(E-Magazine) Có một Việt Bắc trên cao nguyên Đắk Lắk
Từ thập niên 80 của thế kỷ XX, những người dân ở vùng căn cứ cách mạng Việt Bắc di cư vào Đắk Lắk lập nghiệp. Mưu sinh trên vùng đất mới, cộng đồng dân tộc thiểu số các tỉnh Việt Bắc cần mẫn phát triển sản xuất, cùng nhau xây dựng cộng đồng đoàn kết. Đồng thời, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa sắc màu trên cao nguyên Đắk Lắk.
Thôn 7D (xã Ea Phê) là nơi định cư của cộng đồng người Nùng, còn gọi bằng tên khác là "người Cao Bằng", bởi quê gốc của họ ở huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng).
Ông Mã Văn Cao (84 tuổi), dân tộc Nùng là bộ đội thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đất nước thống nhất, ông Cao trở về quê phát triển kinh tế. Nhưng, điều kiện tự nhiên, khí hậu ở quê không thuận lợi, gia đình đông con, làm không đủ ăn. Năm 1986, ông Cao cùng vài người thân vào xã Ea Phê - nơi đơn vị từng đóng quân để lập nghiệp với quyết tâm thoát nghèo.
Dù khó khăn bộn bề, song những người nhập cư như ông Cao quyết kiên trì bám đất, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn nơi quê hương thứ hai.
Theo tập quán của người vùng cao, ông Cao chọn vùng đất gần nguồn nước để khai hoang, làm rẫy. Những năm đầu tiên, ông Cao trồng các loại cây ngắn ngày như: lúa, đậu, ngô để bảo đảm cái ăn trước mắt.
Gần 34 năm xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 7D Mã Văn Đài vẫn vẹn nguyên ký ức của một thời đi mở đất.
Ông Đài kể, những ngày chân ướt, chân ráo chuyển đến vùng đất này, khó khăn chồng chất, lo làm sao có ngôi nhà để “an cư lạc nghiệp”. Nhưng với bản tính cần cù, những nông dân người Nùng đã “cảm hóa” mảnh đất hoang sơ lúc bấy giờ bằng những giọt mồ hôi và đôi bàn tay chuyên cần.
Đến nay, thôn 7D có 115 hộ dân, 447 nhân khẩu, có gần 100 ha trồng xen cà phê, tiêu, cây ăn trái, lúa, gần 1.300 con gia súc, gia cầm. Nhờ biết học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng ngày càng tăng, đời sống bà con được cải thiện, nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 70%; đường giao thông nội thôn được bê tông hóa 100%.
Tìm đến những vùng đất lành với khát vọng “đổi đời”, không ít thanh niên, lão nông Việt Bắc đã biến mảnh đất hoang sơ ở xã vùng sâu Cư Kbang (huyện Ea Súp) dần chuyển “màu xanh” nhờ những cải tiến trong nông nghiệp.
Ông Hạnh cho biết, ngoài lượng nước mưa, ông đã dùng chính cách “nguyên thủy” của đồng bào phía Bắc - đó là dẫn nước từ các mạch ngầm và những con suối trên đồi về. Nước không ồ ạt nhưng róc rách chảy mãi để duy trì lượng nước ổn định. Nhờ vậy, hơn 3 năm qua, ao cá đã mang lại cho gia đình ông Hạnh nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Hạnh kể, năm 1994, mình cùng với những người ở bản di cư vào vùng đất này, khai hoang trồng sắn. Năm 1998, xã Cư Kbang được thành lập, nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gia đình ông Hạnh được cấp ủy, chính quyền xã Cư Kbang hỗ trợ về ổn định cuộc sống ở cụm dân cư 9. Năm 2001, gia đình ông được nhận một con bò sinh sản, rồi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi.
Cũng như ông Hạnh, 17 tuổi, anh Đàm Văn Kiên theo thanh niên xã Trường Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đi kinh tế mới tìm cơ hội đổi đời cho bản thân. Sau gần 1 tháng, anh Kiên mới đến được xã Cư Kbang thì số tiền phòng thân cũng đã cạn, lại không có bà con thân thích, anh Kiên "bám" rừng để sinh sống. Năm 1998, được cán bộ UBND xã Cư Kbang tuyên truyền, anh Kiên bỏ rừng để về vùng định cư mới.
Khi đủ vốn, anh đầu tư mua máy gặt lúa liên hợp, máy cày, máy múc... chuyên nhận gặt lúa, xới đất ở xã Cư Kbang, Ea Lê… Công việc mỗi lúc nhiều hơn, anh Kiên thuê thêm 4 - 5 nhân công để phụ giúp mình, mức lương khoảng 400 nghìn đồng/ngày.
Để giúp người dân yên tâm và ổn định cuộc sống, bên cạnh hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông, kéo điện sinh hoạt, những người di cư còn được cấp ủy, chính quyền xã Cư Kbang quan tâm hỗ trợ vay vốn sản xuất. Nhờ đó, họ bắt tay vào phát triển vườn, rừng, cải tạo đất sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật và tận dụng tối đa diện tích đất được cấp để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.
Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc xã Cư Ewi (huyện Cư Kuin) được tổ chức đều đặn vào các ngày mùng 7, 8 và 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm với phần lễ và phần hội rất sôi động, nhộn nhịp.
Từ năm 2017, biết đến Lễ hội dân gian Việt Bắc ở xã Cư Ewi dù nhà ở xã Ea Kuêh (huyện Cư M'gar) nhưng năm nào ông Hoàng Văn Thửa (dân tộc Tày, tỉnh Bắc Kạn) cũng tranh thủ hoàn tất các công việc đồng áng để dành vài ngày tham dự Lễ hội.
Ông Thửa chuyện trò: "Hơn 20 năm trước, hơn chục hộ gia đình của huyện Ba Bể đã rời quê hương vào Đắk Lắk xây dựng kinh tế mới. Ngày ra đi, chúng tôi không dám quay đầu nhìn lại. Lên xe rồi, vợ tôi vẫn khóc kéo áo tôi bảo quay về. Chúng tôi đi với một ước mong duy nhất là "đổi đời", để con cái không phải đói ăn nữa. Bao nhiêu năm quần thảo làm lụng, bây giờ đã no đủ rồi thì nỗi nhớ làng quê lại dội về, da diết khó diễn tả lắm. Có Lễ hội Việt Bắc này, tôi như được trở về nhà vậy!".
Nhắc đến văn hóa Việt Bắc phải nói đến Lễ hội Hảng Pồ ở xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ), hay còn được gọi là phiên “chợ tình”. Chữ “tình” ở đây không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình người, tình anh em, tình đồng hương…
Cứ vào ngày 27, 28 tháng Giêng (âm lịch), người dân tộc Tày, Nùng xa quê ở khắp các nơi trong tỉnh lại hò hẹn nhau về với lễ hội Hảng Pồ để gặp mặt và giao lưu trong những ngày đầu xuân. Song, hấp dẫn nhất vẫn là những màn tỏ tình của các đôi nam nữ ngay trong lễ hội bằng chính những câu hát đối đáp giao duyên.
Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, đồng bào Mông ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang… di cư vào huyện Krông Bông lập nghiệp - nơi quê hương mới vẫn nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.
Với đồng bào Mông, không chỉ riêng dịp Tết mà ngay cả những ngày lễ, hội, họp chợ phiên cuối tuần... là dịp để các chàng trai, cô gái Mông xúng xính váy áo truyền thống mới, khoe tài trong tiếng khèn cùng những trò chơi dân gian. Đây được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông.
Qua bao thăng trầm của thời gian, những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Bắc ở cao nguyên Đắk Lắk vẫn đang được các thế hệ gìn giữ và bảo tồn. Bởi, đó không chỉ phục vụ đời sống dân sinh, nuôi dưỡng, hình thành nên những cảm xúc quê hương của mỗi người, mà tạo nên sức mạnh nội sinh, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Đặc biệt hơn, họ đã góp phần tô điểm vào bức tranh văn hoá đa sắc màu của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Nội dung, ảnh: Hoàng Ân - Thùy Linh
Trình bày: Đức Văn