng vài ngày là cả "rừng hoa" dần chuyển thành những quả cà phê nhỏ xinh xinh. Du khách không chỉ thích thú hòa mình vào vẻ đẹp của những "bông tuyết trắng" đang trĩu nặng trên cành mà còn ngây ngất với hương thơm quyến rũ của hoa cà phê. Hương thơm thoang thoảng, thanh khiết làm say lòng người. 

 

 

Chính hương sắc của loài hoa đặc trưng này nên một số công ty du lịch đã tổ chức tuor đưa du khách từ các tỉnh đồng bằng lên Tây Nguyên để được dạo bước trong những vườn cà phê xanh mát, hít thở mùi hương cà phê. Dưới nền trời trong xanh cùng nắng vàng quyện với màu đất đỏ bazan càng làm nổi bật màu trắng hoa cà phê, giống như vẻ đẹp của cô gái Tây Nguyên đang tuổi xuân thì, đẹp rực rỡ và tinh khiết, khiến du khách chưa xa đã nhớ.

 

 
 

Tại các vùng chuyên canh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên, người nuôi ong trong cả nước đã tìm về, bố trí nhiều địa điểm để “đánh mật”. Từng thùng ong được xếp thành hàng dài ngay tại rẫy cà phê. Các đàn ong đua nhau bay đi hút mật. Đây là loại mật nguyên chất bởi vào lúc hoa cà phê nở rộ, người nuôi ong không phải cho ong ăn thêm bất cứ thứ gì.

 

Những người nuôi ong quyết định sống "du mục" cùng đàn ong của mình. Khi thì di cư về các tỉnh miền Tây để đánh mật; lúc lại đưa ong ra các tỉnh phía Bắc; còn thời điểm từ tháng 2 trở đi, chủ nhân của hàng triệu con ong ở các tỉnh, thành phố trên cả nước di cư đến Tây Nguyên để lấy mật của nhiều loại cây trồng đua nhau nở hoa, nhiều và ngon nhất vẫn là hoa cà phê. Người nuôi ong vẫn hay bông đùa về nghề nghiệp của mình - "Nghề phiêu du theo những mùa hoa" là vì vậy. 

 

Cà phê là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn của tỉnh Đắk Lắk. Vào khoảng tháng 3 hàng năm tất thảy vườn cà phê đều bung hoa trắng toát, tỏa mùi thơm quyến rũ thu hút ong bướm đến hút mật. Hoa cà phê nở trắng rực rỡ bao nhiêu thì niềm vui được mùa của người nuôi ong lấy mật nhân lên bấy nhiêu. Thương hiệu “Mật ong hoa cà phê” xuất xứ Đắk Lắk được nhiều người biết đến như một đặc sản của vùng cao nguyên lộng gió. 

 

Không rực rỡ, kiêu sa, chỉ khiêm nhường cánh mỏng với một màu trắng tinh khôi, hoa cà phê không chỉ dâng mật ngọt mà còn kết trái thơm cho đời bằng vị đắng dịu êm đầy mê hoặc không thể lẫn vào đâu được. Cà phê là một thức uống rất đỗi quen thuộc, không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày và cách thưởng thức cũng mang một vẻ riêng.

 

Cà phê pha phin mộc mạc có màu đen sánh quyện, thưởng thức ly cà phê pha phin có vị đắng nơi đầu lưỡi, sau đó là vị ngọt cuối vòm họng hòa quyện với hương thơm nồng nàng tạo dư vị khó quên. Còn cà phê pha máy lại có nét “quyến rủ” bởi nước cà phê có màu nâu cánh gián đến nâu đậm, khi thêm đá sẽ nhạt thành màu nâu hổ phách và “tô thêm” cho mình một lớp bọt bồng bềnh màu nâu đỏ phía trên.

Không đâu trên lãnh thổ Việt Nam lại có nhiều quán cà phê như ở phố núi Buôn Ma Thuột. Bước ra khỏi ngõ là có ngay quán cà phê không kể là con phố chính hay con hẻm; có quán cà phê "cóc" dành cho những ai vội vã, không ít quán có nội thất sang trọng dành cho doanh nhân mượn cà phê làm nơi giao đãi, có những quán cà phê "chất lừ" để thỏa mãn sự khám phá, trải nghiệm, trở thành địa điểm check in cho những ai một lần đặt chân đến.

Mỗi quán cà phê ở thủ phủ cà phê Tây Nguyên mang một phong vị riêng. Ly cà phê “chuẩn” Tây Nguyên chỉ nhỏ và ít nhưng chất lượng. Uống cà phê đã trở thành nét văn hóa của người dân phố núi, để mỗi khi có người thân, bạn bè từ phương xa đến hay ngay cả người tại chỗ mỗi khi gặp nhau đều hào phóng mời “Cà phê nhé!”.

 

 

Không dễ để phân định cà phê ở đâu là ngon nhất, chỉ biết rằng một lần nếm thử cà phê Buôn Ma Thuột thì sẽ chẳng thể nào quên được hương vị thơm ngon, đậm nồng của những giọt nâu được kết tinh từ đất đỏ bazan, hoà với cái nắng, cái gió Tây Nguyên tạo ra đặc trưng riêng - cà phê Buôn Ma Thuột.

 

Tây Nguyên, Đắk Lắk vào mùa khô (còn gọi là mùa nghỉ ngơi) còn làm say lòng du khách bởi không khí rộn ràng lễ hội của cộng đồng các dân tộc sinh sống nơi đây, như: Lễ cúng cổng bon của dân tộc M’nông; Lễ cầu mưa và mừng mùa dân tộc Ê đê; Lễ tạ ơn Yang của dân tộc Mạ; Đám cưới của dân tộc Gia Rai; Lễ mừng lúa mới của dân tộc Xơ Đăng, Lễ đua thuyền truyền thống…

Vào thời gian này, đồng bào các dân tộc thiểu số thường quây quần tại nhà văn hóa cộng đồng của buôn để làm lễ cúng thần, ăn uống, ca hát… cùng các hoạt động văn hóa tâm linh mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Nguyên.

 
 

Lễ cầu mưa của người Ê đê là lễ cúng quan trọng của đồng bào. Bà con cúng Yang để cầu cho mưa thuận, gió hòa, không bị thiên tai lũ cuốn, không bị hạn hán, từ đó cây lúa, cây ngô, cây cà phê phát triển được tốt thu hoạch được nhiều. 

 
 

Hai năm gần đây do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, và UBND tỉnh Đắk Lắk hướng tới việc không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến voi nhà nên Lễ hội đua voi ở Bản Đôn không được tổ chức định kỳ 2 năm/lần song không vì thế mà làm giảm đi sự tưng bừng của không khí lễ hội đậm chất Tây Nguyên thay vào đó du khách có thể đứng ở xa ngắm những chú voi thong dong kiếm ăn, vui chơi giữa đại ngàn, đặc biệt là tìm hiểu văn hóa voi và nghi thức cúng sức khỏe cho voi rất độc đáo. 

 

Nghi thức cúng sức khỏe cho voi khép lại với những nụ cười chan hòa ấm áp - sẽ mãi đọng lại trong lòng du khách về những chủ thể của buổi lễ thật gần gũi, đôn hậu, mến khách. 

“Tháng ba mùa con ong đi lấy mật/mùa em đi xuống sông gánh nước/mùa anh đi phát rẫy làm nương”…. Lời bài hát “Tháng ba Tây Nguyên” như thúc giục, như một lời gọi mời những ai chưa đến và cả những ai đã đến Tây Nguyên sớm trở lại nơi này để tận hưởng sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng để rồi cảm nhận rõ ràng hơn về vùng đất, con người nơi đây với đong đầy cảm xúc. 

Nội dung: Như Hoàng Nguyên

Hình ảnh: Như Hoàng Nguyên và CTV

Trình bày: Đức Văn

Tây Nguyên

Ý kiến bạn đọc