(E-magazine) Bài cuối: Tiếp thêm nguồn lực chăm lo cho người nghèo
Cùng với các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, sự nỗ lực vươn lên của chính người dân, công tác giảm nghèo ở Đắk Lắk còn nhận được hỗ trợ to lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đã tiếp thêm nguồn lực chăm lo cho người nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, để họ từng bước vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, những năm qua nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh đã có các hoạt động thiết thực, hỗ trợ người nghèo, như: ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, trực tiếp hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ sinh kế, trao học bổng cho học sinh nghèo,...
Đây là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, qua đó tạo nguồn lực, đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người nghèo.
Đơn cử, Ngân hàng thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hỗ trợ Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh 300 triệu đồng và Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" 50 triệu đồng thông qua kết nối của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm. Kinh phí này xây nhà Đại đoàn kết tặng hộ khó khăn về nhà ở hai huyện Cư Kuin và Cư M'gar.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam ủng hộ 7 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam 3,5 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam gần 5 tỷ đồng…, cùng nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã ủng hộ trên tinh thần “góp gió thành bão” vào Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh để trao tặng nhà Đại đoàn kết hộ nghèo, hộ khó khăn cần hỗ trợ về nhà ở.
Thiết thực kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh (22/11/1904 -22/11/2024), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đăng ký hỗ trợ xây dựng 300 căn nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo. Lần đầu tiên, thực hiện một chương trình an sinh xã hội lớn, thấy rõ việc huy động sẽ khó khăn trong bối cảnh kinh tế của tỉnh mới phục hồi sau đại dịch COVID -19, từ cuối năm 2023 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã lên kế hoạch, chủ động tìm kiếm, kêu gọi, vận động từ nhiều nguồn lực...
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng đã tổ chức vận động hiệu quả (3 cấp) Quỹ "Vì người nghèo" tính đến cuối tháng 9/2024 được gần 47,5 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã trích hơn 32 tỷ đồng xây dựng mới, sửa chữa hàng trăm nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo, trao học bổng tặng học sinh nghèo hiếu học và tặng quà Tết...
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Quỹ Vì người nghèo đã và đang được các địa phương sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Giảm nghèo bền vững đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể quan tâm, chỉ đạo trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên, được cụ thể hóa thành Chương trình của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND, kế hoạch của UBND các cấp và của từng đơn vị.
Có thể thấy, với các chính sách ưu đãi, như: Tín dụng xã hội, dạy nghề, khuyến nông, y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện..., nhất là những nguồn lực được huy động từ sức mạnh đại đoàn kết, từ truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách", tất cả đã trở thành một “hệ sinh thái” vững mạnh cùng chăm lo về vật chất và tinh thần, tiếp thêm động lực, niềm tin để người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Cùng nhìn lại thành tựu đạt được, bên cạnh sự vui mừng vẫn còn đó nhiều trăn trở khi vẫn còn gần 46.091 hộ nghèo, chiếm 9,15% tổng số hộ và 34.285 hộ hộ cận nghèo, chiếm 6,8%. Đặc biệt là còn 16.189 hộ nghèo khó khăn về nhà ở, đa phần ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, biên giới… Để giúp người nghèo “vượt lên chính mình”, rất cần thêm sự tiếp sức của cộng đồng, xã hội.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: ''Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng mọi nguồn lực, với cách làm mới", và Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, với tinh thần “Tương thân, tương ái”, tiếp tục chung tay vì người nghèo và tích cực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để hiện thực hóa giấc mơ "an cư lạc nghiệp", giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm điều kiện "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no", phấn đấu "Vì một Đắk Lắk không còn đói nghèo" trong tương lai gần, bà Nông Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Hưởng ứng Thư kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, một số địa phương trong tỉnh đã phát động Tháng hành động vì người nghèo năm 2024. Đơn cử như huyện Krông Năng, tại lễ phát động, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" huyện hơn 1,1 tỷ đồng.
Từ thực tế, có thể thấy để đạt mục tiêu giảm nghèo năm 2024 từ 1,5-2%; giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 3-4%; giảm hộ nghèo tại các huyện nghèo từ 4-5%, Đắk Lắk tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho giảm nghèo.
Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động về giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, khơi dậy ý thức tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại...
Triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Cùng với đó tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thực hiện tổng hợp, đồng bộ các cơ chế, chính sách, phát triển đa dạng các ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề thế mạnh để tạo ra nhiều việc làm bền vững cho người nghèo.
Nội dung: Hoa Lan Quỳnh
Hình: PV và CTV
Trình bày: Công Định