Báo Đắk Lắk điện tử
.

(E-Magazine) "Chân đất"... khởi nghiệp

11:01, 31/08/2022
 

Họ là những nông dân sinh ra và lớn lên nơi thôn quê, gắn bó với ruộng vườn, nhưng với sự nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu, tìm tòi áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn đã giúp những "chân đất" khởi nghiệp thành công từ chính đồng đất quê hương. 

 

 

Anh Y Kem Ênuôl (SN 1987), Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân buôn Tul B (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) với "hai bàn tay trắng" đã thực hiện thành công mô hình kinh tế tổng hợp. 

Sau nhiều lần ly hương để tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn, anh Y Kem quyết định trở về buôn làng thực hiện giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương bằng chính kiến thức và sức lao động của mình. "Trước nay, tôi vẫn nghe người ta nói: Làm nông khổ cực nhưng không mấy ai giàu! Đúng là rất cực, nhưng nếu cố gắng mình sẽ có cơ hội đổi đời từ nghề nông", anh Y Kem chuyện trò.

 

Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm trồng, chăm sóc nên nhiều cây mít đã bị sâu đục thân, chết. Đến khi cây ra quả thì lại bị ruồi vàng đục quả, khiến quả bị đen xơ, thối. Có những cây tỷ lệ quả bị đen, thối chiếm hơn 40%. Không nản lòng, anh Y Kem tìm đến những hộ trồng mít lâu năm để tham quan, học tập kinh nghiệm. Nhờ học hỏi, áp dụng đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc nên vườn mít của gia đình anh Y Kem phát triển tốt, cho năng suất cao.

 

Anh Y Kem cho biết, ở nơi thời tiết khắc nghiệt như huyện Buôn Đôn, nếu chỉ trông chờ vào nông nghiệp thuận theo tự nhiên thì khó thoát nghèo. Đất đai nhiều nhưng cằn cỗi nên người dân, nhất là thanh niên không mặn mà với nông nghiệp mà bỏ xứ đi làm ăn ở các thành phố lớn. Anh Y Kem dành nhiều thời gian, tâm sức tìm hiểu giống cây trồng, vật nuôi để ít tốn chi phí đầu tư mà vẫn mang lại hiệu quả. 

Năm 2021 được người thân, họ hàng ủng hộ anh Y Kem bán 7 còn bò và vay thêm vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Buôn Đôn mua thêm 3,5 sào đất sản xuất và trồng thử nghiệm 3,5 sào ngô đa gen. Đây là giống ngô có năng suất cao, chịu được thổ nhưỡng ít màu mỡ. Anh Y Kem tâm sự: “Thú thực, tôi vừa làm vừa học, tự mày mò, tìm đọc các loại tài liệu, sách báo về đặc tính, yêu cầu kỹ thuật của giống ngô này để áp dụng".

 

 
 

Chăm chỉ trong lao động, năng nổ trong các hoạt động ở địa phương, năm 2016 anh Y Kem được cử đi học lớp nhận thức về Đảng, sau đó 1 năm anh vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tháng 10/2021, được người dân và chính quyền địa phương tin tưởng, anh Y Kem đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ea Wer.

 

 

 

Ông Huỳnh Đình Thanh, (ở tổ dân phố 8, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) sinh năm 1963 ở huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới ở huyện Krông Năng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cuộc sống khó khăn, tài sản không có gì ngoài hai bàn tay trắng cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, vậy nên ông Thanh quyết tâm lao động để bám trụ vùng quê mới và rồi trở thành “tỷ phú” sầu riêng.

 

Hiện nay, gia đình ông Thanh có 800 cây sầu riêng, trong đó: 400 cây sầu riêng đã cho thu hoạch; trung bình mỗi năm hơn 40 tấn sầu riêng. Với giá bán tại vườn dao động từ 40 - 45.000 đồng/kg, tổng thu nhập của gia đình ông Thanh đạt hơn 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.

 

Chia sẻ về hành trình lập nghiệp của mình, ông Thanh nói: không phải ngẫu nhiên mà thu được “trái ngọt” như ngày nay. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên sầu riêng trồng bị chết nhiều hoặc chậm lớn. Khi cây trưởng thành, ra hoa thì tỷ lệ đậu quả thấp, rụng nhiều. Để có kinh nghiệm tôi tự học hỏi trên Internet và đi khắp nơi, hầu như nơi nào có sầu riêng là tôi tìm đến để học hỏi. 

Ngoài làm giàu cho gia đình, ông Thanh còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động và hàng chục lao động thời vụ với thu nhập khá cao. Khi được hỏi về đầu ra của sản phẩm sầu riêng, ông Thanh tự tin khẳng định, không lo về vấn đề này vì hằng năm cứ đến mùa là thương lái đến tận vườn đặt cọc theo giá thị trường rồi đến khi trái già sẽ đến cắt và thanh toán số tiền còn lại.

 

Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Thanh còn là Bí thư Chi bộ kiểm Tổ trưởng tổ dân phố 8 thị trấn Krông Năng gương mẫu, năng nổ trong công tác. Ông thường xuyên vận động con cháu, bà con lối xóm tích cực lao động sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ông Thanh nhấn mạnh: "Trong vai trò tiên phong của người đảng viên không phải làm những chuyện lớn lao mà đó là tự làm giàu cho bản thân, gia đình, đóng góp được thứ gì có lợi cho địa phương trong khả năng của mình là đã đóng góp cho xã hội rồi…”. 

 

 

Mô hình chăn nuôi theo hướng áp dụng công nghệ cao của đảng viên, hội viên nông dân Nguyễn Văn Phước (SN 1976, ở thôn Quỳnh Tân 1, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) được nhiều người đến tham quan, học tập.

 

Công ty C.P Việt Nam hỗ trợ con giống, thức ăn, vắc xin phòng bệnh và cử kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Sau khoảng 5 - 6 tháng nuôi, heo đạt trọng lượng khoảng 1 tạ thịt trở lên công ty sẽ thu mua toàn bộ heo trong trang trại. Mỗi lứa heo xuất chuồng, gia đình anh Phước thu về hơn 400 triệu đồng.

 

Năm 1977, anh Phước theo gia đình từ huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) vào huyện Krông Ana lập nghiệp. Tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng nên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh đã suy nghĩ làm thế nào để thoát nghèo khi người dân ở vùng quê chỉ trồng lúa, hoa màu, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2005, anh qua tỉnh Đắk Nông thuê hơn 1 ha đất trồng khoai lang với mong muốn… đổi đời. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên việc làm ăn thua lỗ anh lại phải khăn gói trở về huyện Krông Ana sống dựa vào… cây lúa.

Từ cuối năm 2021, anh Phước tiếp tục đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại nuôi dê Boer nhốt chuồng. Anh đến TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) học tập kinh nghiệm và chọn mua 150 con dê giống với giá 300.000 đồng/kg về nuôi. Sau gần 2 năm, từ một người chưa hề biết gì về loại vật nuôi này, đến nay anh đã thông thạo, nắm được nhiều bí quyết như một chuyên gia nuôi dê.

 

 

Đang trong giai đoạn kiến thiết nên trang trại dê của anh Phước chủ yếu đang gây dựng dê giống, chưa có dê thương phẩm. Theo anh Phước, thị trường tiêu thụ dê rất ổn định, với giá bán khoảng 120.000 đồng/kg dê thịt thì mỗi con dê sau khi trừ chi phí thức ăn và công chăm sóc cho lãi khoảng 1 triệu đồng. Nếu có điều kiện anh Phước tiếp tục mở rộng mô quy mô chuồng trại để đáp ứng đủ số lượng dê thương phẩm xuất ra thị trường, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho những hộ có nhu cầu.

 
 
 

 

Trong giai đoạn 2017 - 2021, hội viên nông dân toàn tỉnh, trong đó nhiều đảng viên nông dân đã tiên phong, gương mẫu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, liên kết, hợp tác trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh tự làm giàu cho mình, nhiều nông dân còn giúp đỡ những nông dân khác thoát nghèo, đóng góp công sức, của cải để xây dựng các công trình công cộng, tham gia các hoạt động xã hội. Bình quân mỗi năm có trên 192.000 hộ đăng ký, trong đó có trên 106.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp với mức thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm... 

 

 

Nội dung, hình ảnh: Thế Hùng - Hoàng Ân - Đức Văn

Trình bày: Đức Văn 


Ý kiến bạn đọc