Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Ngoài tiếp tục triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh còn ban hành một số cơ chế chính sách để tạo thêm sinh kế cho người nghèo, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục đồng hành, chung tay cho công cuộc giảm nghèo.
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 huyện nghèo và 4 xã biên giới; dân số gần 1,9 triệu người với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 35,7%. Ngoài các DTTS đã cư trú lâu đời như Ê đê, M'nông, Gia Rai còn có đông đồng bào DTTS ở các tỉnh, thành phố trong cả nước di cư tới lập nghiệp, như: Nùng, Tày, Mông, Dao...
Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 7,91% (theo tiêu chí cũ), trong đó hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 17,4%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm từ 1,5-2,0% hộ nghèo.
Đây là một thách thức rất lớn. Bởi một gia đình có thể nghèo đi rất nhanh chóng khi gặp biến cố. Ngược lại, cũng có nhiều cơ may giúp cho các hộ gia đình nghèo có thể thoát nghèo, điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến.
Xác định rõ những thiếu hụt, hạn chế, khó khăn của hộ nghèo, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế phù hợp góp phần tạo việc làm, giúp người nghèo tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp, ngành và toàn xã hội về mục tiêu, giải pháp giảm nghèo bền vững, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, quán triệt mục đích, ý nghĩa, nội dung chương trình, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước thông qua những đợt sinh hoạt chính trị, cuộc họp thôn, buôn và phương tiện truyền thông.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng vận động đoàn viên, hội viên đoàn kết, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo tích cực thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình; tham gia mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo quy hoạch gắn với phát triển sản phẩm OCOP.
Buôn Đôn là một trong hai huyện biên giới của tỉnh với hơn 47% dân số là đồng bào DTTS. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhằm ổn định dân cư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia được huyện lồng ghép hiệu quả. Qua đó, người dân được tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, sáng kiến hay, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để vươn lên thoát nghèo.
Thành công lớn nhất của huyện Buôn Đôn trong công tác giảm nghèo là nâng cao nhận thức, khơi dậy khát vọng vươn lên cho các hộ nghèo làm cho người dân và cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Là tỉnh thuần nông, thu nhập của đa số người dân tỉnh Đắk Lắk chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Song thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, trình độ canh tác hạn chế… là những nguyên nhân chính khiến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Để thay đổi nhận thức và tư duy làm nông nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh, cán bộ cơ sở đã "cầm tay chỉ việc", vận động người dân tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi cây trồng ngắn ngày sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như: trồng rừng, cà phê, tiêu, sầu riêng, dứa... Qua đó, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với phương châm “Thiết thực, hiệu quả, có sản phẩm cụ thể”, tổ kết nghĩa do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Búk làm tổ trưởng đã triển khai nhiều công trình, phần việc giúp đỡ đồng bào buôn kết nghĩa Ea Sin (xã Ea Sin).
Theo đó, tổ thường xuyên cử cán bộ về buôn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hàng trăm lượt người dân tham gia.
Riêng trong năm 2023, từ nguồn ngân sách huyện, tổ kết nghĩa đã hỗ trợ 18 con dê cho 3 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại buôn Ea Sin với kinh phí gần 100 triệu đồng. Đến nay đàn dê sinh sản thêm 20 con, nâng tổng đàn lên 38 con dê.
Ông Y Tcun Niê, người dân ở buôn Ea Sin, xã Ea Sin (huyện Krông Búk) thuộc diện hộ nghèo. Cả hai vợ chồng không có việc làm ổn định, đất sản xuất ít, lại không biết kỹ thuật chăn nuôi nên cuộc sống của gia đình luôn thiếu trước, hụt sau. Nhờ được tổ kết nghĩa với buôn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ vợ chồng ông 6 con dê giống, đến nay đàn dê đã sinh sản thêm 8 con.
Cũng như ông Y Tcun Niê nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa, nhiều hộ nghèo ở xã Ea Sin (huyện Krông Buk) đã có động lực mạnh mẽ "hướng mở" để thoát nghèo.
Tỉnh Đắk Lắk có 1.780 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện công tác kết nghĩa với 556 buôn đồng bào DTTS. Tổng kinh phí các cơ quan, đơn vị dành cho các hoạt động tại buôn kết nghĩa khoảng 262 tỷ đồng. Hành trình 20 năm kết nghĩa với các buôn trên địa bàn tỉnh không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc mà còn góp phần tạo đà giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống.
Bên cạnh triển khai, nhân rộng nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu canh tác và thế mạnh của các địa phương, tỉnh Đắk Lắk còn tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm để tạo sinh kế bền vững người dân. Theo đó, các lớp đào tạo nghề được tổ chức thường xuyên trên cơ sở khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người lao động, với các ngành nghề như: sửa chữa xe máy, dệt thổ cẩm, may công nghiệp, điện dân dụng…
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 3.600 học viên; giải quyết việc làm cho khoảng 23.150 người lao động; hỗ trợ hơn 38.000 lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 1.779 tỷ đồng; đưa 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Các mô hình sinh kế, đào tạo nghề, phát triển kinh tế không chỉ phát huy hiệu quả trong việc đem lại thu nhập và việc làm cho người dân mà còn phát huy được thế mạnh, tiềm năng đất đai và nguồn lao động địa phương. Có những mô hình đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhiều mô hình đang trong quá trình hình thành và phát triển ban đầu với quy mô và số lượng nhỏ, nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
(Còn nữa)
Bài 2: Giúp người nghèo an cư để lạc nghiệp
Nội dung: Quỳnh Hoa Lan
Hình: PV và CTV
Trình bày: Công Định