Báo Đắk Lắk điện tử
.

(E-magazine) Đắk Lắk - Mảnh đất níu chân người

10:00, 10/10/2024
 

 

Với những kiến tạo địa chất phức tạp, trải qua hàng triệu năm phong hóa, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho cao nguyên Đắk Lắk một hệ sinh thái đa dạng, phong phú với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp, vùng đất trù phú, là quê hương, nơi định cư lâu đời của nhiều dân tộc bản địa và hiện tại cũng là miền “đất hứa” với rất nhiều người...

 

Đắk Lắk không phải là địa danh đầu tiên của nhiều người khi lựa chọn điểm đến du lịch, nhưng nhất định sẽ là nơi... thương nhớ khi rời xa. 

 
 

Không chỉ có rừng núi, sông suối, thác nước, hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai ở Việt Nam sau hồ Ba Bể, cao nguyên Đắk Lắk còn có những cánh đồng chuyên canh lúa nước mênh mông gợi nhớ miền đồng bằng, có những thửa ruộng bậc thang phảng phất hình ảnh đặc trưng miền núi phía Bắc. Đắk Lắk hội tụ 49 dân tộc anh em và cư dân của 63 tỉnh thành cùng sinh sống. Vì thế, Đắk Lắk được ví như "một Việt Nam thu nhỏ". 

 

Tạo hóa ban tặng cho vùng đất Đắk Lắk nhiều thác nước lớn, nhỏ; trong thung sâu đại ngàn ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có những con thác ngày đêm tuôn chảy, mời gọi bước chân chinh phục của những ai yêu thích sự hoang sơ của núi rừng. 

 

Đó còn là những ngọn núi cao diệu vợi như: Chư Yang Lắk, gần 1.700m, thuộc Vườn quốc gia Chư Yang Sin (thuộc huyện Lắk); là Núi Vọng Phu, nằm trên dãy Trường Sơn - Nam Tây Nguyên, giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa; là thảo nguyên Pal Sol, giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai (phần lớn thuộc huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk); là Vườn quốc gia Yok Đôn với rất nhiều hoạt động trải nghiệm: du lịch thân thiện với voi, câu cá, cắm trại, ngắm và chụp ảnh các loài chim, đi bộ trong rừng, tìm hiểu hệ sinh thái rừng khộp…

 

Điều thú vị, hấp dẫn du khách là mỗi ngọn núi, mỗi con thác, hồ nước ở Đắk Lắk đều gắn với một câu chuyện, một truyền thuyết hay huyền thoại đậm dấu ấn văn hóa của các tộc người bản địa. Trải qua thời gian, các yếu tố kì ảo, hoang đường trong những câu chuyện xưa vẫn được người dân lưu truyền, kể lại từ đời con sang đời cháu với niềm tin dân gian mãnh liệt vào những điều huyền diệu trong hồn thiêng sông núi.

 
 

Chính vì vậy, dẫu xa ngái diệu vợi, cao nguyên Đắk Lắk với các địa danh như: Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, hồ Lắk, thác Dray Nur, thác Thủy Tiên, núi đá Voi... hay đơn giản chỉ là một quán cà phê, một góc phố, hay một con đường rợp bóng cây xanh cũng đã đủ sức hút nhiều người tạm rời bỏ phố thị để tìm về, để hòa mình vào đại ngàn xanh thẳm.

 
 

Và ngay trong lòng phố thị mang tên vị tù trưởng Êđê cũng có không ít điểm đến để du khách gần xa thỏa sức tìm hiểu, khám phá trong sự tỉnh thức với nhiều điều thú vị đi cùng chiều dài lịch sử của vùng đất, con người nơi đây, với những trầm tích văn hóa ẩn sâu mà chỉ khi ''sống chậm" mới đủ "độ" cảm nhận sâu sắc về những điều tưởng mới lạ nhưng rất đỗi thân quen, và tưởng chừng quen thuộc nhưng bị thách thức bởi nhiều điều mới mẻ.

 

Đó là Đình Lạc Giao, là Nhà đày Buôn Ma Thuột, là Chùa Sắc Tứ Khải Đoan, hay những buôn làng ngay trong lòng phố như: buôn Ako Dhong (phường Tân Lợi), buôn Ko Siêr (phường Tân Lập)…

 
 

Tên gọi Lạc Giao có ý nghĩa là lời giao ước an cư lập nghiệp của đồng bào Kinh với đồng bào bản địa cùng chung lưng đấu cật để xây dựng vùng đất mới này. 

Đình Lạc Giao không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa với tín ngưỡng thờ Thành hoàng của cộng đồng những người Việt ở Buôn Ma Thuột, mà còn là một chứng tích lịch sử của quá trình di cư của người Việt lên cao nguyên Đắk Lắk, đặc biệt đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử hào hùng, thể hiện lòng yêu nước sắt son của người dân Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945...

Với những giá trị lịch sử và văn hóa đó, năm 1990 Đình Lạc Giao được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. 

 

Một điều đặc biệt, gần đây nhiều du khách thuộc Gen Z (còn gọi là công dân của thời đại số) sinh sống ở các tỉnh, thành phố nhộn nhịp, sôi động trong cả nước, thậm chí là người nước ngoài lại chọn "bỏ phố về rừng" Đắk Lắk để tìm sự cân bằng, tự thưởng cho bản thân những điểm “nghỉ” tái nạp năng lượng để cảm nhận rõ hơn, yêu thương nhiều hơn sau những bôn ba mưu sinh, học tập... để rồi sau đó tiếp tục cống hiến cho cuộc sống, cho đam mê, niềm hạnh phúc. 

 

Ai đã từng yêu và tìm đến để hiểu thì càng thấy Đắk Lắk vừa lạ lẫm, vừa quen thuộc. Muốn biết, muốn hiểu Đắk Lắk phải đi nhiều lần mới có thể trải nghiệm, nhưng càng gần thì càng lạ, càng hiểu càng thách thức bởi “ma mị” từ trong ánh mắt đen nâu của thiếu nữ, từ nụ cười hào sảng của người dân nơi đây.  Vì thế như ma lực, cứ cuốn, thẳm sâu, ngấm cái chếnhh choáng của đại ngàn trong men say...

Và lại cứ đi, để cảm!

 

Dọc dài trên dải đất hình chữ S có 54 dân tộc, cao nguyên Đắk Lắk quy tụ 49 dân tộc cùng chung sống.

Sau nhiều năm gắn bó, đời sống văn hóa tinh thần với những giá trị truyền thống hội tụ đủ ở “3 miền” đã trở thành “kho báu” mang sức mạnh nội sinh. Từ đó hun đúc nên tâm hồn, khí phách con người Đắk Lắk, tạo động lực phát triển bền vững cho địa phương.

Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật, tạo nguồn lực cho địa phương phát triển.

 

Ở Đắk Lắk, văn hóa các dân tộc là sự phong phú, đa dạng, thống nhất và kết hợp hài hòa của văn hóa dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên - Trường Sơn; văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc; văn hóa dân tộc Kinh (người Việt), mang đủ sắc thái 3 miền Bắc - Trung - Nam.

49 dân tộc chọn Đắk Lắk làm nơi sinh cơ, lập nghiệp và giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình trên quê hương mới. Từ trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, làn điệu dân ca, dân vũ, ẩm thực…

Vì thế mà với những người con chọn Đắk Lắk làm quê hương thứ hai đều dễ dàng thấy quê hương qua từng “đặc sản” ở nơi đây.

 

Hiếm có nơi nào như vùng đất này, mỗi huyện, thị, buôn làng đều sở hữu nét đặc sắc trong văn hóa, từ âm nhạc, cồng chiêng, nhạc cụ đến lễ hội, nghi lễ…; trong ứng xử cộng đồng hào sảng, hiếu khách, thân thiện… là điều khác biệt để nhận ra văn hóa, con người Đắk Lắk.

Tỉnh Đắk Lắk có 44 di sản văn hóa vật thể, 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, khoảng 2.307 bộ chiêng, trên 100 loại nhạc cụ khác nhau và khoảng 11.524 nghệ nhân đang nắm giữ các loại hình văn hóa dân gian… Đó là những “ngọc quý” trao truyền cho thế hệ mai sau. 

 

Đặc biệt, về với Đắk Lắk còn là về với miền sử thi. “Bộ sưu tập” có hơn 70 sử thi Êđê, 145 sử thi M’nông, có thể kể đến những sử thi nổi tiếng như: Đam Săn, Xing Nhã, Dam Di, Khinh Dú, Đăm Tiông, Đăm Trao, Đăm Rao...  gắn bó với cuộc sống, phản ánh mọi khía cạnh cuộc sống và được xem như “bách khoa thư” của mỗi tộc người. Bởi vậy, từ bao đời nay, sử thi vẫn được người dân ở đây tôn trọng, gìn giữ và xem là di sản văn hóa có giá trị vô giá của cộng đồng.  

 

Nỗ lực gìn giữ “ngọc quý” của cha ông, nhiều hoạt động bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống được chính quyền, nhân dân tổ chức, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. 74 lễ hội truyền thống, văn hóa… được tổ chức là điển hình trong gìn giữ di sản quý giá. Điều đáng mừng hơn là người dân luôn biết cách “vận dụng” các thiết chế, di sản, giá trị văn hóa ấy để vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân vừa góp phần xây dựng quê hương tươi mới mỗi ngày. 

 
 

Như ở huyện Cư M’gar, đây được coi là không gian lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của 25 dân tộc chung sống. Trong khắp các buôn làng, hầu như người trẻ nào cũng biết ca hát, biết đánh ít nhất một loại nhạc cụ. 14 lễ hội được duy trì tổ chức không chỉ phục vụ, vun đắp đời sống tinh thần, làm “sống lại” những giá trị văn hoá truyền thống mà còn nối dài thêm sợi dây đoàn kết. Yếu tố đa văn hóa của các dân tộc cùng chung sống trên một địa bàn đã làm gia tăng sự đặc trưng và là không gian cộng cảm của buôn làng.

 

Năm tháng đi qua, giá trị xưa càng được lưu tâm bảo tồn, phát huy  trở thành “tài sản vô giá” của cộng đồng, phục vụ cộng đồng và du khách. Đắk Lắk hôm nay dẫu có nhiều đổi mới và tươi mới nhưng vẫn còn cơ man sự bí ẩn, như gần mà xa, như quen thuộc mà lạ lẫm, chờ du khách khắp mọi miền khám phá.

Trên tiến trình xây dựng, phát triển Đắk Lắk xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên thì yếu tố văn hóa - xã hội được xem là nền tảng quan trọng để “dựng xây” cơ đồ. Tỉnh Đắk Lắk vẫn luôn xác định, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa, là sự nghiệp lâu dài của nhân dân, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số là trung tâm, là chủ thể...

 

 

 

Có thể nói tiềm năng đất đai phì nhiêu, màu mỡ và khí hậu ôn hòa là điều kiện để Đắk Lắk phát triển nền nông - lâm nghiệp hàng hóa có quy mô lớn với những cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, bơ và sầu riêng…mang lại đời sống sung túc cho hàng vạn nông hộ ở hầu hết 15 huyện, thị xã và thành phố.

 
 
 

Tiềm năng, thế mạnh ấy đã có sức hút mạnh mẽ cư dân trên cả nước tìm đến đây khai phá, lập nghiệp từ hơn một thế kỷ qua, để cùng với các tộc người bản xứ tạo lập nên vùng đất trù phú, đa dạng cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa. Những yếu tố, giá trị ấy đã làm nên sức mạnh nội sinh để đất và người Đắk Lắk vượt qua mọi hoàn cảnh, thử thách, vươn lên trong suốt chiều dài lịch sử.

Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, tiềm năng của vùng đất Đắk Lắk tiếp tục được khai thác và phát huy, nhất là các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc tại chỗ cũng như nhiều vùng miền trên cả nước hội tụ về đây. Di sản văn hóa ấy được xem như “sức mạnh mềm” để Đắk Lắk xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội.

 

Trong đó du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của nhiều địa phương với những sản phẩm đặc thù, khác biệt như: tìm hiểu, trải nghiệm vốn văn hóa của các tộc người bản địa; thân thiện, khám phá cảnh quan, danh thắng; thưởng thức và thực hành trình diễn âm nhạc cồng chiêng cũng như các loại nhạc cụ tre nứa truyền thống.

 

Đến nay, bên cạnh 22 khu/điểm du lịch được quy hoạch, xây dựng và đưa vào khai thác, phục vụ người dân địa phương và du khách dựa vào những sản phẩm đặc thù, khác biệt trên - trên địa bàn Đắk Lắk còn hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng do chính người dân trong các buôn làng gây dựng, vận hành, thu hút du khách trong nước và quốc tế tìm đến.

 

Muốn thân thiện, tìm hiểu về văn hóa voi thì đến Hợp tác xã dịch vụ, du lịch Voi buôn Jun (huyện Lắk), hay Buôn Trí (huyện Buôn Đôn). Tìm hiểu, trải nghiệm với vốn văn hóa phong phú, giàu bản sắc như âm nhạc cồng chiêng, dân ca, dân vũ, phô diễn thổ cẩm và thực hành chế tác nhạc cụ truyền thống thì đến với điểm du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi); Khu du lịch văn hoá, cộng đồng Kô Tam (phường Tân Hòa); điểm du lịch cộng đồng buôn Tuôr (xã Hoà Phú); điểm du lịch cộng đồng buôn Tơng Jú (xã Ea Kao) TP. Buôn Ma Thuột; hay về với buôn Tring (thị xã Buôn Hồ); buôn Ya (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông)…

Những địa chỉ ấy đem lại “tập hợp văn hóa” chân thực và sinh động - từ truyền thống đến hiện đại của các tộc người tại chỗ, đủ sức hấp dẫn và níu chân du khách khi đến đây tìm hiểu, trải nghiệm.

 

Chưa hết và có lẽ nổi bật, đặc sắc nhất ở vùng đất cao nguyên này đó là cà phê. Đặc sản này không những mang lại đời sống kinh tế sung túc cho hàng vạn nông hộ ở Đắk Lắk, mà còn tham gia vào hoạt động du lịch với vị thế độc tôn và đặc thù.

Những tour trải nghiệm với cà phê đã và đang được nhiều công ty du lịch ở đây (như Công ty Du lịch - Thương mại Đam san, Công ty Du lịch Khám phá Tây Nguyên, Ngày Mới, Ban Mê Tour, Công ty Du lịch Sài Gòn - Ban Mê) xây dựng và khai thác, góp phần làm gia tăng chuỗi giá trị kinh tế cho ngành hàng cà phê ở đây.

 
 

Hơn thế, cà phê không những thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm của du khách thông qua hoạt động trực tiếp tham gia vào quá trình canh tác cùng người dân - từ làm vườn, thu hái đến chế biến và thưởng thức theo ý thích của mỗi người, mà nó còn tạo ra hệ sinh thái cà phê đúng nghĩa và đa dạng để vùng đất giàu bản sắc này kiến tạo thêm giá trị văn hóa mới - văn hóa cà phê.

 
 

Có thể nói, giá trị văn hóa này ngày càng được các cộng đồng cư dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương xác lập, định hình rõ ràng hơn - từ đời sống sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu đến nhịp sống gắn bó với cà phê hàng ngày đều đã cho thấy rõ nét yếu tố văn hóa rất riêng của con người, vùng đất bazan này.

 

Chính vì thế mà TP. Buôn Ma Thuột, hình ảnh đại diện cho Đắk Lắk đã ra đời một sologan, hay nói đúng hơn là gương mặt mới: “Buôn Ma Thuột - điểm đến của cà phê thế giới”. Đây không những là lời mời gọi, níu chân du khách, mà còn là động lực nội tại để Đắk Lắk phát triển và định vị hình ảnh của mình trên hành trình thế kỷ.  

Nội dung:  Đình  Nguyên Thu 

Ảnh: Phóng viên và CTV

Trình bày: Công Định


Ý kiến bạn đọc