Báo Đắk Lắk điện tử
.

(E-Magazine) Nâng tầm giá trị cà phê

11:11, 20/02/2023
 

Khởi đầu một ngày mới với ly cà phê đã trở thành nếp quen với nhiều người không kể lứa tuổi, nghề nghiệp, môi trường sống. Song, mỗi người lại có một “gu” thưởng thức khác nhau, người thích hương vị đậm đà, thơm ngon của cà phê pha máy, có người thích chờ những giọt cà phê chậm rãi rơi. 

Nắm bắt thị hiếu của khách hàng, nhiều công ty sản xuất, chế biến cà phê đã đầu tư công nghệ, đa dạng sản phẩm để phù hợp với khẩu vị của từng nhóm khách hàng, vùng miền, qua đó tăng khả năng cạnh trạnh, thúc đẩy thương hiệu cà phê Đắk Lắk lớn mạnh.

 

Không có máy điều hòa, không góc "check-in" sang chảnh, quán cà phê rang củi Thơ Dũng trên đường Nguyễn Hữu Trác (huyện Cư M’gar) đã trở thành chốn quen của nhiều thực khách.

Khách hàng tìm đến quán để nhâm nhi ly cà phê nguyên chất truyền thống trước khi bắt đầu một ngày mới hay để thỏa nỗi nhớ hương vị cà phê rang củi. Nhiều khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đã trở thành khách hàng ''ruột" khi đều đặn đặt mua cà phê rang củi Thơ Dũng về thưởng thức.

 
 

Ngày nay, với nhiều loại máy rang cà phê công nghiệp đã hỗ trợ cho công đoạn rang - công đoạn quan trọng nhất trong quy trình chế biến cà phê rất nhiều, song với chị Thơ cà phê rang củi có vị đặc biệt mà không loại cà phê rang máy nào có được! Để đảm bảo một mẻ cà phê rang củi đúng “gu” quan trọng nhất là nhiệt độ ổn định nên củi dùng để rang phải là củi cà phê. 

Cà phê ngon là cà phê chín đều từ trong ra ngoài. Lửa quyết định đến hương vị cà phê. Nếu rang cà phê bằng điện, thời gian chín nhanh, còn rang cà phê bằng củi cần khoảng 3 - 4 giờ, phải đun củi đều tay và chọn độ chín phù hợp, nên chị Thơ phải túc trực để “giữ” lửa.

Củi cà phê với nhiều đặc tính nổi trội: nhiệt lượng lớn, bén lửa nhanh, thời gian cháy lâu... tạo nên sự ổn định về nhiệt độ trong suốt quá trình rang cà phê. Thêm một ưu điểm nữa, củi cà phê khi cháy ít khói, không làm người rang cay mắt, khó chịu.

 
 

Chị Thơ cho hay, có rất nhiều âm thanh, vị hương, màu khói diễn ra trong suốt 3 - 4 giờ rang cà phê mà khó có thể diễn tả bằng lời… Khi rang được tầm khoảng 20-25 phút, hạt cà phê bắt nổ; tiếng nổ nghe rộn rã, vui nhộn, các hạt cà phê như đang nhảy múa trong nồi. Tiếp đó, tiếng nổ nhẹ dần rồi im hẳn, khói cũng lặn mất tăm, cảm giác như hạt cà phê đang tập trung hút hết nguồn nhiệt của bếp củi, hương thơm lúc này có mùi rang đặc trưng, phảng phất vị ngọt như mật ong.

Sau thời gian lắng đọng, nồi rang cà phê lại "ngân" lên những tiếng nổ tí tách, khác với lần nổ đầu, tiếng nổ lần này nghe  khô khốc, giòn và nhanh hơn. Khi đạt đến độ chuẩn nhất định, hạt cà phê không còn nhảy múa nữa. Dựa vào làn khói tỏa ra và hương cà phê phảng phất, chị Thơ biết hạt cà phê đã đến lúc được đưa ra khỏi lò rang. Cà phê được đổ ra khỏi nồi và làm nguội nhanh chóng. 

 

“Khó có thể tả hết cảm giác khi chiêm ngưỡng mẻ cà phê vừa đổ ra do mình rang. Hạt cà phê “nảy” lên, căng tròn, có màu nâu cánh gián, hương thơm len lỏi. Khi xay, bột cà phê có màu nâu sáng, mùi hương tuyệt diệu, trong trẻo, không đậm đặc nhưng hương vị vẫn được giữ nguyên - cái hương vị nhẹ nhàng làm cho người uống thấy cảm giác thăng hoa chứ không gây hồi hộp và béo ngậy", chị Thơ cho hay.

Nhìn cách chị Thơ cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng công đoạn rang cà phê có thể thấy niềm đam mê của chị đối với công việc rang cà phê bằng củi, cách chị say hương vị cà phê rang theo cách truyền thống như chăm "đứa con bé bỏng" để sản phẩm làm ra có chất lượng cao nhất - ít nhất trong cách cảm nhận của chị Thơ.

 
 

Tại Đắk Lắk - "thủ phủ" cà phê của cả nước, từ những quán cà phê sang trọng đến quán vỉa hè, ở đâu cũng có thể gọi một ly cà phê nguyên chất, nóng hổi với hương vị tinh tế. Tuy nhiên, với nhịp sống ngày càng hối hả, bận rộn, một tách espresso hoặc cà phê phin khó được giới trẻ lựa chọn, vì cách thưởng thức cần nhiều thời gian. Phong cách cà phê thường thấy của giới trẻ là tạt vào quán, gọi một ly cà phê pha sẵn rồi mang đi.

 

Với tư duy nhanh nhạy, hiện đại, bên cạnh các sản phẩm cà phê bột, cà phê hạt truyền thống, Công ty TNHH MTV Anh Coffee (Cụm Công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đã cho ra đời nhiều sản phẩm cà phê hòa tan, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức cà phê mọi lúc, mọi nơi của những người bận rộn và thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng.

 

Các sản phẩm cà phê của Công ty TNHH MTV Anh Coffee được sản xuất dựa trên sự thấu hiểu thói quen, sở thích thưởng thức cà phê của người Việt. Vì vậy, công ty đã tìm ra công thức pha trộn riêng, hợp “gu” từng vùng, từng nhóm người.

Nếu như trước đây, cà phê hòa tan được tạo nên từ ba nguyên liệu chính là cà phê, bột kem và đường, thì hiện nay công ty đã kết hợp nhiều nguyên liệu để chế biến ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng như: cà phê hòa tan tinh chất sen, bạc hà, matcha, nhân sâm… Bên cạnh đó, công ty cũng cho ra đời dòng sản phẩm "cà phê 2in1" đen đậm vị và "cà phê 3in1" đen thơm nồng giữ nguyên được hương vị đặc trưng truyền thống, đậm đà của cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.

 

Để có những hạt cà phê chất lượng, công ty bao tiêu đầu ra cho vùng nguyên liệu rộng hơn 50 ha tại huyện Ea H’leo và người trồng cà phê tại đây cam kết trồng cà phê theo hướng hữu cơ. Sau khi thu hoạch, cà phê được loại bỏ tạp chất, sơ chế, phơi trong nhà kính và lên men theo tiêu chuẩn của Anh Coffee, đảm bảo độ chín trên 90%, bảo quản trong điều kiện thích hợp.

 

Với ưu điểm hộp nhỏ gọn, dễ dàng sử dụng, tiện lợi mang theo khi đi du lịch, đi công tác hoặc tặng bạn bè, người thân, đối tác, cà phê hòa tan là lựa chọn phù hợp cho những tín đồ cà phê nhưng lại không có thời gian pha một ly cà phê phin vào mỗi sáng, hay bất cứ thời điểm nào trong ngày. Nhờ bắt đúng xu hướng tiêu dùng hiện đại, năm 2022 Công ty TNHH MTV Anh Coffee đã phân phối cà phê hòa tan đến các thị trường Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... 

 

Nông trại mang tên Aeroco Coffee (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đang hướng đến tạo ra dòng cà phê “chất” hơn là “lượng” để tăng tính cạnh tranh cũng như tạo thêm giá trị.

 

Anh Lê Đình Tư, chủ nông trại đã hình thành ý tưởng kết nối người trồng, khách hàng và người uống cà phê thông qua quy trình khép kín: trồng trọt, chế biến, tiêu thụ cà phê chất lượng cao. Hiểu rõ giá trị của hạt cà phê, anh Tư đang hiện thực hóa khát vọng nâng tầm giá trị cho loại nông sản này hướng đến một nền nông nghiệp sạch.

<br>
 

Để làm ra cà phê chất lượng cao, có hương vị khác biệt “chiều” được lòng những thượng đế “sành” thưởng thức đòi hỏi quy trình chăm sóc phải thay đổi.

Vườn cây không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, tỷ lệ quả chín khi thu hái đạt trên 95%, cà phê phải được phơi trên giàn, áp dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản. Đặc biệt, kiểm soát được quy trình lên men là “chìa khóa” để khai thác hương vị của hạt cà phê, tìm ra những mùi vị khác nhau tạo nên nét đặc trưng cho sản phẩm.

"Quy trình chăm sóc vườn cây quyết định đến 70% chất lượng hạt cà phê. Do đó, phải chú trọng từ khâu trồng trọt và thực hành sản xuất cà phê bền vững để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính. Đây sẽ là “lực đẩy” để cà phê Buôn Ma Thuột đi xa hơn", theo anh Tư, chủ nông trại.

Hiện, Aeroco Coffee có hơn 10 dòng sản phẩm cà phê xuất khẩu, theo các phân khúc của thị trường. Sản phẩm của đơn vị đã xuất khẩu sang Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ - những thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Hiện tại, Aeroco Coffee có trên 30 ha trồng cà phê ở những độ cao khác nhau, liên kết với hơn 10 hộ dân tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng.

Theo đánh giá của nhiều hộ dân liên kết trồng cà phê với nông trại Aeroco Coffee, canh tác theo hướng hữu cơ và thiên nhiên đang tạo ra nhiều lợi thế trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ngoài hiệu quả kinh tế, nhà vườn không phải đối diện với tác hại từ các loại thuốc bảo vệ thực vật, thêm vào đó còn bảo vệ tài nguyên đất và hệ sinh thái của vườn.

 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, phát triển cà phê sạch đang là hướng đi có nhiều tiềm năng, mang lại lợi ích kép vừa nâng cao giá trị cà phê vừa phát triển du lịch.

 

Nông trại Aeroco Coffee còn là địa chỉ để du khách đến tham quan, tham gia vào quy trình ươm cây, hái quả, phơi phóng, rang xay và thưởng thức cà phê. Qua trải nghiệm, du khách hiểu hơn về cây cà phê, về sự kỳ công của việc trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến  cà phê chất lượng cao và giá trị tương xứng mà sản phẩm này mang lại. Đó cũng là một cách minh bạch thông tin và gia tăng giá trị cho du lịch địa phương.

 
 

Nội dung: Hoàng Ân - Như  Quỳnh - Đỗ Lan

Trình bày: Công Định


Ý kiến bạn đọc