Báo Đắk Lắk điện tử
.

(E-magazine) Cà phê đặc sản Đắk Lắk: Định vị "Điểm đến Cà phê của thế giới"

10:20, 06/01/2023
 
 

Cùng với mong muốn định vị Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trở thành “Điểm đến cà phê của thế giới”, ngành cà phê Đắk Lắk đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để chạm vào phân khúc cao nhất của cà phê thế giới. Đó là cà phê đặc sản. 

 
<br>
 

Ban đầu, cà phê đặc sản chỉ áp dụng cho cà phê Arabica, đến nay đã áp dụng cho cả cà phê Robusta. Tiêu chuẩn và quy trình đánh giá cà phê đặc sản được áp dụng theo Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (cho Arabica) và Viện Chất lượng cà phê thế giới (cho Robusta).

 
 

Từ năm 2019 đến nay, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (được sự ủy quyền của UBND tỉnh) đã tổ chức được 4 Cuộc thi "Cà phê đặc sản Việt Nam - Vietnam Amazing Cup”, với sự thẩm định của những chuyên gia hàng đầu về cà phê đặc sản trong nước và quốc tế.

Kết quả, trong số 257 mẫu tham gia dự thi có 178 mẫu đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản, qua đó đã phát hiện nhiều mẫu cà phê có hương vị đặc sắc, thu hút được sự quan tâm của các nhà rang xay khó tính của thế giới.

 

Đơn cử có thể kể đến gia đình ông Lê Văn Tâm, ở thôn Cao Thành (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) có 4,5 ha cà phê, từ năm 2018 ông bắt đầu chuyển đổi phương pháp canh tác để làm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Từ đó, gia đình ông xây dựng vườn cà phê sinh thái theo hướng hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ thu hái khi cây có tỷ lệ quả chín trên 95%…

Còn gia đình anh Tạ Duy Thanh (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) có gần 3 ha cà phê cũng đã liên kết với Hợp tác xã (HTX) Ea Tân (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) từ nhiều năm nay để sản xuất cà phê theo hướng bền vững.

 
 

 

 

Cà phê (chủ yếu là cà phê Robusta) là ngành kinh tế chủ lực của Đắk Lắk, là một nông sản gợi nhớ về vùng đất thủ phủ Tây Nguyên, với thương hiệu cà phê có tiếng từ thời Pháp thuộc - Cà phê Buôn Ma Thuột.

Dù với vị trí số 2 thế giới về xuất khẩu, cà phê Robusta của Việt Nam cũng không làm thay đổi được những kiếm khuyết về chất lượng so với hạt Arabica.

Đó là vị thô, chát và đậm của Robusta đã khiến thị trường thế giới đánh giá thấp chất lượng và xem nó là hàng phẩm cấp thấp dùng để làm cà phê hòa tan. 

 
 

Trước hết, việc thu hoạch, sơ chế, chế biến cà phê Robusta khó hơn về mặt kỹ thuật so với Arabica, vì hàm lượng đường trong hạt Robusta ít nên rất khó lên men khiến cho việc tạo ra những mùi hương đặc sắc cũng sẽ khó hơn. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình này giúp hình thành những hương vị mới cho cà phê và khắc phục được những “điểm lỗi” của hạt Robusta.

 

Là đơn vị phát triển theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hiện nay HTX Ea Tân đang liên kết với 156 thành viên chính thức và hơn 600 hộ thành viên liên kết để sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản.

Theo ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc HTX Ea Tân, hiện nay sản lượng cà phê đặc sản của đơn vị khoảng 50 tấn, cà phê chất lượng cao hơn 200 tấn. Hiện tại, thị trường tiêu thụ chính của HTX là châu Âu và thị trường nội địa.

 
 

 

 

 

 

Việc phát triển cà phê đặc sản tại Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng về chiến lược sẽ giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng chung của cà phê Việt Nam. Đối với Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, thì cà phê đặc sản góp phần khẳng định thương hiệu và nâng cao chất lượng Cà phê Buôn Ma Thuột.

 
 
 

Hiện nay, thị trường cà phê đặc sản ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm và hiện chiếm khoảng 30% trong tổng doanh thu 220 tỉ USD của ngành cà phê toàn cầu. Đi cùng xu hướng hội nhập quốc tế, phát triển cà phê đặc sản đang được Đắk Lắk kỳ vọng sẽ trở thành “sân chơi” mang tầm cỡ thế giới tại thủ phủ cà phê. 

 

“Hãy bảo đảm rằng những hạt cà phê mang nhãn cà phê đặc sản thực sự là đặc sản, nó phải có điểm số trên 80 và không bị lỗi. Các bạn hãy giữ nét tuyệt hảo, nét đẹp của cà phê Đắk Lắk - Việt Nam, đừng để chúng ta lạm phát nhãn cà phê đặc sản ở khắp nơi, khi đó nó sẽ phá hủy cơ hội phát triển cà phê đặc sản và ảnh hướng đến tất cả mọi người trong chuỗi này”, ông Adi Taroepratjeka, chuyên gia về đánh giá cà phê đặc sản đến từ Indonesia chia sẻ.

 

Để tiếp sức cho lộ trình nâng cao và khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam trên thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tại 8 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông Lâm Đồng. 

 
 

 

 
 

Nội dung và hình ảnh: Minh Thuận - Thế Hùng

Trình bày: Đức Văn


Ý kiến bạn đọc