(E-Magazine) Sắc màu nông thôn mới
Mặc dù xuất phát điểm thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, song sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao. Việc triển khai chương trình không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại nhiều địa phương mà còn làm thay đổi nhận thức của đa số người dân trong tỉnh.
Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) là xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành 20 tiêu chí xã NTM nâng cao. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã vinh dự đón nhận Bằng công nhận vào ngày 18/5/2022.
Về Hòa Thuận hôm nay, ai ai cũng dễ dàng nhận thấy một diện mạo mới khang trang, văn minh. Khắp các thôn, buôn, ngõ, xóm đều xanh - sạch - đẹp.
Nhưng ít ai biết rằng, để vượt qua chặng đường 7 năm phấn đấu trở thành địa phương đầu tiên đạt chuẩn NTM nâng cao không phải là điều dễ dàng đối với một xã có đến 70% dân số làm nông nghiệp như xã Hòa Thuận.
Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận Nguyễn Công Thảo nhớ lại trăn trở lúc ấy: “Làm thế nào để nâng cao đời sống, khi đa phần người dân trong xã đều làm nông? Dân số của xã mỗi ngày một đông, với 14.264 người trong khi đất đai thì không thể “nở ra”. Bài toán tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm trên diện tích đất và chuyển đổi cơ cầu cây trồng, cơ cấu sản xuất là bài toán nan giải".
Với đường hướng đúng đắn, cùng sự hỗ trợ nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng, đến nay hơn 80% diện tích đất nông nghiệp trồng cây chủ lực như: cà phê, tiêu, sầu riêng, bơ ở xã Hòa Thuận được trồng xen canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… mang lại năng suất, chất lượng cao.
Khi chăn nuôi, sản xuất kinh doanh ở xã Hòa Thuận phát triển thì bài toán về môi trường khó càng chồng khó. Bộ máy chính quyền xã Hòa Thuận đã có những quy hoạch, chủ trương, chính sách phù hợp, cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân về vấn đề môi trường.
Kết quả, xã Hòa Thuận đã có một môi trường sống xanh, sạch, đẹp: 100% dân số, với 3.936 hộ gia đình được dùng nước sạch; 60 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, thu mua nông sản cam kết thực hiện tốt việc xử lý rác thải; gần 80% hộ dân đã thu gom, phân loại rác thải trước khi vận chuyển đi. Các hộ, trang trại chăn nuôi trên địa bàn xã đều có hệ thống xử lý rác thải, giữ gìn môi trường.
Qua gần 7 năm xây dựng xã NTM nâng cao, diện mạo của xã Hòa Thuận tiếp tục có những khởi sắc vượt bậc. Đến nay, 100% đường liên xã, 81,72% đường thôn đã được nhựa hóa; 100% đường ngõ, xóm được bê tông hóa; 81,8% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, bảo đảm cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
100% trường học trên địa bàn xã Hòa Thuận đạt chuẩn quốc gia (50% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II). Cơ sở vật chất văn hóa bảo đảm cho hoạt động văn hóa - thể thao của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,076%. 97,9% nhà ở dân cư trên địa bàn xã đạt tiêu chuẩn theo quy định. Công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội cho gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được lãnh đạo, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
Hiện, xã Hòa Thuận đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn theo hướng bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, đồng bộ gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đồng thời tập trung chỉ đạo ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và quản trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực. Cùng với đó, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành và giữ vững các tiêu chí xã NTM nâng cao, phấn đấu đạt xã NTM kiểu mẫu trong thời gian sớm nhất.
Người dân ở thôn 8, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) không ai là không biết ông Quách Đình Chiến (ngoài cùng bên trái) bởi ông tình nguyện hiến 320m2 và 200 gốc cau 10 năm tuổi khi giá đất trên thị trường khu vực ông ở đang tăng từng ngày để mở rộng đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, tuyến đường trước kia chật hẹp, mùa mưa lầy lội, đi lại khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân trong thôn đã được mở rộng khang trang, to đẹp.
Bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Chiến vẫn cần mẫn chăm sóc gần 1.000 gốc cà phê, bơ, sầu riêng, cau, chuối… trên diện tích 7 sào đất của gia đình. Lợi nhuận hằng năm đạt 400 triệu đồng. Ngoài tích cực lao động sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao mức thu nhập cho gia đình, ông còn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt với những hộ khó khăn trong thôn, trong xã.
Những công trình ở địa phương như: cổng chào, mở rộng sân Hội trường thôn do nhân dân hiến 500m2 đất, góp 57 triệu đồng; hay tháo gỡ hàng rào, hiến hàng trăm mét đất, đóng góp hơn 240 triệu để làm 1.759m đường bê tông... là thành quả đóng góp sức người, sức của của người dân thôn 6 sau khi Bí thư Chi bộ Nhép tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay xây dựng NTM.
Bí thư chi bộ Nhép trò chuyện, khi mới bắt tay xây dựng NTM, một số hộ dân chưa hiểu rõ lợi ích của việc làm đường nên chưa đồng tình hiến đất, ủng hộ kinh phí. Chi bộ thôn chỉ đạo đảng viên, đại diện các Hội, Đoàn thể trong thôn đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ và tự nguyện thực hiện.
Từ một thôn rất khó khăn về giao thông đi lại và nhiều hộ dân chưa có điện sinh hoạt, hiện nay đường giao thông từ trung tâm xã Hòa Sơn về ến thôn 6 đã được bê tông hóa, các hộ dân đã sử dụng điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt. Đây là kết quả của sự đồng thuận, nhờ đó đời sống người dân địa phương ngày càng được cải thiện.
Năm 2011, tỉnh Đắk Lắk mới có 3 xã đạt từ 10-12 tiêu chí NTM và còn đến 81 xã đạt dưới 5 tiêu chí, bình quân toàn tỉnh chỉ mới đạt 3,34 tiêu chí/xã. Nhiều xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện khó khăn, huyện biên giới chỉ đạt 1-2 tiêu chí. Tuy nhiên, sau 10 triển khai thực hiện, xây dựng NTM được đánh giá là chương trình kinh tế - xã hội thành công nhất trong các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tại tỉnh.
Thông qua phong trào “Đắk Lắk chung sức xây dựng NTM”, các địa phương đã khơi dậy, phát huy được nội lực, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng cao trong nhân dân.
Đặc biệt, từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, xác định rõ lợi ích và trách nhiệm của mình với cộng đồng, xác định được vai trò chủ thể của cộng đồng tự lựa chọn công trình, phần việc thiết thực, phù hợp để xây dựng NTM tại địa phương.
Sau 10 năm, toàn tỉnh huy động hơn 42.000 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của cộng đồng dân cư hơn 2,8 nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn như: đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, sân thể thao, nhà văn hóa...
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN - PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM Nguyễn Hoài Dương đánh giá: "Chương trình xây dựng NTM không chỉ thay đổi bộ mặt nông thôn, mà đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ; sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng bền vững hơn, đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất; an ninh - quốc phòng ổn định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... thành quả đó có sự góp công rất lớn của người dân".
Quan điểm chỉ đạo của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 là thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bảo đảm đi vào thực chất và bền vững đi vào chiều sâu; phát huy những thế mạnh, tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: xác định rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức và người dân trong xây dựng NTM; quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các địa phương.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn; phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Thêm nữa là thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng NTM; bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp…
Với phương châm xây dựng NTM “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng NTM bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.
Tỉnh phấn phấn đấu đến cuối năm 2022 có 77 xã đạt chuẩn NTM; đến năm 2025 có 4 huyện đạt chuẩn NTM; trên 65% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có ít nhất 10% số xã (10 xã) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 12 tiêu chí theo Bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,3 lần so với năm 2020. Có ít nhất 200 sản phẩm OCOP được cấp thẩm quyền cấp chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Dự kiến tổng nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 27.000 tỷ đồng.
Nội dung: Thế Hùng - Huyền Nhung - Hoàng Ân
Trình bày: Công Định