Báo Đắk Lắk điện tử
.

(Emagazine) Vững tin bước vào năm học 2023 - 2024

07:01, 05/09/2023
 

 

Hơn 500 nghìn học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chính thức bước vào năm học mới 2023 - 2024 với phong thái tự tin, phấn khởi. Đây là năm học có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông. Chất lượng giáo dục của năm học sẽ tác động đến kết quả của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

 

 
 

Năm học mới 2023 - 2024 bắt đầu với các em học sinh ở buôn Drang Phốk không ồn ào, náo nhiệt như chính cuộc sống của người dân nơi đây. Nhưng trường lớp, bàn ghế, sân trường đã được các thầy cô giáo cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Sêrêpốk dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất… sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Năm học này, phân hiệu buôn Drang Phốk có 60 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, tất cả đều là dân tộc thiểu số. Gia đình các em phần lớn thuộc hộ nghèo, cận nghèo, song rất chăm học.

 

Trong căn nhà nhỏ được UBND xã Krông Na tặng năm 2015, em H Hoài đang sửa soạn đồ dùng học tập chuẩn bị cho năm học mới. Đó là chiếc ba lô, chiếc bút máy của năm học lớp 4 em đã cẩn thận cất giữ; bộ sách giáo khoa cũ được chị H Nguyễn Ngân Mlô (chị gái của H Hoài) xin của một gia đình ngoài chợ Krông Na, chỉ duy nhất có 5 cuốn vở mới là phần thưởng em được nhà trường tặng thưởng vì đạt danh hiệu học sinh tiên tiến năm học 2022 - 2023.

Em H Hoài mất bố khi đang còn trong bụng mẹ. Năm em lên 3 tuổi, mẹ cũng qua đời vì bệnh tim. Chị gái H Nguyễn Ngân vừa là "bố", vừa là "mẹ" tất tả, khó nhọc nuôi các em ăn học. Thương các em ham học, nên ngay khi năm học vừa kết thúc, tranh thủ những lúc chạy chợ, chị H Nguyễn Ngân hỏi thăm các cô, bác ngoài chợ Krông Na để xin sách giao khoa sớm cho em. 

 

Chị H Nguyễn Ngân trò chuyện, em H Hoài mới 10 tuổi, nhưng hiểu chuyện lắm. Em tự giác, chăm chỉ học tập. Liên tục từ năm lớp 1 đến lớp 4, em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Những buổi không đi học lại phụ chị trông coi tiệm tạp hóa để chị có thời gian làm việc nhà, chạy chợ kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống cho mấy chị em.

 
 

Không riêng các em học sinh, thầy giáo Y Chội Bkrông gắn bó với phân hiệu trường nơi vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn gần 27 năm qua cũng hân hoan bước vào năm học mới với nhiều háo hức, mong đợi. Giờ đây, phụ huynh trong buôn đã quan tâm đến việc học của con em mình, nên thầy và Ban tự quản buôn không phải vất vả đến từng nhà vận động học sinh đến trường nữa. Nhờ đó thầy Y Chội có nhiều thời gian làm một số đồ dùng dạy học từ những vật liệu sẵn có nhằm giúp học sinh cảm nhận sâu sắc hơn về bài học.

Thầy giáo Y Chội hào hứng trò chuyện: "Trong thời gian tham gia tập huấn hè ở điểm trường chính, cách buôn Đrang Phốk 18 km, tôi tranh thủ đến các cửa hàng tiệm tạp hóa xin thùng các-tông, miếng xốp mang về, rồi kiếm thêm những vật liệu sẵn có trong buôn, như: tre, lúa, lá dừa… để làm các mô hình dạy học".

 
 

Năm học này, thầy giáo Y Chội được phân công chủ nhiệm lớp 5, với sĩ số 11 em học sinh. Dẫu lớp 5 chưa thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng để chuẩn bị tâm thế cho các em học sinh làm quen, thích ứng với phương pháp giảng dạy, học tập ở những năm tiếp theo, thầy giáo Y Chội chủ động tìm hiểu các bộ sách giáo khoa, cũng như giáo án của các khối lớp 1, 2, 3, 4 để mở rộng, nâng cao kiến thức phục vụ cho công tác giảng dạy, đồng thời tìm phương pháp truyền đạt kiến thức phù hợp hơn với các em.

 

Do cách xa điểm trường chính nên, những năm học trước, phân hiệu ở buôn Drang Phốk thường tổ chức lễ khai giảng sau một ngày so với cả nước. Năm nay, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Y Jút quyết định tổ chức lễ khai giảng ngay sau khi kết thúc lễ khai giảng năm học mới ở điểm trường chính để thầy và trò phân hiệu trường nơi vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn được hòa chung không khí vui tươi của ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, tạo khí thế thu đua dạy tốt - học tốt ngay từ đầu năm học, thầy giáo Nguyễn Ngọc Linh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết. 

 

Trường Tiểu học Chu Văn An, ở xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar) có 1 điểm trường chính ở buôn Cuôr Đăng B và 2 điểm trường lẻ ở buôn Kroa B và buôn Aring, với 27 lớp học. 100% học sinh của trường là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ tháng 8/2023, thầy cô giáo cùng một số phụ huynh đã gấp rút chuẩn bị mọi mặt, từ chỉnh trang cơ sở vật chất như sửa chữa từng chiếc chân bàn bị hỏng đến vệ sinh từng cánh quạt, quét dọn sân trường sạch sẽ... sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

 

Trong tổng số 840 học sinh của nhà trường bước vào năm học 2023 - 2024 có đến hơn 200 em thuộc hộ nghèo, có hoàn đặc biệt khó khăn, mồ côi, có cha, mẹ tàn tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Đường tìm đến “cái chữ” cũng gian nan bội phần với các em. Vì thế thời điểm bắt đầu năm học mới nào cũng vậy, lòng những người "gieo chữ" nơi đây vừa háo hức vừa xen lẫn những ưu tư. Không trăn trở sao được khi mà tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, việc duy trì sĩ số luôn phập phù theo bước chân mưu sinh của các bậc phụ huynh.

 

Do đó, việc vận động 100% học sinh ra lớp được Ban Giám hiệu nhà trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng thực hiện ngay từ đầu năm học. Theo đó, lãnh đạo nhà trường cùng với giáo viên chủ nhiệm chủ động gặp gỡ, động viên các gia đình khắc phục khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để con em được đến trường, đến lớp.

 
 
 

Các thầy cô giáo đã  tích cực kêu gọi, vận động sách, vở, quần áo, cặp sách, xin học bổng tặng các em học sinh vào đầu mỗi năm học; đồng thời dành một phần tiền lương ít ỏi của mình tặng các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để cải thiện bữa ăn hằng ngày hoặc mua sách vở, đồ dùng học tập. 

Mỗi mùa tựu trường đến, nếu như cha mẹ của học trò nghèo bộn bề nỗi lo một thì các thầy cô giáo ở đây lại lo mười. Không chỉ cánh cánh nỗi lo không có quần áo, sách vở, bút mực, nhiều em học sinh có nguy cơ không trở lại trường lớp sau hè vì gia đình quá khó khăn chứ chưa nói đến việc đi học đều đặn.

 
 

Cô giáo Lê Thị Tân, Hiệu trường Trường Tiểu học Chu Văn An biết rõ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của từng em học sinh trong trường như nằm lòng bàn tay mình vậy. Cô vẫn thường xuyên xin sách vở, cặp sách, xe đạp, học bổng, áo ấm, chăn mền, gạo để tặng các em.

Ví như hai anh em Y Brút Niê (học sinh lớp 4) và Y Sin Niê (lớp 3) có mẹ bị tâm thần, phải nương nhờ nhà ông bà ngoại; H’Phi Ađrơng (học sinh lớp 4) mồ côi bố, mẹ em đang phải chạy thận... 

Cận kề ngày tựu trường năm học mới 2023 - 2024, cô Tân vui mừng lộ rộ trên gương mặt, ánh mắt khi đã xin được 65 bộ sách giáo khoa, 15 chiếc cặp, 20 bộ đồng phục... cho các em học sinh thân yêu.

 
 

Năm học 2023 - 2024 bắt đầu với thầy trò Trường Tiểu học Ea Trul (xã Ea Trul, huyện Krông Bông) trong niềm hân hoan khi được đầu tư gần 3,9 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất. Không bao lâu nữa, 4 phòng học mới, nhà vệ sinh, cổng trường, tường rào sẽ được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

 

Trường Tiểu học Ea Trul có 646 học sinh, biên chế 22 lớp, trong đó có 130 học sinh lớp 1. Với đặc thù có đến 76% học sinh dân tộc thiểu số, những ngày đầu đón học sinh đến lớp, nhất là học sinh lớp 1, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm chủ yếu cho các em làm quen, biên chế lớp học, kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập; phổ biến nội quy trường lớp; rèn luyện thói quen và một số kỹ năng cần thiết; thời gian còn lại tập trung rèn cách phát âm tiếng Việt, tư thế cầm bút đúng,đề đạt ý kiến trong lớp.

Việc làm quen với môi trường học tập giúp học sinh vào năm học tiếp cận chương trình nhanh, chủ động hơn. Cùng với đó, nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch dạy học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cũng như nhiều trường có đông học sinh dân tộc thiểu số, tình trạng học sinh ra lớp không đều đặn luôn là nỗi lo của đội ngũ quản lý và các thầy cô giáo. Vì vậy, Trường Tiểu học Ea Trul đã triển  khai đồng bộ nhiều giải pháp để vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh ngay trước thềm năm học mới. 

Cô Đào Thị Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Ea Trul gắn bó với nghề 24 năm chia sẻ, vào đầu năm học nào cũng vậy, tôi cùng các thầy, cô giáo trong trường tiến hành rà soát danh sách học sinh để đến từng nhà vận động các em đến lớp. Chúng tôi kiên trì bám trường, bám lớp, cùng sẻ chia với học trò vùng khó để tiếp thêm động lực để các em đến trường, yêu thầy, mến bạn. Niềm vui của giáo viên là thấy học trò chăm chỉ, đều đặn đi học mỗi ngày".

 

Với quyết tâm “Không để học sinh nào bỏ học, không đến trường được vì hoàn cảnh gia đình khó khăn”, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Ea Trul đã kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ 50 bộ sách giáo khoa lớp 4; 10 bộ sách giáo khoa lớp 1; 500 bộ quần áo. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp với Hội phụ huynh của trường mua 500 cuốn vở và một số bút viết, nhằm trang bị cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ngay từ đầu năm học.

 
 
 

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Đắk Lắk có 1.009 trường học cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT với hơn 500 nghìn học sinh. Theo kế hoạch, toàn ngành Giáo dục triển khai chương trình mới cho 9 khối lớp (gồm lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11) và chuẩn bị cho 3 khối lớp còn lại (lớp 5, 9, 12) vào năm học kế tiếp.

Theo bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, để chuẩn bị cho năm học mới, toàn tỉnh đầu tư hơn 965 tỷ đồng xây mới, sửa chữa, mua sắm thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục. Việc cung cấp sách giáo khoa cho học sinh đã cơ bản hoàn thành, đặc biệt với sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 4, 8, 11.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Cụ thể, 95% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 34.64% cán bộ quản lý đạt trên chuẩn và 15.84% giáo viên đạt trên chuẩn.

 

Tiếng trống khai trường đã điểm, một năm học mới bắt đầu trong niềm hân hoan, phấn khởi của thầy và trò các trường học trong tỉnh. Sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và các em học sinh cùng những kết quả đạt được trong năm học trước sẽ là tiền đề, động lực để ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học 2023 - 2024.

Nội dung: Như Quỳnh - Đỗ Lan - Hoàng Ân

Trình bày: Công Định


Ý kiến bạn đọc