Từ vùng đất huyền sử đến trung tâm liên kết và cực tặng trưởng vùng Tây Nguyên:
(E-magazine) Kỳ cuối: Định hướng chiến lược và khát vọng vươn lên
|
Sôi động, hào hùng và đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của tháng ngày được trực tiếp tham gia, hòa mình vào không khí náo nức, cấp tập tiếp quản thị xã Buôn Ma Thuột sau giải phóng... có lẽ sẽ mãi là kỷ niệm khó quên trong ký ức của những cán bộ lão thành cách mạng năm xưa.
Nhớ về một thời đã qua, ông Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: Sau khi đất nước được giải phóng, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 35 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm một nửa. Đời sống nhân dân đói khổ, thiếu thốn, sản xuất chưa phát triển, cơ sở kinh tế hầu như chưa có gì.
Để giải quyết nạn đói trước mắt, Ủy ban Quân quản đã xin chủ trương mở các kho lương thực thu được của địch để hỗ trợ cho các hộ dân; đồng thời vận động nhân dân thực hiện phong trào làm kinh tế mới, khai hoang vỡ đất, trồng tỉa cây lương thực ngắn ngày để bảo đảm nguồn lương thực tại chỗ. Cùng với đó là xây dựng các công trình thủy lợi, thành lập hợp tác xã…
Nhìn lại chặng đường gần 50 năm dựng xây, phát triển của tỉnh Đắk Lắk mới thấy được thành tựu lớn lao, đáng tự hào. Nếu như năm 1976, Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu với kinh tế nông nghiệp thô sơ; vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 16,995 triệu đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội đạt 44,573 triệu đồng; tổng sản phẩm xã hội năm 1978 mới chỉ có 197,630 triệu đồng; giao thông đường bộ chủ yếu là hai trục Quốc lộ 14 và 26 đã bị hư hỏng nặng; giáo dục, y tế chưa phát triển; đời sống nhân dân rất khó khăn. Thì nay, Đắk Lắk đã trở thành địa phương khá trù phù và là trung tâm kinh tế, chính trị của vùng Tây Nguyên.
Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá (giai đoạn 2011 – 2015 đạt 8%/năm; giai đoạn 2016 – 2020 đạt 8,75%/năm; giai đoạn 2021 – 2023 đạt 7,07%/năm). Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2023 (GRDP – giá so sánh năm 2010) đạt trên 60.792 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 62,2 triệu đồng/người. Cơ cấu các ngành kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại, công nghiệp – xây dựng.
Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được quan tâm triển khai thực hiện, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, dự án tại tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 748,38 triệu USD; có 3 dự án ODA đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư 1.310,58 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai các thủ tục đề xuất đối với 4 dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi với tổng mức đầu tư khoảng 9.490 tỷ đồng.
Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng giáo dục, hạ tầng y tế... từng bước được đầu tư đồng bộ. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai thực hiện đã giúp bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay. Chất lượng giáo dục, y tế và đời sống văn hóa, tinh thần người dân được nâng lên; an sinh xã hội, chế độ, chính sách hỗ trợ người có công; công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, củng cố và tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
|
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 - đây là cơ sở cho việc hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong thời gian tới theo hướng tích hợp, tổng thể.
Trong đó, xác định định hướng chiến lược phát triển, cũng như thể hiện tầm nhìn dài hạn, khát vọng vươn lên nhằm nâng vị thế phát triển của tỉnh đến năm 2050, Đắk Lắk trở thành tỉnh có "Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo"; là điểm đến yêu thích, đáng sống, an ninh - an toàn; có nền kinh tế điển hình theo mô hình tăng trưởng xanh - tuần hoàn, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển thịnh vượng của cả nước. Vị thế phát triển của tỉnh trong cả nước được nâng lên rõ rệt, quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước…
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Đắk Lắk cần có tầm nhìn khơi thông các nguồn lực, giải tỏa tiềm năng, cơ hội phát triển; tạo ra những đột phá về cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”.
Trải qua quá trình hằng nghìn năm lịch sử, đặc biệt là truyền thống hào hùng 120 năm hình thành và phát triển, với khát vọng vươn tầm, bằng tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực, cùng tinh thần đoàn kết, kế thừa những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang nỗ lực thi đua, sáng tạo trong công tác, lao động, sản xuất, học tập, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra đưa Đắk Lắk phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, là trung tâm liên kết vùng và cực tăng trưởng của toàn vùng Tây Nguyên…
Thực hiện: Lan Anh – Như Quỳnh
Trình bày: N.T.K
Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk, PV, NSNA