(Emagazine) Trọn đời cống hiến
Ngoài 70 năm tuổi đời, hơn 45 năm tuổi Đảng và cống hiến hết mình dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đó là điểm chung của những đảng viên mà chúng tôi muốn khắc họa trong bài viết này.
Mỗi người có một đóng góp khác nhau, không chỉ hy sinh xương máu cho Tổ quốc trong thời chiến, trở về thời bình họ đều là những đảng viên trách nhiệm và là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu, cán bộ, đảng viên trên địa bàn học tập, noi theo.
Sinh ra tại Hưng Yên, học tập ở Hà Nội nhưng phần lớn thời gian công tác của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thi (SN 1935) lại gắn bó với mảnh đất Đắk Lắk. Chính tại nơi đây, ông đã cùng với đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên vượt qua khó khăn, thử thách để đào tạo nên nhưng thế hệ cử nhân, thạc sĩ đầu tiên của trường.
Nhớ lại những ngày còn đi học, thầy Thi ngậm ngùi: “Khi đó nhà tôi nghèo lắm, nhưng thấy tôi hiếu học nên các cụ đã cố gắng chắt chiu để con theo đuổi ước mơ. Năm 1962, tôi tốt nghiệp chuyên ngành Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Hà Nội và được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy”.
Suốt hành trình “chèo thuyền” đưa bao nhiêu thế hệ sinh viên “qua sông” tìm tri thức, cột mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời thầy Thi đó là vào năm 1978.
Theo phân công của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thời bấy giờ, thầy được biệt phái vào Đắk Lắk nhận công tác với hành trang trên người chỉ vẻn vẹn chiếc ba lô đựng vài bộ quần áo.
Những năm đầu tiên sau ngày giải phóng, cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng vừa phải lo khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa phải phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống. Thời điểm đó đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không chỉ đói ăn, đói mặc mà “đói” cả cái chữ, ánh sáng văn hóa.
Khi đến nhận công tác tại Trường Đại học Tây Nguyên, thầy Thi đảm nhận nhiệm vụ Trưởng Khoa Lâm nghiệp kiêm Trưởng Khoa Nông nghiệp. Gắn bó với Trường Đại học Tây Nguyên từ buổi đầu sơ khai, đến nay nhà giáo Nguyễn Đình Thi vẫn còn nhớ và lưu giữ nhiều kỷ niệm về quá trình xây dựng, phát triển ngôi trường đại học đầu tiên trên vùng đất Tây nguyên.
Thầy Thi chia sẻ, giai đoạn đầu thành lập, phải giảng dạy trong bối cảnh ba không: không giảng viên, không giáo trình, không trang thiết bị là điều rất khó khăn với một người làm công tác lãnh đạo, quản lý Khoa. Phát huy ý chí cách mạng và nhuệ khí của người cộng sản, thầy Thi dành trọn tâm huyết, sức lực từng bước xây dựng và phát triển Khoa Nông Lâm, Khoa Nông nghiệp ngày càng lớn mạnh, góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển của Trường Đại học Tây Nguyên.
Một mặt thầy đề xuất với Ban Giám hiệu Trường Đại học Tây Nguyên thành lập các trung tâm phục vụ, nghiên cứu, thực nghiệm bộ môn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành. Mặt khác, thầy đi đến các trường đại học trên cả nước để huy động dụng cụ, trang thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, mở 3 lớp cao học cho Khoa Nông Lâm, Khoa Nông nghiệp, đã đào tạo gần 100 thạc sĩ đầu tiên của Trường Đại học Tây Nguyên với các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp.
Thầy Thi đề xuất tuyển chọn những sinh viên vừa tốt nghiệp loại giỏi, khá ở các trường đại học trên cả nước, vận động về Trường Đại học Tây Nguyên công tác, giảng dạy để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực lúc bấy giờ. Nhờ đó, Trường Đại học Tây Nguyên đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu, tạo đà để ngày càng phát triển. Đặc biệt, từ năm 1979 -1982, số giảng viên nhà trường tăng nhanh do được bổ sung từ các trường đại học khác và sinh viên của trường tốt nghiệp được giữ lại.
Bên cạnh xây dựng đội ngũ giảng viên, đổi mới phương thức dạy học, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thi còn tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật. Do cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí hạn hẹp nên thầy thường triển khai những đề tài có tính thực tiễn cao, tập trung vào nghiên cứu đặc điểm giống cây trồng, điều kiện tự nhiên, tiềm năng kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên... Đặc biệt là nhóm đề tài “Hệ thống canh tác trên đất dốc ở Tây Nguyên” sau khi nghiệm thu đã được đưa vào giảng dạy và triển khai trong thực tiễn, đem lại hiệu quả cao.
Không chỉ có nhiều đóng góp trong công tác giáo dục, năm 1997 sau khi nghỉ hưu, thay vì vui thú điền viên, nhà giáo Nguyễn Đình Thi phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên, tiếp tục cống hiến cho xã hội. Từ năm 1997 - 2010, thầy được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 4; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường; Trưởng Ban Tuyên truyền Đảng ủy phường; Chủ tịch Hội Khuyến học phường Ea Tam…
Khi được hỏi, một đời trung kiên theo Đảng, điều gì khiến thầy nhớ và muốn lưu giữ nhất? Thầy Thi xúc động nói rằng: “Đó chính là lời thề thiêng liêng trong ngày kết nạp Đảng! Tôi còn nhớ rõ vào năm 1976, đứng dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc tôi đã hô vang lời tuyên thệ của một đảng viên mới. Cảm xúc khi ấy thiêng liêng, tự hào lắm. Lời thề với Đảng đã theo tôi suốt những năm tháng làm công tác giảng dạy cho đến sau này nghỉ hưu về công tác tại phường Ea Tam và có lẽ là tận đến khi nhắm mắt xuôi tay”.
Giờ đây, dù đã bước sang tuổi 88, nhưng Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thi vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Hằng ngày thầy vẫn quan tâm theo dõi tình hình thời sự địa phương, đất nước qua đọc báo, xem tivi với mong muốn quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh
Được nhân dân, các thế hệ cán bộ, đảng viên trên địa bàn thị xã Buôn Hồ yêu mến, tôn trọng, ông Nguyễn Như Thạch (SN 1948) ở phường An Lạc là một trong những vị cán bộ có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh - quốc phòng của huyện Krông Búk trước đây (bao gồm một phần diện tích của các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M'gar, Krông Năng, toàn huyện Krông Búk và thị xã Buôn Hồ bây giờ).
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất võ Bình Định, từ khi còn là học sinh, ông Thạch đã tham gia nhiều phong trào chống giặc, diệt ác tại quê hương.
Nhớ lại những ngày tháng chiến tranh, ông Thạch bồi hồi: “Khi đó ở quê tôi, dù già hay trẻ cũng đều một lòng căm ghét giặc và hướng về cách mạng. Vì vậy, dù biết trăm ngàn nguy hiểm, tôi vẫn xung phong tham gia các phong trào diệt ác. Năm 1971, tôi gia nhập vào lực lượng du kích và an ninh của xã, đồng thời đi “dàn dân, cắm cờ” để mở rộng đất của ta. Trong những ngày tháng này, có một dấu mốc lớn mà tôi nhớ mãi đó là thời điểm được kết nạp Đảng vào năm 1972. Tôi cảm thấy đây thực sự là một niềm vinh dự lớn lao. Trong lòng tôi khi ấy đầy rạo rực, phấn khởi và sung sướng vì được Đảng tin…. Từ dấu mốc này, tôi như được tiếp thêm nguồn cổ vũ lớn hơn để phấn đấu hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.”
Đến năm 1973, ông Thạch được cử đi học sư phạm. Ba năm sau ông được phân công về giảng dạy tại Trường Đảng ở huyện Krông Búk. Từ đây, ông bắt đầu gắn bó với miền quê thứ 2 này. Giai đoạn 1977 – 1985, sau khi kinh qua nhiều vị trí, chức vụ trong hệ thống chính trị ở huyện Krông Búk, 1987 ông Thạch được giao đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy. Từ năm 1989 – 2003, ông làm Chủ tịch huyện, sau đó là Bí thư Huyện ủy Krông Búk.
Ông Thạch tâm sự: “Thời đó, huyện Krông Búk có diện tích còn rộng lớn hơn tỉnh Thái Bình bây giờ. Nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp. Người dân phá rừng làm nương rẫy. Tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động của lực lượng FULRO. 16 năm đảm nhiệm vị trí lãnh đạo huyện là một thời gian dài mà tôi cùng lực lượng cán bộ và nhân dân toàn huyện không ngừng nỗ lực”.
Trong quá trình nỗ lực mà ông Thạch nhắc đến thì việc ổn định đời sống nhân dân được chú trọng hàng đầu. Nhận định để “yên” tình hình lúc bấy giờ thì “bụng dân phải ấm, lòng dân phải an” nên điều trước tiên ông chỉ đạo địa phương thực hiện đó là hướng dẫn cho đồng bào cách định canh, định cư, cách làm ruộng, trồng, tỉa… để đảm bảo nguồn lương thực và phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật để có bước tiến dài hơn.
Song song với đó, ông cho thành lập các Đội công tác truy quét FULRO tại các xã, thị trấn và tập trung xây dựng thế trận lòng dân thật vững vàng.
Ông Thạch còn chỉ đạo các cấp ủy tập trung thực hiện công tác phát triển đảng gắn với lực lượng ở cơ sở, trong đó chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, phấn đấu mỗi thôn, buôn đều có đảng viên.Từ bước đi này, những trang thành tích đầu tiên về phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh – quốc phòng ở huyện Krông Búk đã được viết nên.
“Từ việc làm nông với công cụ thô sơ và thu lại là “miếng ăn không đủ” thì những năm 2000 đến nay người dân trên địa bàn huyện Krông Búk đã “làm giàu” nhờ nông nghiệp. Máy móc được đưa vào sản xuất, nhiều nông dân đã mua được xe ô tô. Từ số lượng khoảng 400 đảng viên vào năm 1977 thì đến nay chỉ tính riêng thị xã Buôn Hồ đã có gần 4.000 đảng viên. Đây không chỉ là một bước tiến dài mà còn là một cuộc cách mạng lớn về mọi mặt của địa phương”, ông Thạch chia sẻ.
Dù đã ngoài thất thập, nghỉ hưu cũng được gần 20 năm nhưng hiện nay trên cương vị một người đảng viên, ông Thạch vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời giải thích những thắc mắc cho nhân dân.
Điển hình nhất là mới đây, ông Thạch đã vận động người dân hiến đất để mở rộng đường Trần Hưng Đạo.
Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch nội thị Buôn Hồ với nhiều trụ sở hành chính cũng như buôn bán, kinh doanh sầm uất.
Từng tấc đất nơi đây được xem như những "tấc vàng" thậm chí là trị giá như kim cương. Nhưng nhờ uy tín, sự nhiệt huyết và đặc biệt là sự tiên phong, gương mẫu của ông Thạch mà người dân hai bên đường đều tự nguyện hiến đất.
Theo lời giới thiệu của cấp ủy, chính quyền, chúng tôi tìm đến nhà của đảng viên Trần Phước Long (SN 1946) ở tổ dân phố 6 (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông). Đó là một căn nhà nhỏ, đơn sơ với nhiều cây cối xung quanh. Đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu, niềm nở, khiến chúng tôi cứ ngỡ đã quen thân từ lúc nào. Chỉ sau vài phút vừa trà nước vừa thủ thỉ, câu chuyện về cuộc đời ông dần hiện ra trong tâm tưởng của chúng tôi.
Ông Long kể: "Tôi từ quê hương Quảng Nam vào định cư ở xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) từ năm 1959 theo diện “dồn dân lập ấp”. Đến vùng đất mới, chứng kiến cảnh Mỹ ngụy đàn áp bà con, lòng căm phẫn trong tôi không khi nào nguôi nghỉ. Năm 1965 tôi quyết định tham gia vào đơn vị V80 của tỉnh Đắk Lắk. Sau đó tôi được cử đi học đặc công ở tỉnh. Năm 1967, tôi gia nhập Đội biệt động K2 của thị xã Buôn Ma Thuột để tham gia các trận đánh nội thị”.
Không nhớ rõ đã tham gia bao nhiêu trận đánh, có bao nhiêu chiến tích oanh liệt mà ông Long chỉ nhớ nhất khoảnh khắc mình được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là năm 1969 khi ông đang ở Đội biệt động K2. “Thời bấy giờ được vào Đảng là một điều gì đó rất thiêng liêng và rất đỗi tự hào. Chỉ những người thật sự dũng cảm, thật sự trong sáng và ý chí phấn đấu rõ ràng mới được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng”, ông Long nhớ lại.
Sau khi đất nước được giải phóng, nhiều nơi được hưởng hòa bình thì đồng bào Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng phải đối mặt với sự đe dọa của lực lượng FULRO. Một lần nữa thắp lửa nhiệt huyết, ông Long lại cầm súng cùng đồng đội chiến đấu chống lại lực lượng phản động này.
Ông Long nhớ lại: “Trong một lần đánh đội quân FULRO khoảng 30 – 40 người ở Đồn điền Thắng Lợi, Trung đội 2, (Đại đội 1, Thị đội Buôn Ma Thuột) của chúng tôi chỉ có hơn 20 người chiến đấu kiên cường. Bị chúng bắn trả quyết liệt, nhiều quân của mình đã thương vong. Riêng tôi bị chúng bắn bể gan”. Từ sau trận đánh đó, ông Long tuy may mắn vượt qua ngưỡng cửa tử nhưng sức khỏe bị ảnh hưởng trầm trọng (thương binh hạng II, 72%) nên không còn khả năng tham gia các trận đánh.
Chiến đấu và cống hiến hết mình trong những năm tháng kháng chiến, đến ngày địa phương được sống trong yên bình, ông Long lại tiên phong trong tham gia lao động sản xuất, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào của địa phương. Ông được cán bộ và nhân dân huyện Krông Bông anh hùng quý mến, tin yêu.
Cán bộ mến ông vì sự nhiệt thành, người dân lại tin, yêu ông vì sự chân tình, cởi mở. Khi nhà nước cần sự chung tay góp sức, dù làm công trình lớn hay nhỏ, ông Long không hề “lăn tăn” về “tấc đất” hay “tấc vàng” mà sẵn sàng hiến đất, phá cổng, hàng rào để việc xây dựng được thuận lợi.
Ông còn vận động bà con hàng xóm tự nguyện hiến đất làm đường. Khi Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương có chủ trương, chính sách cần nhân dân biết, ông Long chính là “cánh tay đắc lực” nhất trong việc truyền tải.
Đã 54 năm trôi qua, kể từ ngày ông Long chính thức trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. “Bấy nhiêu tuổi Đảng là bấy nhiêu năm tự hào, bấy nhiêu năm cống hiến. Chỉ cần còn thở, còn sức lực, tôi sẵn sàng làm những gì có thể để đóng góp cho địa phương, cho Đảng, cho Nhà nước Việt Nam”, ông Long chân thành bày tỏ.
|
Nội dung: Như Quỳnh - Lê Lan
Trình bày: Công Định