(E-Magazine) Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương
Sớm thiếu vắng tình cảm thương yêu, sự nâng niu, quan tâm chăm sóc của cha mẹ nhưng hàng trăm trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã không đơn độc trong hành trình trưởng thành của mình. Sự sẻ chia, nâng đỡ của những người xa lạ... bỗng thành thân quen như "viên đá đầy sắc màu" bù đắp, chữa lành và trao đi niềm tin để các con đi tiếp quãng đời rộng lớn.
Đang ở cái tuổi vô tư, hồn nhiên nhưng em Nguyễn Ngọc Hân ở thôn 5 (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đã trải qua nỗi đau mất mẹ do dịch bệnh COVID-19.
“Cứ độ vài hôm, con bé nắm lấy tay tôi khẽ nói: “Ngoại ơi! Con nhớ mẹ... Vậy là hai bà cháu lần theo lối mòn, đi bộ khoảng chừng 2 ki-lô-mét đến mộ thắp hương cho mẹ nó", bà Lê Thị Hiếu (bà ngoại của Hân) giọng trũng buồn.
Do hôn nhân không hạnh phúc, nên ba Hân đã bỏ nhà ra đi khi em chưa tròn tuổi. Mẹ để em lại cho ông bà ngoại nuôi nấng, còn mình về tỉnh Bình Thuận làm công nhân, chỉ tranh thủ về thăm con vào dịp lễ tết, tựu trường.
Dịch bệnh COVID-19 xảy ra, mẹ Hân bị nhiễm vi rút Sars-CoV2. Sau hơn 1 tháng điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, với kết quả âm tính, mẹ trở về nhà với gia đình, nhưng các triệu chứng khó thở, ho, mệt mỏi cứ kéo dài....
"Tin như sét đánh bên tai - mẹ Hân bị ung thư phổi và không lâu sau đã bỏ con gái ra đi mãi mãi", bà Hiếu nghẹn ngào.
Thương cháu gái tuổi còn thơ dại đã chịu cảnh mồ côi, bà Hiếu ở bên cháu nhiều hơn. Bà bớt tiền mua thuốc điều trị bệnh tiểu đường của mình dù chỉ số đường huyết cao để lo cho cháu tươm tất chuyện ăn uống, học tập.
Cuộc sống chật vật, ông ngoại của Hân đã gần 60 tuổi, nhưng ngày nào cũng tất tả vào rừng tìm mật ong, bẫy chim cút, hái măng… mang về bán.
Sống với ông bà từ nhỏ, thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng thỉnh thoảng mẹ vẫn về nhà; vẫn nói chuyện với Hân qua điện thoại sau những giờ tan ca vội vã. Nhưng... nhiều tháng qua, Hân không được nhìn thấy mẹ, không nghe tiếng nói quen thuộc của mẹ qua điện thoại nữa. Ánh mắt trẻ thơ đượm buồn, em vẫn thường tha thẩn quanh sân...
Thương Hân như "chim non chưa kịp biết bay đã mồ côi mẹ", tháng 6/2023 Hội Cựu binh xã Ea Wer nhận đỡ đầu em. Các cô chú trong Hội thường xuyên xuống nhà thăm hỏi, động viên, giúp đỡ Hân về vật chất. Về lâu dài, Hội sẽ kết nối với mạnh thường quân hoặc triển khai các hoạt động thiết thực trong hội viên để tạo nguồn quỹ hỗ trợ cháu Hân hằng tháng.
Hoàn cảnh của em H Ngập Niê, ở buôn Ea Sut (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar) càng xót xa hơn khi 11 tuổi đã mồ côi mẹ, còn bố ... bặt vô âm tín.
Năm 2017, mẹ H Ngập qua đời do bệnh ung thư máu. Vợ chồng chị H Nuen nhiều lần bàn bạc đưa cháu về ở chung, nhưng căn nhà đang ở đã xuống cấp nên đành để cháu sống cùng bà ngoại. Mỗi ngày, chị H Nuen nấu cơm đưa qua cho hai bà cháu.
Không còn mẹ, cháu H Ngập trở nên dè dặt, nụ cười cũng thiếu vắng hơn. Hiểu rõ hoàn cảnh của cháu H Ngập, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Ea Pốk thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên.
Cuối năm 2017, vợ chồng chị H Nuen được UBND thị trấn Ea Pốk hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng căn nhà tình thương ngay cạnh nhà bà ngoại, từ đó cháu H Ngập về ở với gia đình bác. Căn nhà rộng chưa đầy 40 m2 của vợ chồng chị H Nuen chẳng có gì đáng giá. 5 thành viên trong gia đình chỉ trông chờ vào công việc làm thuê ngày có ngày không của hai vợ chồng.
Chị H Nuen nói: “Cháu H Ngập còn quá nhỏ chưa hiểu được sự mất mát. Con của em gái cũng là con ruột của mình. Dù khó khăn vất vả thế nào tôi cũng sẽ lo cho cháu. Tôi là bác, cũng là mẹ của cháu!".
Tin vui vỡ òa, cuối năm 2021, bà Bùi Thị Mỹ Dung, Chi hội trưởng tổ dân phố Quyết Thắng (thị trấn Ea Pốk) nhận đỡ đầu cháu H Ngập. Từ nay, em đã... có thêm mẹ.
Những trẻ em mồ côi ở độ tuổi như Ngọc Hân, như H Ngập...., có em ngây thơ chưa hiểu chuyện, song cũng có em mỗi ngày lặng lẽ nhìn lên bàn thờ cha, mẹ với nỗi nhớ thương da diết. Các em khát khao được cha mẹ ôm vào lòng, được yêu thương, được gọi "cha ơi!", "mẹ ơi!"....
Bằng lòng yêu thương, sự thấu hiểu sâu trong tim của người phụ nữ đang làm mẹ, các chị hiểu những đứa trẻ bất hạnh mà mình nhận “đỡ đầu” đang khát khao một tình thương lớn đã sớm bị khuyết đi trong đời. Những người mẹ đặc biệt bao dung và đầy trách nhiệm ấy đang cố gắng mỗi ngày để “lấp đầy” khoảng chơi vơi trong lòng, cho tiếng gọi “mẹ” được tròn vành trên môi con trẻ.
Kể từ khi mẹ mất, bố lại không cạnh bên, Nhi ở với ông bà ngoại. Thương cảnh ông bà sức khỏe yếu, lại chăm sóc cháu mồ côi, năm 2021 chị Tuyến nhận Nhi làm con.
Nhà ông, bà ngoại Nhi cách nhà mẹ Tuyến chừng 500 mét nên thuận lợi hơn để “chạy qua chạy về” hỏi thăm, hỗ trợ khi cần. Rảnh một tí, mẹ Tuyến lại đến thăm con. Khi thì mua quà bánh, đồ dùng học tập, hỗ trợ nhu yếu phẩm, lúc thì cùng em tỉ mẫn bọc lại quyển sách, thay nhãn vở mới. Mỗi lần như thế, hai mẹ con tỉ tê đủ thứ chuyện...
Ngày cuối tuần Nhi chạy ngay sang nhà mẹ Tuyến, ở chơi với mẹ và con gái của mẹ cả ngày, được mẹ nấu cho những món ăn mà em thích. Từ ngày có Nhi, chị Tuyến có thêm đứa con gái để yêu chiều, dù không do mình sinh ra.
Mỗi lần nghe con trò chuyện, chị Tuyến không cầm được nước mắt. Đôi khi, tiếng gọi mẹ cất lên, nước mắt con lại lưng tròng. Đó là lúc con đang nhớ người mẹ đã khuất của mình … “Tôi chỉ mong giúp đỡ, bù đắp phần nào nỗi mất mát quá lớn trong con”- chị Tuyến chia sẻ.
Việc gì từ trái tim sẽ đến với trái tim. Việc làm của mẹ Tuyến đã lay động trái tim nhiều người. Các chị, các mẹ xung quanh đã trích một phần thu nhập, bớt nhu yếu phẩm của gia đình mình gửi mẹ Tuyến đưa về tặng Nhi.
H’Đa mới vào lớp 2, em có gương mặt sáng, lanh lợi, hoạt bát, đặc biệt, em hát hay và rất hay hát. Mỗi lần các mẹ đến thăm, H’Đa lại ngồi lọt thỏm trong lòng, xung phong hát cho các mẹ nghe. Được mẹ ôm và khen, cho quà bánh, em thích thú, cười nói rạng rỡ.
Bất giác em ngoái nhìn lên bàn thờ, nơi khói hương đang còn nghi ngút cạnh tấm di ảnh của người mẹ vắn số, càng làm nhói lòng những người có mặt. Chị Hằng vỗ về: “Đa ngoan, cố gắng học giỏi, nghe lời người lớn. Đa đang có nhiều mẹ đây mà. Ai cũng thương Đa”. Tưởng mình được khen, cô bé mau chóng vui vẻ trở lại.
Ông ngoại H’Đa kể, sau cái ngày mẹ mất (tháng 4/2023) con bé thu mình, ít hát ít cười làm cái bụng ông như xát muối. May nhờ có các mẹ đỡ đầu, con bé đỡ tủi thân, mới cười nói vui vẻ trở lại như hôm nay. Nhưng tôi chỉ sợ tuổi già sức yếu, không ở lại với nó được lâu. Chỉ tội nghiệp, con bé côi cút quạnh quẽ”....
Chị Hòa Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN Phụ nữ xã Ea Na cho biết, H’Đa là một trong 4 trẻ em mồi côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Hội Phụ nữ xã nhận đỡ đầu. Các chị em trong hội như những người mẹ đã cùng với người thân động viên, an ủi các con bằng tình thương yêu của mình, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống để các con vững bước đến trường.
Bước đầu, định kỳ mỗi tháng, Hội huy động được 200.000 đồng hỗ trợ cho các con/tháng. Ngoài ra còn vận động sách giáo khoa, vở, đồng phục... tặng các con. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hiện tại quá hạn hẹp, Hội đang nỗ lực vận động để hỗ trợ các con được nhiều hơn.
Dù không còn một gia đình trọn vẹn, nhưng những tâm hồn trẻ thơ sẽ dần được chữa lành bằng tình yêu thương của các mẹ đỡ đầu. Những người mẹ thứ hai là sợi dây kết nối, nuôi dưỡng, nâng đỡ ước mơ cho các con giữa bất hạnh cuộc đời, hòng mong ngày mai tươi sáng hơn.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam phát động vào cuối năm 2021 đã được Hội LHPN tỉnh phát động đến 100% Hội LHPN huyện, thị xã, thành phố, đơn vị trực thuộc và đã lan tỏa sâu rộng, truyền đi thông điệp giúp trẻ em mồ côi, bất hạnh được sống yên ấm trong tình thương yêu của cộng đồng. Hội Phụ nữ các cấp đã nhanh chóng rà soát, lập danh sách, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của từng trẻ mồ côi để từ đó vận động, kết nối đỡ đầu phù hợp.
Để lan tỏa tính nhân văn của Chương trình, Hội LHPN tỉnh ban hành thư ngỏ, liên hệ, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình và tổ chức nhiều chương trình vận động, kết nối; lập bản ghi nhớ trách nhiệm 3 bên giữa Hội LHPN tỉnh, mẹ đỡ đầu và Hội LHPN cơ sở nơi trẻ mồ côi sinh sống. Xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng nguồn kinh phí vận động Chương trình “mẹ đỡ đầu” công khai, minh bạch; lập riêng tài khoản chương trình “Mẹ đỡ đầu” để tiếp nhận, sử dụng nguồn quỹ đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo công bằng, các em được tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Qua hơn 2 năm triển khai chương trình, tỉnh Đắk Lắk đã nhận được sự hưởng ứng của cán bộ, hội viên, phụ nữ, các cơ quan, tổ chức, công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng đồng hành chia sẻ, hỗ trợ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mồ côi, đặc biệt là trẻ em mồ côi do tác động của dịch bệnh COVID-19 về tinh thần lẫn vật chất, giúp các em vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường, từng bước hoàn thành ước mơ của mình.
Với sự hỗ trợ của các mẹ đỡ đầu, các con được hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất. Sự gắn kết giữa mẹ đỡ đầu và các con đã được thắp lên, nhất là các con đã cảm nhận được sự nồng hậu, ấm áp, dần dần lấp đầy những khoảng trống về mọi mặt.
Bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”, nên Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã tập trung quán triệt, triển khai có hiệu quả nhiều nội dung liên quan đến công tác trẻ em. "Mẹ đỡ đầu" là một trong những chương trình, hoạt động thiết thực, hiệu quả, chia sẻ, kết nối "nâng đỡ" nhiều phận trẻ kém may mắn. Chương trình hoạt động dựa trên nguyên tắc Hoàn toàn tự nguyện, tôn trọng các quy định của pháp luật về quyền trẻ em. Các “Mẹ đỡ đầu” không chỉ là phụ nữ, mà là nam giới, là tập thể trực tiếp hay gián tiếp hỗ trợ vật chất hoặc tinh thần cho trẻ.
Chị Hoàng Thị Thanh Thủy (Hội Nữ doanh nhân tỉnh) là một trong những “Mẹ đỡ đầu” tiêu biểu của tỉnh. Ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, sau khi nắm bắt rõ nội dung, ý nghĩa nhân văn của chương trình, chị Thủy đã trực tiếp đi thăm hỏi, tặng quà cho các cháu mồ côi ở một số địa phương trong tỉnh; nhận đỡ đầu 1 cháu mồ côi cha mẹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Dẫu công việc kinh doanh khá bận rộn, chị thường xuyên động viên, thăm hỏi hỗ trợ vật chất, tinh thần cho cháu.
Trong năm vừa qua, chị Thủy vinh dự được chọn là cặp mẹ - con tiêu biểu của tỉnh tham dự chương trình “Trại hè Hoa Hướng dương” do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức, được vinh danh, biểu dương tại chương trình.
Và còn nhiều những ông bố, bà mẹ đỡ đầu hết lòng vì con nuôi của mình, vẫn âm thầm, lặng lẽ quan tâm, động viên, san sẻ yêu thương với các con.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2021 - 2027 và giai đoạn từ năm 2028. Trao đổi về lộ trình thực hiện chương trình, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh cho hay, việc đỡ đầu trẻ đến đủ 18 tuổi là dài hơi, tuy nhiên đây không phải là điều kiện ràng buộc hay bắt buộc, bởi chương trình dựa trên tinh thần tự nguyện của các mẹ đỡ đầu. Nhưng một sau thời gian gắn bó với các con, có tình yêu thương sâu đậm thì các mẹ sẽ tiếp tục đồng hành với các con lâu dài hơn. Vì vậy mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Đắk Lắk nhận đỡ đầu 5 cháu, thường xuyên thăm hỏi, động viên các cháu, tặng quà nhân dịp lễ tết và cam kết nếu các cháu học tập đạt kết quả tốt sẽ tiếp tục hỗ trợ các cháu học đại học; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank) đỡ đầu 2 cháu đến năm 18 tuổi…
Cuộc sống với nhiều trẻ em mồ côi vẫn còn muôn trùng khó khăn, song tình người vẫn nồng hậu, ấm áp được thắp lên, lấp vào sự trống vắng ở những nơi mới đây thôi khi các em vẫn còn đủ đầy cha mẹ... Trong gian khó, mầm yêu thương vẫn vươn mình lớn dậy. Quả thật việc nuôi con nuôi vất vả hơn nhiều so với việc nuôi con đẻ. Chính vì lẽ đó mà người con nuôi luôn ghi nhớ công ơn dưỡng dục của cha mẹ nuôi; xã hội sẽ mãi khắc ghi những tấm lòng vàng nhân ái, thiện nguyện của các cá nhân, tập thể đã góp phần đáng kể cho công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hội LHPN tỉnh luôn vận dụng mọi nguồn lực, tranh thủ nhiều chương trình để sự tiếp cận, thụ hưởng của các cháu mồ côi được nhiều nhất. "Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào cứ tiếp cận được với ai, chúng tôi đều chia sẻ chương trình này; chia sẻ với 10 người thì ít nhất ra cũng có 1 người quan tâm và may mắn nếu có được một ai đó mở rộng tấm lòng, đồng nghĩa một trẻ mồ côi có được vòng tay yêu thương, có được mái ấm gia đình. Đây là điều hạnh phúc! Chúng tôi kiên nhẫn, kiên trì lan tỏa thông điệp để kết nối yêu thương", bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ.
Nội dung: Đỗ Nguyên Hoa
Hình: PV và CTV
Trình bày: Công Định