Báo Đắk Lắk điện tử
.

(E-Magazine) Nửa thế kỷ trên quê hương 10/3 anh hùng - Kỳ 2: Phấn đấu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

16:39, 08/03/2025
 

Không chỉ có những chiến tích oai hùng trong chiến tranh, sau 50 năm giải phóng (10/3/1975) từ một thị xã nhỏ bé, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân khó khăn, Buôn Ma Thuột ngày nay đã trở thành đô thị loại I có vai trò quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.

 

Sau khi đất nước được hòa bình, thống nhất, quân và dân các dân tộc thị xã Buôn Ma Thuột càng tin tưởng, đoàn kết, quyết tâm thực hiện mọi chủ trương, nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền cách mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, sau ngày giải phóng, quân và dân thị xã Buôn Ma Thuột cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

 
 

Nhớ về một thời đã qua, ông Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, sau ngày giải phóng, Buôn Ma Thuột bộn bề khó khăn, từ ổn định tình hình kinh tế, đời sống cho dân đến việc cấp bách là khẩn trương truy quét bọn phản động FULRO, ổn định an ninh trật tự. Mặc dù địch đã thua và rút chạy nhưng vẫn còn những phần tử âm mưu phá hoại, ngấm ngầm hoạt động chống đối.

Gọi là đô thị trung tâm cao nguyên nhưng thị xã Buôn Ma Thuột lúc đó chẳng khác gì một thị trấn hẻo lánh; đường sá chủ yếu là đường đất, đường mòn lầy lội, khó đi; nhà cửa, phố xá lụp xụp. Nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Lương thực, nhu yếu phẩm thiếu thốn nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng ủy Ban Quân quản đã họp bàn, thống nhất tổ chức một số cơ quan như: Ty Nông lâm nghiệp, Tài chính, Y tế, Giáo dục... mỗi đơn vị 3-4 người nhằm quản lý, vận hành từng lĩnh vực.

Ông Hà Ngọc Đào, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: “Thời điểm đó, ngành Giáo dục gặp khó khăn lớn về con người, cơ sở vật chất. Số người mù chữ còn nhiều, cả tỉnh chỉ có một trường cấp II ở Buôn Ma Thuột (nay là Trường THPT Buôn Ma Thuột). Vì vậy, sau giải phóng, ngành Giáo dục đã tổ chức lễ ra quân học bình dân học vụ tại thị xã Buôn Ma Thuột, từ đó phong trào lan tỏa đến các địa phương trong tỉnh. Những lớp học được mở liên tục cả ngày và đêm”.

 
 

Đặc biệt, ngay sau ngày giải phóng miền Nam, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương đưa dân từ các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh... đến Đắk Lắk làm kinh tế mới. Trong 10 năm (từ 1976 – 1985) tỉnh Đắk Lắk đã đưa vào các vùng kinh tế mới hơn 31.000 hộ dân, gần 194.000 khẩu, hơn 93.000 lao động.

Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã Buôn Ma Thuột cũng giảm bớt một số dân nội thị chưa có việc làm, đời sống khó khăn ra khai hoang, mở đất làm nông nghiệp ở các xã Cư Né, Hòa Hiệp (nay thuộc huyện Buôn Đôn), xã Ea Quang (huyện Krông Pắc), xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ).

 
 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng, mỗi người một nhiệm vụ, một công việc, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, chỉ đạo của chính quyền đã giúp người dân tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống, giữ vững an ninh – quốc phòng, xây dựng nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những kết quả này đã tạo đà để Buôn Ma Thuột bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển mới.

 

Buôn Ma Thuột nằm ở trung tâm của vùng Tây Nguyên, là địa bàn chiến lược quan trọng của khu vực và cả nước.

Từ một thị xã nhỏ bé bước ra từ chiến tranh, qua 20 năm xây dựng và phát triển, năm 1995, Buôn Ma Thuột được Chính phủ nâng cấp từ thị xã lên thành phố; năm 2005, được công nhận là đô thị loại II; năm 2010, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I.

Hàng loạt chính sách được ban hành thời gian qua cho thấy sự quan tâm của Trung ương đối với Buôn Ma Thuột. Đó là Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị với mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 9/7/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 67 của Bộ Chính trị.

 
 

Đặc biệt, Nghị quyết số 72/2022/QH15, ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột đã mở ra cơ hội cho TP. Buôn Ma Thuột phát triển bứt phá, tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Tranh thủ nguồn lực được bổ sung tăng thêm từ 45% định mức chi thường xuyên (hơn 336 tỷ đồng hằng năm) cùng với nguồn lực của địa phương, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, chuyển đổi số, hạ tầng đô thị và quản lý nhà nước.

Cụ thể hóa Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Tỉnh ủy, TP. Buôn Ma Thuột đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch chuyên đề quan trọng nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai; tăng cường thu hút nguồn lực, triển khai công trình trọng điểm; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, phối hợp hoàn thiện xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành trọng điểm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa, thể thao của vùng...

 
 

Hiện nay, một số dự án trọng điểm đang được Trung ương và tỉnh tập trung đầu tư như: cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột; Tỉnh lộ 1 và trên 15 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư đô thị mới tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt, kết nối khu trung tâm với các khu vực phía Đông, phía Tây của thành phố và với tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh lập đề xuất chủ trương đầu tư Dự án phát triển đô thị khu vực phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8.036 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2031.

 
 

Từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, sự nỗ lực của địa phương, TP. Buôn Ma Thuột đã có những công trình mang tầm vóc thể hiện sự vươn mình mạnh mẽ như: đường vành đai phía Tây, đại lộ Đông – Tây, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên..., góp phần làm cho diện mạo thành phố khang trang, hiện đại hơn, đời sống nhân dân được nâng cao về mọi mặt.

Ðiều đáng tự hào là đến nay, Buôn Ma Thuột vẫn gìn giữ, bảo tồn được nhiều buôn làng, nhà dài, lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa xen kẽ giữa những khu dân cư sầm uất, hiện đại, tạo cho Buôn Ma Thuột một bản sắc riêng không nhầm lẫn với các đô thị khác.

 
 

Một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hàng không… đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để Buôn Ma Thuột hiện thực hóa khát vọng trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

 
 

Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu năm 2030 TP. Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế; đến năm 2050, TP. Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế. Đây là những định hướng, căn cứ quan trọng hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực để TP. Buôn Ma Thuột "cất cánh", vươn xa.

Nằm trong dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc TP. Buôn Ma Thuột đã trải qua chặng đường lịch sử chiến đấu oanh liệt, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để xây dựng quê hương 10/3 anh hùng ngày càng phát triển, văn minh hiện đại.

 
 

50 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng đang nỗ lực thi đua, sáng tạo trong lao động, sản xuất, học tập, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, đưa TP. Buôn Ma Thuột phát triển từng ngày theo hướng “xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc” tương xứng với tiềm năng, lợi thế, là trung tâm liên kết vùng và cực tăng trưởng của toàn vùng Tây Nguyên…

Nội dung: Lan Anh – Như Quỳnh

Trình bày: Đức Văn 

Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk, PV

quê hương 10/3 khó khăn quốc phòng - an ninh 10/3 Nửa thế kỷ trên quê hương 10/3 Anh hùng

Ý kiến bạn đọc