Báo Đắk Lắk điện tử
.

(E-Magazine) Ngày mới ở xã An toàn khu

09:24, 19/08/2024
 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã vượt qua gian khổ, hi sinh, anh dũng kiên cường, đoàn kết một lòng chống giặc làm nên những chiến công oanh liệt. 

 

Lần về những dấu tích lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, căn cứ kháng chiến của tỉnh Đắk Lắk được hình thành một mảng liên hoàn rộng lớn từ khu vực Cư Jú - Dliê Ya (cánh Bắc) sang khu vực H9 (cánh Nam) chủ yếu tại địa phận các xã: Ea Hiao (huyện Ea H’leo), Dliê Ya (huyện Krông Năng), Cư Pui (huyện Krông Bông)... 

Trong 20 năm (1955 - 1975), tỉnh Đắk Lắk tổ chức 6 lần Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, tại cánh Bắc 3 lần (I, II và VI) và tại cánh Nam 3 lần (III, IV và V). Các cơ quan lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đóng chân tại Cư Jú - Dliê Ya 13 năm (1955 - 1965 và 1972 - 1975) và ở H9 - huyện Krông Bông 7 năm (1965 - 1972).  

 

Căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk nằm trong các khu vực rừng núi rộng lớn với địa thế hiểm trở. Công tác bảo đảm bí mật cho mọi hoạt động của chính quyền cách mạng trong kháng chiến là nhiệm vụ hàng đầu của người dân các xã vùng căn cứ. 

Nhân dân vừa chiến đấu, vừa sản xuất để dự trữ và vận chuyển lương thực, vũ khí… phục vụ kháng chiến. Nhiều người hoàn thành nhiệm vụ được giao trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề, song cũng có không ít người đã ngã xuống vì bệnh tật, sự bố ráp vây bắt, lùa dân lập ấp chiến lược của kẻ thù.  

Trong sự đùm bọc, giúp đỡ, che chở, đồng cam, cộng khổ, sẵn sàng hi sinh của nhân dân các dân tộc vùng căn cứ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan Tỉnh ủy cùng các cơ quan, ban, ngành và lực lượng vũ trang của Trung ương phong trào cách mạng tỉnh nhà giành thắng lợi cuối cùng.

 
 

Sau 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các chàng trai, cô gái từng sống, chiến đấu trên mảnh đất “khói lửa” thời ấy giờ đã tóc đã bạc, da đã mồi, nhưng ký ức về "một thời đạn bom" vẫn luôn sống trong lòng họ. 

 

Ông Y Thin (SN 1940) tham gia lực lượng vũ trang H37 (mật danh đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đắk Lắk, được sáp nhập giữa hai huyện H3 (Tây Cheo Reo) và H7 - giai đoạn 1962 - 1975) chiến đấu chống giặc trong vùng căn cứ Cư Jú từ năm 1961 - 1973.

Theo lời kể của ông, buôn Bir ngày ấy có 25 hộ dân sinh sống, sản xuất bên cạnh con suối Ea Hiang. Nơi đây, giặc Mỹ thường xuyên ném bom làm cháy hết nhà cửa, nông sản, người dân buôn Bir phải trốn vào các hang đá dọc suối Ea Hiang tránh giặc.

Căm hờn trước sự tàn ác của kẻ thù, năm 1961 chàng trai Y Thin tham gia lực lượng vũ trang chiến đấu chống giặc trong vùng căn cứ. Một ngày giữa năm 1963, trong lúc cùng đồng đội canh gác, bất ngờ lính Mỹ đánh úp, ông bị bắn gãy chân rồi bị bắt nhốt ở Pleiku (tỉnh Gia Lai). Vì không khai thác được thông tin gì nên năm 1964 ông Y Thin được tha về. Vết thương lành lặn, không thể cầm súng chiến đấu, ông tham gia vận chuyển lương thực lên căn cứ Cư Jú nuôi cán bộ. 

 
 

Còn với Amí Nay H’Lý (SN 1946) cũng ở buôn Bir - là dân công thời kháng chiến chống Mỹ hoạt động trong vùng căn cứ Cư Jú từ năm 1960 - 1973. Mặc dù không hiểu tiếng phổ thông nhưng khi nghe nhắc đến tên "Cư Jú", bà hào hứng kể bằng tiếng Jrai.

Qua phiên dịch của ông Nay Y Te, Trưởng buôn Bir, năm 1954 buôn Bir có tên là buôn Bir Jú, xã Ia Rbol (huyện Cheo Reo), nằm trong khu vực núi Cư Jú. Đoạn đường từ buôn Bir Jú lên các điểm tập kết trên căn cứ rất khó khăn; quân Mỹ ráo riết càn quét nên bà H’Lý cùng với những phụ nữ trong buôn, như: Nay H’Nhách, Ksơr Liêng… phải đợi 3 - 4 ngày, thấy tình hình yên ổn rồi giấu gạo, khoai dưới gùi, rồi phủ lá mì, củi khô lên trên để tiếp tế lương thực vào các điểm tập kết.

Cũng trong những năm 1965 - 1975, tại vùng căn cứ Dliê Ya, huyện Krông Năng, người dân buôn Dliê Ya phải rời buôn vào làm nhà trong hang đá, vì quân Mỹ tăng cường càn quét hòng “xóa sổ” nơi này. Nhiều người bị địch bắt, tra tấn dã man song vẫn một lòng trung kiên với cách mạng. Chứng kiến bao trận càn quét ác liệt của giặc Mỹ, ông Y Bâm KSơr (SN 1949) nung nấu quyết tâm trở thành người chiến sĩ cách mạng để bảo vệ buôn làng. 

 

Trong ký ức của ông, buôn Dliê Ya ở đầu nguồn con suối Ea Rơbol có khoảng 37 nóc nhà (chủ yếu là trong hang đá và dưới các lùm cây).

Cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng người dân buôn Dliê Ya vẫn chăm chỉ trồng trọt, tăng gia sản xuất và tích cực tham gia chiến đấu chống giặc. Mỗi khi địch tràn về buôn Dliê Ya càn quét, điên cuồng lùng sục, đốt nơi ở, nơi sản xuất khiến các gia đình phải bỏ nhà cửa để tháo chạy, thế nhưng người dân vẫn kiên quyết bám trụ, làm nhà, ở lại buôn để bảo vệ các cơ quan của tỉnh Đắk Lắk.

Dù sống trong vùng địch kìm kẹp nhưng bà con vẫn luôn hướng về cách mạng, nhiều gia đình đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực và các mặt hàng thiết yếu ra chiến khu. 

 

Ghi nhận đóng góp và tri ân đồng bào các dân tộc 4 xã đã có công nuôi dưỡng, đùm bọc cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày 4/11/2023 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 1298/QĐ-TTg về việc công nhận xã An toàn khu (ATK) thuộc tỉnh Đắk Lắk.  

 
 
 
 

Đất nước thống nhất, với sự quan tâm, thúc đẩy từ một số chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội dành cho vùng sâu, vùng xa cùng ý chí, quyết tâm vượt khó của bà con các dân tộc nơi đây vùng căn cứ cách mạng đang từng bước chuyển mình. 

Nằm trong khu căn cứ kháng chiến Cư Jú – Dliê Ya, xã ATK Ea Hiao (huyện Ea H’leo) giờ đây mỗi ngày một khang trang hơn, trở thành một vùng chuyên canh cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao của địa phương như cao su, cà phê, hồ tiêu... 

Ông Nguyễn Xuân Trọng, Chủ tịch UBND xã Ea Hiao (huyện Ea H'leo) phấn khởi cho biết, vượt qua nhiều khó khăn ban đầu thành lập xã, nhân dân đã đoàn kết một lòng chung tay xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp. Kinh tế địa phương hiện ngày một phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 103 triệu đồng/năm; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 67%; tiểu thủ công nghiệp – xây dựng 12%; thương mại - dịch vụ 21%.

 
 

Đặc biệt trong những năm qua, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, nên giai đoạn 2010 - 2025 cơ bản đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Riêng giai đoạn 2010 - 2020, xã được đầu tư xây dựng trên 50 công trình thủy lợi lớn nhỏ với tổng mức đầu tư hơn 155 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp tiền, hiến đất, tài sản trên đất trị giá hơn 20 tỷ đồng.

 

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển. Sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của xã còn 4,4%. 

Cũng nằm trong khu căn cứ kháng chiến Cư Jú - Dliê Ya, xã ATK Dliê Ya (huyện Krông Năng) đã khoác lên mình diện mạo mới với hệ thống điện, đường, trường, trạm, thủy lợi được đầu tư kiên cố. 

 
 

Phó Chủ tịch UBND xã Dliê Ya Vũ Anh Tuấn cho hay, là địa phương có xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ các nghị quyết của Đảng hợp lòng dân nên khi triển khai đều nhận được sự đồng thuận cao, sớm đi vào cuộc sống. 

Bên cạnh sự quan tâm đầu tư hạ tầng, chính quyền xã ATK Dliê Ya chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Các ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ tăng trưởng khá nhanh về quy mô, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn. 

 

Trên địa bàn xã hiện có 6 hợp tác xã, 10 doanh nghiệp kinh doanh mắc ca, xăng dầu, buôn bán vật liệu xây dựng, 21 đại lý mua bán nông sản và vật tư nông nghiệp, 119 cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác… Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 30%. 

 

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, tuổi trẻ xã ATK Dliê Ya quyết tâm làm giàu trên đồng đất quê hương. Họ đã tận dụng thế mạnh về thỗ nhưỡng, khí hậu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các mô hình kinh tế mang lại lợi nhuận cao như: sầu riêng, bơ, mắc ca,tiêu, chanh dây…   

 

Là địa phương đặc biệt khó khăn nhưng xã ATK Cư Pui (huyện Krông Bông) lại có nhiều tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, lịch sử văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Vùng căn cứ cách mạng Đắk Tuôr được chính quyền nơi đây chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng, nhờ đó đời sống đồng bào dần được cải thiện. 

Vì vậy, trong những năm qua, xã Cư Pui rất nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, hướng đến phát triển một số loại hình du lịch ở địa phương. 

 
 

"Địa chỉ đỏ" nổi bật với các di tích như: Di tích lịch sử Quốc gia hang đá Đắk Tuôr - nơi cơ quan Tỉnh ủy đứng chân xây dựng vùng căn cứ cách mạng Krông Bông, lãnh đạo, chỉ đạo quân dân trong vùng lập nên những chiến công vang dội trong giai đoạn 1965 - 1975; Bia di tích lịch sử Quốc gia - nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966) và Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Y Ơn Niê, với nhiều hiện vật của người Anh hùng liệt sĩ này được trưng bày...

Đắk Tuôr còn là một trong số ít buôn của xã Cư Pui sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Nơi đây có dòng thác Đắk Tuôr nguyên sơ chảy trên ghềnh đá được ví như suối tóc sơn nữ. Cùng với đó, buôn Đắk Tuôr còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào M’nông như nhà sàn, ghế kpan, chiêng đồng; lễ hội cồng chiêng, lễ hội cầu mưa, lễ cúng bến nước, lễ cúng thần lúa, lễ cúng mừng thọ...

 

Huyện ủy Krông Bông đã lấy "địa chỉ đỏ" Di tích lịch sử hang đá Đắk Tuôr thuộc xã ATK Cư Pui làm cơ sở để hoạch định chiến lược xây dựng và phát triển ngành “công nghiệp không khói” cho địa phương. Cụ thể giai đoạn 2025 - 2030, huyện Krông Bông tập trung kêu gọi đầu tư và đưa vào hoạt động một số dự án lớn; trong đó Dự án phát triển du lịch sinh thái lấy Di tích lịch sử hang đá Đắk Tuôr làm trọng tâm, từ đó mở rộng đến các điểm du lịch lân cận gồm: Danh thắng thác Krông Kmar; điểm du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Chư Yang Sin; điểm dừng chân hồ Yang Reh và tham quan núi Đá voi (xã Yang Tao, huyện Lắk); thác buôn Ngô (xã Hòa Phong); thác Yang Hanh - xã Cư Drăm; thác Ea Khal - xã Yang Mao và hồ Cư Păm - xã Cư Kty; phấn đấu, giai đoạn 2025 - 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế bền vững thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực khác ở địa phương.

 
 

Đi qua hai cuộc kháng chiến, sau ngày giải phóng, đời sống của người dân xã Nam Ka với những bộn bề khó khăn. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt tinh thần vượt khó của nhân dân nơi đây, diện mạo vùng quê nghèo đã khoác lên mình "tấm áo mới".

 
 

Từ chỗ chỉ biết canh tác, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, thủ công, giờ đây người dân xã Nam Ka đã đưa các loại giống mới, các loại máy móc vào sản xuất, từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, chế biến; hạn chế sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từng bước sử dụng các loại phân hữu cơ để bảo vệ môi trường.

Nhằm tạo đột phá trong công tác giảm nghèo, triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 5/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lắk khóa XV về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021-2025, Đảng ủy xã ATK Nam Ka đã phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng buôn. Trong đó, phân công 5 đồng chí trong Ban Thường vụ, mỗi đồng chí trực tiếp chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại 1-2 buôn; từ thực tiễn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tìm ra mô hình hiệu quả nhằm nhân rộng để "giải bài toán" giảm nghèo nhanh, bền vững.

 
 

Kinh tế phát triển, tỉnh Đắk Lắk dành nhiều sự quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS), đặc biệt là vùng ATK. Năm 2024, nguồn vốn bố trí các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia tại 4 xã ATK nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc… là 16.395 triệu đồng (hơn 16,3 tỷ đồng).

 

UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, UBND các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ chính sách mới, hoàn thiện chính sách đang triển khai phù hợp với điều kiện hiện nay theo hướng ưu tiên cho các xã ATK. Qua đó nâng cao mọi mặt đời sống cho người dân các xã ATK, vùng ATK cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của cả nước, của từng địa phương. 

 
 
 

Người dân các xã ATK của tỉnh Đắk Lắk vốn có truyền thống cần cù chịu khó và giàu lòng yêu nước. Một lần nữa truyền thống ấy được phát huy trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội hôm nay, cùng với sự trợ lực của Nhà nước đã làm thay đổi diện mạo ở các vùng căn cứ năm xưa. Màu xanh của sự ấm no, trù phú hiện diện rõ trên từng con đường, trong từng căn nhà ở xã ATK.

Nội dung: Hoàng Nguyễn 

Ảnh: Tư liệu, PV và CTV 

Trình bày: Công Định


Ý kiến bạn đọc