(E-Magazine) Đảng viên trẻ là “rường cột” của buôn làng
Nhiều đảng viên trẻ sẵn sàng đảm nhận chức vụ bí thư chi bộ, trưởng thôn/buôn/tổ dân phố khi được tín nhiệm. Với trách nhiệm nêu gương của đảng viên cùng lòng nhiệt huyết, khát khao cống hiến của tuổi trẻ, họ tích cực xây dựng khối đoàn kết nội bộ, là "cầu nối" giữa Đảng với nhân dân, có những cống hiến thiết thực, góp phần quan trọng vào sự đổi thay ở các buôn làng.
Trước đây, bí thư chi bộ, trưởng thôn/buôn/tổ dân phố thường là cán bộ nghỉ hưu, đảng viên lớn tuổi, người uy tín, có nhiều kinh nghiệm sống, nhưng gần đây, nhiều cấp ủy, chính quyền các cấp mạnh dạn bố trí đảng viên trẻ đảm trách. Sự thay đổi này đã và đang tạo nên "làn gió mới" ở các buôn làng.
Năm 2004, anh Nông Văn Gióng (SN 1987) dân tộc Tày, cùng gia đình rời quê hương Cao Bằng thôn 13, xã Ia R'vê (huyện Ea Súp) lập nghiệp theo chương trình di dân, giãn dân của tỉnh. Mỗi gia đình được cấp 1 sào đất ở và 2 ha đất sản xuất. "Điều kiện sống khó khăn trăm bề, nước sinh hoạt phải lấy từ sông Sêrêpốk... khiến nhiều gia đình bỏ đất, bỏ nhà cửa đi tìm vùng đất mới', anh Gióng nhớ lại.
Được chính quyền địa phương, đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn hỗ trợ, một số hộ dân còn lại quyết tâm bám trụ vùng biên, bám chặt "vùng đất khó" xây dựng quê hương mới. Bản thân anh Gióng, ngoài chăm chỉ phát triển kinh tế gia đình, rất năng nổ, nhiệt tình với công việc của thôn, xóm.
Chính thời điểm khó khăn nhất ấy, anh Gióng quyết đeo đuổi sự học dang dở để có nền tảng kiến thức cơ bản chuẩn bị cho dự định trong tương lai. Năm 2015, anh nhận bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc văn hóa; vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng; được bà con thôn 13 tin yêu, tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn khi mới 28 tuổi.
Khi đảm nhiệm vị trí trưởng thôn, thôn 13 có 150 hộ nghèo, số gia đình đủ ăn, đủ mặc chỉ "đếm được trên đầu ngón tay". Trưởng thôn Gióng rất trăn trở và càng quyết tâm cùng người dân tìm cách vươn lên thoát nghèo.
Sau quá trình tìm hiểu kỹ, anh Gióng quyết định đưa cây mía về trồng thử nghiệm trên 2 ha đất của nhà mình. Kết quả, cây mía cho năng suất cao. Tuy nhiên, người dân thôn 13 không mặn mà vì việc mua cây giống và phải vận chuyển mía nguyên liệu sang tận Nhà máy mía đường Đắk Nông (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) bán khiến chi phí tăng lên. Hiệu quả kinh tế của cây mía đem lại không tăng so với các cây trồng trước đó.
Không nản lòng, anh Gióng tiếp tục vận động người dân gắn bó với cây mía. Rồi niềm vui cũng đến với người dân vùng biên, năm 2016 Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk triển khai Dự án di dời Nhà máy mía đường Đắk Nông đến địa bàn xã Ya Tờ Mốt (giáp ranh xã Ia R’vê). Nhận thấy cơ hội, lại nắm chắc kỹ thuật trồng, chăm sóc, anh Gióng thuê 40 ha đất của người dân trong thôn và nhà máy (ở xã Ya Tờ Mốt) để trồng mía, mỗi năm thu về gần 300 triệu đồng.
Từ chỗ ngần ngại, đến nay thôn 13 có 20 hộ trồng mía với diện tích hơn 280 ha, đưa xã vùng biên Ia R'vê trở thành một trong những vùng nguyên liệu mía của huyện Ea Súp. Nhiều hộ trong thôn đã đủ ăn và có "của ăn của để". Thôn 13 có 30 hộ tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, trong đó có 20 hộ thoát nghèo bền vững".
Tại thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng), dù mới được tăng cường về cơ sở khoảng 2 năm nay, song chị H'Nguen Niê Kđăm (SN 1992), Bí thư Chi bộ buôn Wiao A) đang dần trở thành nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ê đê.
Sau gần 10 năm tham gia công tác Đoàn, tháng 9/2022 chị được điều động làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Krông Năng và được Đảng ủy thị trấn chỉ định giữ chức Bí thư Chi bộ buôn Wiao A với 25 đảng viên, 100% đảng viên là người dân tộc thiểu số. Khi mới đảm nhận cương vị này, vừa là đảng viên trẻ, vừa là phụ nữ nên H'Nguen khá băn khoăn, lo lắng bởi đây là vị trí cần có nhiều kinh nghiệm, uy tín.
Tuy nhiên, với sự năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm cao với công việc, chị H'Nguen nhanh chóng tạo được niềm tin và ủng hộ của chi ủy, đảng viên trong chi bộ. Chị nhanh chóng nắm bắt tình hình, rà soát lại quy chế hoạt động, các nghị quyết, kế hoạch chi bộ đã ban hành, cùng tập thể xây dựng, duy trì khối đoàn kết, thống nhất trong đảng.
Là người đứng đầu cấp ủy, trong các buổi họp, nữ bí thư chi bộ H’Nguen đã lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn văn hóa truyền thống; khơi gợi và lan tỏa tình yêu văn hóa đến với người dân; đặc biệt động viên, khuyến khích thế hệ trẻ học đánh chiêng, chơi nhạc cụ truyền thống…
Trăn trở trước việc nhiều giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một, lớp trẻ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống, chị H'Nguen cùng Ban tự quản buôn đến từng nhà già làng, nghệ nhân trong buôn biết đánh cồng chiêng, biết chế tác, sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc gặp gỡ, trò chuyện, vận động truyền dạy cho thanh - thiếu niên.
Hiện nay, buôn Wiao A đã thành lập Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ gồm 25 thành viên, với nhiều độ tuổi. Hằng năm, vào dịp hè, nghệ nhân trong buôn tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng, chiêng và sử dụng ít nhất một loại nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu niên.
Từ nỗ lực của các già làng, người có uy tín, nghệ nhân trong buôn, đặc biệt là nữ bí thư chi bộ "nặng lòng" với văn hóa truyền thống H'Nguen, giờ đây người dân buôn Wiao A dần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống. Không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhờ sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực của người dân, đời sống của bà con đang có nhiều thay đổi.
Đường giao thông của buôn được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên, với 215 hộ có thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm, chiếm 70% số hộ; hộ nghèo và cận nghèo chỉ còn 0,7%.
Tương tự, với sự năng động, nhiệt huyết, năm 2022 chị H’Tâm Kđoh được tín nhiệm giao trọng trách Bí thư Chi bộ buôn Cư Kanh (xã Ea Sin, huyện Krông Búk) - buôn có đến 80% dân số là người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Hiểu rõ khó khăn, cũng như tâm lý của bà con trong buôn là: "Không phải ai cũng hiểu chính sách, nghị quyết; và chấp hành sự lãnh đạo của một người tuổi chỉ bằng con, bằng cháu mình", chị H'Tâm dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những cách làm mới, mô hình hay để vận dụng khéo léo, linh hoạt vào thực tế của chi bộ, của địa phương mình.
Để hoàn thành nhiệm vụ "Đảng cử, dân tin", Bí thư Chi bộ H’Tâm đã đưa ra giải pháp cho các vấn đề “nan giải” tại chị bộ như: nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ; phát huy vai trò tiên phong của đảng viên trên các lĩnh vực, lan tỏa tinh thần nhiệt huyết của mình tới đoàn viên, thanh niên trong thôn.
Thành thạo công nghệ thông tin, chị H’Tâm tận dụng lợi thế của mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của buôn Cư Kanh, của xã Ea Sin. Chị trực tiếp kết nối các sản phẩm rượu cần, thổ cẩm của địa phương, rồi phân phối ở các tỉnh, thành phố TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương…
Năm 2023, Đảng bộ xã Ea Sin triển khai Nghị quyết về "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn liền với phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030".
Thông qua việc xây dựng phương án sắp xếp không gian các điểm du lịch cộng đồng, tận dụng thế mạnh của một số người dân trong buôn Cư Kanh có tay nghề về mây, tre đan để thành lập Tổ hội nghề nghiệp.
Buôn Cư Kanh là một trong những địa chỉ cộng đồng có các sản phẩm văn hóa truyền thống nhằm giới thiệu cho khách du lịch mỗi dịp tham quan xã Ea Sin và tham quan huyện Krông Búk.
Đảng bộ tỉnh có 20 đảng bộ trực thuộc, với 865 tổ chức cơ sở đảng, 13 đảng bộ bộ phận, 4.784 chi bộ trực thuộc, 89.340 đảng viên; trong đó độ tuổi từ 18 - 30 có 17.309 đảng viên (chiếm 19,62%), từ 31 - 35 tuổi có 14.624 đồng chí (chiếm 16,58%).
Nhằm bổ sung nguồn sinh lực mới, góp phần trẻ hóa đội ngũ, bảo đảm sự kế thừa và phát triển của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên trong đoàn viên, thanh niên.
Từ đầu nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác phát triển đảng viên luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nghị quyết 01-NQ/TU, ngày 2/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu, bình quân hằng năm kết nạp mới từ 2 - 3%/tổng số đảng viên trở lên.
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, giao chỉ tiêu đến từng đảng bộ trực thuộc để triển khai thực hiện. Trên cơ sở nghị quyết, chỉ thị, các văn bản hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh đã phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đảng bộ để triển khai thực hiện công tác phát triển đảng viên đến các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ đảng viên.
Các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về Đảng; tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động, phong trào. Qua đó, phát hiện, giới thiệu những nhân tố điển hình cho cấp ủy, tổ chức đảng giới thiệu tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng để xem xét, kết nạp.
Với quyết tâm chính trị cao, công tác phát triển đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 -2025 đến nay, Đảng bộ tỉnh kết nạp được 8.180 đảng viên mới. Năm 2023, tỷ lệ đảng viên kết nạp của Đảng bộ tỉnh đứng 24/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương. Năm 2024, kết nạp được 3.061, đạt 108,78% chỉ tiêu được giao.
Trong điều kiện hiện nay, khi đất nước hội nhập sâu rộng; tình hình trong nước và trên thế giới có những biến động mới thì việc phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên trẻ càng trở nên quan trọng và cần thiết.
Nhưng thực tế cho thấy, ở các địa phương, người đứng đầu cấp ủy, trưởng thôn/buôn/tổ dân phố đa số đã lớn tuổi, nhưng vì trách nhiệm với địa phương nên đứng ra đảm nhận nhiệm vụ.
Họ có kiến thức, kinh nghiệm nhưng vì tuổi cao, sức khỏe hạn chế nên gặp những khó khăn nhất định trong quá trình công tác. Do đó, việc động viên, giao nhiệm vụ cho đảng viên trẻ, có sức khỏe, gắn bó với quê hương tham gia công tác ở địa phương là rất cần thiết.
Xuất phát từ thực tế trên, những năm gần đây, nhiều chi bộ ở cơ sở đã quan tâm động viên, giao nhiệm vụ cho đảng viên trẻ, có nhiệt huyết tham gia cấp ủy, chính quyền cơ sở. Toàn tỉnh có 176 đảng viên trẻ đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở cơ sở. Cụ thể, dưới 30 tuổi có 14 đồng chí là bí thư chi bộ, 17 đồng chí là trưởng thôn, buôn, tổ dân phố; từ 31 - 35 tuổi, có 65 đồng chí là bí thư chi bộ, 80 đồng chí là trưởng thôn, buôn, tổ dân phố. Việc cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị tạo điều kiện, môi trường, đặt niềm tin, giúp đảng viên trẻ nhận thức rõ hơn về ý thức, trách nhiệm đối với sự phát triển của địa phương, đất nước.
Đơn cử Đảng bộ huyện Krông Búk có 97 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố; trong đó 46 đảng viên trẻ đảm nhiệm chức vụ bí thư chi bộ/trưởng thôn, buôn, tổ dân phố. Theo đánh giá của Huyện ủy Krông Búk, thế hệ trẻ có kiến thức tốt về công nghệ, có khả năng áp dụng vào các công việc như: quản lý sản xuất, triển khai dịch vụ công trực tuyến hay phổ biến kiến thức cho bà con, qua đó nâng cao hiệu quả trong công việc. Họ nhiệt huyết, năng động và dễ dàng thích nghi với các nhiệm vụ mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển các phong trào tại địa phương, từ các dự án phát triển nông nghiệp bền vững đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục cộng đồng…
Hằng năm, Huyện ủy Krông Búk triển khai Kế hoạch phân công cấp ủy viên, cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện tham dự sinh hoạt định kỳ với các chi bộ trên địa bàn nhằm hỗ trợ các đảng viên trẻ đảm nhiệm các chức vụ bí thư, trưởng thôn/buôn/tổ dân phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Hay như, Đảng bộ huyện Krông Năng có 48 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với 5.186 đảng viên. Hiện nay, có 20 đảng viên dưới 40 tuổi nắm giữ chức vụ bí thư chi bộ thôn/buôn/tổ dân phố; trong đó, nữ làm bí thư chi bộ có 8 đồng chí, đảng viên trẻ là người dân tộc thiểu số làm bí thư chi bộ là 9 đồng chí.
Đội ngũ đảng viên trẻ nắm giữ chức danh bí thư chi bộ ở huyện Krông Năng dù ít kinh nghiệm nhưng bù lại cơ bản có trình độ, sức khỏe, sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, qua đó đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thực tiễn đã khẳng định, do vậy các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường sự lãnh đạo, phối hợp, tạo mọi điều kiện để thế hệ trẻ, đặc biệt là đảng viên trẻ phát huy năng lực, sở trường trong từng môi trường công tác, giúp họ có điều kiện cống hiến và trưởng thành.
Nội dung, hình ảnh: Thế Hùng - Hoàng Ân
Trình bày: Công Định