Báo Đắk Lắk điện tử
.

Chương trình OCOP

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn

10:09, 21/11/2024
 

Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

 

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn được Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 07/5/2018, chương trình được tổ chức thực hiện bởi hệ thống quản lý và điều hành từ Trung ương tới địa phương (tỉnh, huyện, xã).

Chương trình có sự tham gia của toàn xã hội dựa trên kinh nghiệm của phong trào OVOP (Mỗi làng một sản phẩm) thực hiện đầu tiên tại Nhật Bản, khởi xướng năm 1979 đến nay đã phát triển trên toàn thế giới với nhiều tên gọi khác nhau nhưng đều hướng đến cải thiện kinh tế, xã hội vùng nông thôn một cách hiệu quả và bền vững.

 
 

Chương trình OCOP tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2018 - 2020, đã có những bước đi căn bản, định hình rõ hơn về giải pháp phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, Chương trình OCOP ở các địa phương vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế, các giá trị khác của nông nghiệp, nông thôn để trở thành những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao cung ứng cho thị trường.

 
 

Do đó, để tập trung hát huy thế mạnh địa phương, tận dụng, khơi dậy sáng tạo trong nhân dân, hình thành các vùng/tiểu vùng kinh tế liên kết tập trung, dựa trên nền tảng sản xuất hiện có, tạo ra vùng sản xuất quy mô vừa và lớn; đồng thời, phục hồi, duy trì, phát triển ngành nghề - văn hóa truyền thống giàu bản sắc tạo ra sản phẩm OCOP gắn với du lịch theo hướng “Nền du lịch thứ ba ”, Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 24/12/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030, đặt ra 6 mục tiêu và 12 giải pháp trong xây dựng nông thôn mới. 

 
 

Trên cơ sở nhìn nhận tính phù hợp và hiệu quả mong đợi từ Chương trình OCOP, Đề án “Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” dựa trên hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo từ các bài học, kinh nghiệm ở Việt Nam và quốc tế.

 
 

Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình đã tạo sự lan toả mạnh mẽ, được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới…

Qua Chương trình OCOP, phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

 
 
 

Đến nay, toàn tỉnh có 240 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (trong đó có 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao), với 145 chủ thể sản phẩm OCOP, trong đó, doanh nghiệp chiếm 35,86%, HTX chiếm 23,45% và cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh chiếm 40,69%. Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế như cà phê, ca cao, mắc ca... 

 

Trong hành trình OCOP, các chủ thể đóng vai trò chính trong “sân chơi”, thông qua việc tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; các chủ thể thay đổi tư duy, không ngừng hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu theo quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường.

 

Tại các địa phương, Chương trình OCOP được triển khai đồng bộ và lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị và theo nhu cầu thị trường...

 
 

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp - chủ thể của sản phẩm OCOP Gạo đen Briết chia sẻ, mặc dù là vùng đất khó của tỉnh nhưng Ea Súp rất phù hợp phát triển cây lúa, nhất là các giống lúa đặc sản. Nhận thấy tiềm năng này, ông đã liên kết nhiều nông dân địa phương (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) khôi phục và sản xuất các giống lúa gạo đặc sản theo hướng hữu cơ, giúp cải thiện đời sống bà con trên vùng đất nghèo.

 

 

 

Tương tự, sản phẩm OCOP Mật ong lên men Bon Bon của Công ty TNHH MTV Thương mại Kim Long (gọi tắt là Công ty Kim Long), ở xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) cũng đã khai thác tốt lợi thế của địa phương để chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

 

Theo ông Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Kim Long, Đắk Lắk là nơi sản lượng mật ong lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, người nuôi ong lấy mật chỉ tập trung vào bán sản phẩm nguyên liệu nên đầu ra khá bấp bênh.

 

Trước thực trạng đó, Công ty Kim Long tập trung phát triển chế biến sâu để tạo ra sản phẩm mật ong lên men, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nâng giá trị kinh tế cho mật ong.

 

Ngoài sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm, Đắk Lắk cũng đang hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn, các lễ hội, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh đến du khách trong và ngoài nước...

Đơn cử như sản phẩm gốm thủ công của người M'nông ở xã Yang Tao (huyện Lắk). Đồng bào M’nông R’lăm tại buôn Dơng Băk đã tận dụng đất sét nơi đây để làm những vật dụng cần thiết không chỉ để phục vụ cho nhu cầu trong gia đình, mà còn trao đổi với những vùng lân cận.

 

Qua đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, những vỉa đất sét lấy từ các bãi bồi của dòng sông mẹ-sông Krông Ana đã hóa thành nhiều vật dụng tinh sảo, hữu ích như: chén, bát, ấm, ché, chum, nồi chảo rồi mang đến các buôn khác để trao đổi lấy gạo, lúa, gà hay heo...

 

Bà H’Phiết Uông (một trong ba nghệ nhân lớn tuổi nhất của buôn) cho biết "Hiện nay, chỉ duy nhất buôn Dơng Bắk còn chế tác gốm với quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công và cách nung gốm lộ thiên. Chúng tôi đang cố gắng duy trì và bảo tồn nghề gốm cổ để tránh nguy cơ mai một".

Hiện đã có sản phẩm gốm Ché mẹ bồng con (Dăng Bă Kuôn) của hộ kinh doanh H’Huyên B’hôk (buôn Dơng Băk, xã Yang Tao) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

 
 

Với mục tiêu là sản phẩm OCOP mang dấu ấn địa phương nhưng được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia và toàn cầu, đặt ra cho Đắk Lắk nhiều thuận lợi xen lẫn thách thức. Bởi quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng yêu cầu sản xuất hàng hóa ngày càng cao về chất lượng, bảo đảm số lượng, đủ điều kiện sản xuất, công bố chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm, kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm, mã số, mã vạch, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc nguyên liệu, bảo vệ môi trường…

 
 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình trong giai đoạn 2021 – 2025, Sở NN-PTNT cho rằng: phải tận dụng tối đa lợi thế về vị trí, địa thế, nền tảng sản xuất với quy mô lớn có thể hình thành vùng chuyên canh, các địa phương cần chú ý về năng lực quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm cho các chủ thể; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, bảo đảm hướng đến nền nông nghiệp tiên tiến (sản xuất áp dụng công nghệ cao), giá trị gia tăng cao (nhà máy chế biến, cơ sở sản xuât...), có trách nhiệm và bền vững.

 
 

Theo PGS.TS. Trần Văn Ơn, cố vấn quốc gia Chương trình OCOP Việt Nam, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các chủ thể phải ý thức được việc giới thiệu, quảng bá và bán hàng là trách nhiệm của mình, phải học cách làm thế nào đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất, có như vậy mới nâng cao vị thế và đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP.

 

Hiện nay, để tháo gỡ những khó khăn này, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức, góp nâng cao năng lực cho cộng đồng để họ tự tin, sáng tạo và khát vọng vươn lên; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình thực hiện từ khâu xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, đến xây dựng quy trình sản xuất, dự thi... Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở tích cực tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm, tham gia trưng bày tại các hội nghị, hội diễn văn nghệ... các hoạt động quảng bá sản phẩm và thương mại điện tử.

Nội dung: Minh Thuận - Hoàng Ân

Trình bày: Đức Văn

ocop Chương trình Mỗi xã một sản phẩm Chương trình OCOP Đắk Lắk nông nghiệp nông thôn sản phẩm nông nghiệp

Ý kiến bạn đọc