Báo Đắk Lắk điện tử
.

(E-Magazine) Thêm những mùa "quả ngọt"

10:47, 20/11/2023
 

Nhà giáo - những người "gieo mầm, trồng cây" tạo nên những mùa quả ngọt. Bao nhiêu thế hệ học sinh trưởng thành, thì cũng chừng ấy “chuyến đò” được đưa sang sông thành công bởi những “người đưa đò” thầm lặng.

 

Quyết tâm đi theo nghiệp “gieo chữ, trồng người”, thầy giáo Đoàn Tiến Dũng (SN 1982) chọn Khoa Sư phạm Trường Đại học Tây Nguyên để nuôi dưỡng ước mơ và 4 năm sau chàng sinh viên ấy được nhận về giảng dạy ở ngôi trường THPT mang tên Thực hành Cao Nguyên thuộc trường đại học mình đã học. 

<span style="color: rgb(51, 51, 51);">&nbsp;</span>
 
 
 

Là Tổ trưởng Tổ Ngữ văn - tiếng Anh (Trường THPT Thực hành Cao Nguyên), Tiến sĩ Đoàn Tiến Dũng luôn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của Tổ theo tuần, tháng, học kì và cả năm học; xây dựng kế hoạch cụ thể dạy chuyên đề, tự chọn, ôn thi tốt nghiệp, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu...

17 năm gắn bó với nghề giáo, từ thực tế giảng dạy và từ công tác quản lý, Tiến sĩ Dũng đã viết rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm, được đánh giá cao như: "Một số giải pháp nâng cao công tác hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh"; "Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn văn ở trường THPT"; "Vận dụng ca dao, tục ngữ Êđê vào dạy học bài "Chiến thắng Mtao Mxây" (Trích Sử thi Đăm Săn, Ngữ văn 10)"… 

Đặc biệt, sáng kiến “Xây dựng mô hình giáo dục lòng biết ơn cho học sinh THPT trong tình hình hiện nay” được Sở GD-ĐT công nhận đạt giải B và đã có nhiều trường học trên địa bàn tỉnh áp dụng sáng kiến này vào công tác giáo dục, giảng dạy, qua đó từng bước hình thành thói quen về lòng biết ơn cho học sinh.

 
 

Theo thầy Dũng, lòng biết ơn là một tình cảm tốt đẹp thể hiện phẩm chất, đạo đức của con người đối với cộng đồng và ngay với chính bản thân mình. Khi luôn mang trong mình một ý thức, một tấm lòng biết ơn, chúng ta mới có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân bản hơn.

Hiện nay, các gia đình quá nuông chiều con cái nên dẫn đến tình trạng, trẻ chỉ biết hưởng thụ, thấy hành vi thói xấu ngoài xã hội chỉ lờ đi. Thậm chí, khi thấy bạn bè cùng trang lứa bị bạo hành ngay trước cổng trường nhưng không có hành động giúp đỡ mà còn quay clip tung lên mạng coi như không phải chuyện của mình. Đi đường gặp những người bị tai nạn, những "kẻ vô cảm" chẳng có phản ứng nào mà chỉ biết dửng dưng chứng kiến với thái độ thờ ơ.

 

"Văn học là nhân học", học văn là để hiểu sâu hơn tâm hồn con người và đồng thời để học cách làm người. Bởi vậy, thầy cô giáo cần phải giáo dục lòng biết ơn, rèn cho học sinh biết kính trọng, lễ phép với người lớn tuổi; nói lời cảm ơn, xin lỗi phù hợp; quan tâm giúp đỡ những người xung quanh; rèn luyện sự chia sẻ, biết đối xử, ứng xử với bạn hài hòa phù hợp…", thầy Dũng trải lòng.

 

17 năm dành trọn tình yêu cho những “mầm non tương lai”, thầy Dũng đạt được rất nhiều thành tích trong giảng dạy; được lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành Giáo dục các cấp ghi nhận, đồng nghiệp và học sinh yêu mến phụ huynh tin tưởng. Đặc biệt, thầy Dũng vinh dự được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 2 năm học (2021 - 2022, 2022 - 2023).

 
 
 

Là con út trong gia đình có 3 chị em ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) và mong muốn "tiếp bước" hai chị gái đều là giáo viên, năm 2014 tốt nghiệp THPT, cô Khương Thị Nguyệt Nga thi đỗ ngành Sư phạm Toán (Trường Đại học Tây Nguyên). Năm 2018, tốt nghiệp đại học, cô ứng tuyển vào làm giáo viên tại Trường TH, THCS & THPT Hoàng Việt. 

 

Công tác tại ngôi trường được đánh giá có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất ở Tây Nguyên với một triết lý giáo dục rõ ràng được xây dựng vững chắc trên năm định hướng: "Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực - Thể chất - Kỹ năng" vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để cô Nga không ngừng tự làm mới mình trong chuyên môn. Theo đó, nhiều nhiều sáng kiến minh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dạy học hình thành. Mới đây nhất, sáng kiến kinh nghiệm: “Tổ chức tiết học hoạt động thực hành và trải nghiệm môn Toán cho học sinh lớp 6 nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo và tự học của học sinh"được Sở GD-ĐT công nhận giải B và có tính ứng dụng thực tiễn cao.

 

Cô Nga trò chuyện, môn Toán khá khô khan, đa phần các em học sinh khôn yêu thích. Do đó, để các em học sinh hứng thú học môn Toán giáo viên phải tổ chức tiết học, có phương pháp giảng dạy phù hợp để học sinh yêu thích, tích cực phát biểu trong giờ học, và khi về nhà tự giác tìm tòi, tự học thì chất lượng bài học được nâng cao.

 

Thay vì chỉ dạy và kiểm tra bài theo "lối mòn" với các kiến thức khô khan, cô Nga đã tạo bầu không khí lớp học thoải mái hơn với học sinh. Với các bài thực hành, cô chia lớp thành các nhóm, sau đó mỗi nhóm tự phân công nhau tìm kiếm thông tin, lập sơ đồ tư duy, thuyết trình nội dung bài học.

Qua cách học này sẽ tăng khả năng thuyết trình, giúp các em phản biện lưu loát hơn, nhận thức sâu sắc hơn về môn toán trong nhà trường ở giai đoạn dạy học theo định hướng nội dung có tính trừu tượng khá cao nên thường mang nặng tính lý thuyết, chưa chú trọng tới việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn. 

 

Cô Nga cũng thường xuyên trao đổi với gia đình để phụ huynh nắm bắt được tâm tư, tình cảm của con em mình, từ đó phối hợp với nhà trường, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Sự tin tưởng, động viên, khích lệ và tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường, phụ huynh là động lực để cô Nga phấn đấu hoàn thiện mình hơn mỗi ngày.

 
 
 

Năm học 2023 - 2024, khối lớp 4 và lớp 8 của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH và THCS) Chu Văn An (xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Tiết học môn Khoa học tự nhiên của cô Trần Thị Nhẫn ở lớp 8A diễn ra sôi nổi với trò chơi “Đố hình bắt chữ”.

 

Các em học sinh hào hứng, thi nhau xung phong xem ai nhanh hơn để giành quyền trả lời mang về điểm số cho tổ của mình đã mang lại một hình ảnh lớp học vui tươi, tràn đầy năng lượng. Đó là phương pháp dạy học tích cực trong mô hình “Lớp học hạnh phúc” được cô Nhẫn chủ động học tập và áp dụng trong các buổi lên lớp trong gần 2 năm học qua.

 
 

Ở “Lớp học hạnh phúc”, giáo viên làm tròn vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, là người nhạc trưởng của giờ học. Học trò được tôn trọng cảm xúc, thỏa sức bộc lộ năng lực, suy nghĩ, được chia sẻ, được lĩnh hội kiến thức để giải quyết các tình huống liên quan đến bài học và cuộc sống. 

Thông qua các khóa học trải nghiệm trong “Lớp học hạnh phúc” nhằm gia tăng lòng thấu cảm, sự tự tin cho học sinh, giúp cho học sinh khẳng định bản thân mình, học sinh nghĩ rằng bản thân là người có giá trị… "Khi học sinh có niềm tin vào bản thân, đó là một sức mạnh giúp học sinh tự duy trì việc đến trường học hành'', cô Nhẫn chia sẻ.

Với phương pháp dạy học tích cực trong các giờ học hạnh phúc hay tiết học hạnh phúc, ở đó cả thầy - trò đều chủ động, tích cực và tràn đầy hứng khởi…,

<br>
 
<br>
 
 

Dù chỉ mới triển khai thực hiện thí điểm trong các môn học và lớp do cô giáo Nhẫn chủ nhiệm từ cuối năm học 2020 - 2021, nhưng qua mô hình "Lớp học hạnh phúc" học sinh cảm thấy thoải mái, tự tin hơn khi phát biểu xây dựng bài, tích cực tham gia các hoạt động. Niềm đam mê, hứng thú giúp các em có thêm động lực, sự chủ động và tích cực, không ngừng sáng tạo ra những giá trị mới, tiếp thu được những bài học mới. 

 

Năm học 2023 - 2024, Trường TH và THCS Chu Văn An có 229 học sinh (12 lớp) với trên 80% thuộc hộ nghèo, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 52%. Đa phần, phụ huynh các em đều đi làm ăn xa hoặc tập trung vào nương rẫy, thời gian trước đây, giáo viên phải vào tận rẫy mì để gọi học sinh đến trường. Do đó, phụ huynh không có nhiều thời gian để kèm cặp, hỗ trợ con em mình học tập. 

Do vậy, bên cạnh nhân rộng mô hình "Lớp học hạnh phúc" trong các lớp học, nhà trường còn tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM để các em có thể áp dụng vào thực tiễn của gia đình mình. Chính việc "học mà chơi, chơi mà học" này, giúp các em yêu quý trường lớp, thầy cô, bạn bè và  không bỏ học giữa chừng. 3 năm qua, nhà trường luôn bảo đảm việc duy trì sĩ số học sinh đến lớp.

 

Ông Hồ Sỹ Cát, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Chu Văn An cho hay, áp lực của chương trình giáo dục phổ thông mới khá lớn, nhất là đối với trường vùng sâu, vùng xa. Ngoài triển khai các hoạt động giáo dục, nhà trường chú trọng tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ; từng bước xây dựng, hoàn thiện và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, giúp học sinh phát huy tính tích cực trong học tập, chủ động tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp. 

Tất cả thành viên trong nhà trường cùng nhau tạo nên môi trường làm việc tôn trọng, trung thực, trách nhiệm, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Đánh giá chất lượng giáo viên, nhân viên công bằng, minh bạch; quan tâm động viên tinh thần giáo viên, nhân viên thông qua các hoạt động do Công đoàn tổ chức nhằm gắn kết các thành viên trong nhà trường...

 
 
 

Những thầy giáo, cô giáo như: thầy Dũng, cô Nga, cô Nhẫn chỉ là 3 trong số hàng nghìn các thầy cô giáo trong tỉnh hằng ngày, hằng giờ miệt mài làm việc và cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” với ý thức trách nhiệm của mình. Đó là sự hy sinh đáng được trân trọng và là những tấm gương điển hình trong ngành Giáo dục.

Hiện, toàn ngành Giáo dục đang đứng trước thách thức rất lớn, thách thức của sự phát triển, đứng trước những áp lực của đổi mới. Nhưng thách thức, áp lực như vậy cũng là cơ hội để nhà giáo tiếp tục đổi mới, phát triển, trưởng thành. Và động lực để các thầy cô giáo hoàn thành nhiệm vụ, hoàn hành xứ mệnh của mình chính là sự ghi nhận của xã hội và “sản phẩm” là những con người đang cống hiến, làm giàu cho đất nước ngày nay. Nhiều thế hệ học trò thành đạt luôn ghi nhớ công lao dạy dỗ của thầy cô, vẫn luôn trân quý có một nghề bụi phấn dính đầy tay. 

Thực hiện: Hoàng Ân - Thế Hùng

Ảnh: PV, CTV

Trình bày: Hà Anh


Ý kiến bạn đọc