Báo Đắk Lắk điện tử
.

(E-Magazine) Viết tiếp bản hùng ca nơi tuyến đầu Tổ quốc

22:29, 22/05/2025
 

50 năm qua (23/5/1975 - 23/5/2025), nơi mảnh đất biên cương đầy nắng gió, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã sống, chiến đấu và trưởng thành với một niềm tin sắt đá: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt". Họ không quản hy sinh, gian khổ, âm thầm viết nên bản hùng ca giữ nước nơi tuyến đầu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

 
 

Sau ngày 30/4/1975, người dân chưa kịp hưởng trọn vẹn niềm vui ngày giải phóng miền Nam, thống nhất non sông thì tổ chức phản động Pôn Pốt Iêng-xa-ri bên Campuchia được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động "chống lưng" đã thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại cực đoan, phản động, thực hiện diệt chủng với dân tộc Campuchia; tiến hành một số hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, phá hoại tình đoàn kết, hữu nghị láng giềng giữa hai dân tộc, hai nước Việt Nam - Campuchia. 

 
 

Trước tình hình đó, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) của tỉnh phải nhanh chóng được tăng cường, củng cố để thực hiện nhiệm vụ; đặc biệt, phải có lực lượng chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới. Do đó, ngày 28/3/1975, Bộ Tư lệnh CANDVT giao nhiệm vụ cho CANDVT tỉnh Lạng Sơn thành lập khung cơ quan Tỉnh bộ và các đồn, phân đội để tăng cường cho tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 8/5/1975, 166 cán bộ, chiến sĩ CANDVT tỉnh Lạng Sơn hành quân vào Đắk Lắk nhận nhiệm vụ.Ngày 23/5/1975, tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận lực lượng tăng cường; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định thành lập Đảng bộ CANDVT và chỉ định đồng chí Dương Đồng Cốc làm Bí thư Đảng ủy CANDVT Đắk Lắk. Từ đó, ngày 23/5/1975 được chọn là Ngày truyền thống của CANDVT Đắk Lắk, sau này là bộ đội biên phòng (BĐBP). 

 
 

Những ngày đầu thành lập, mặc dù đứng chân trên địa bàn có địa hình phức tạp, thời tiết hết sức khắc nghiệt, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và đời sống còn gặp nhiều khó khăn; các thế lực thù địch, tổ chức phản động FULRO tìm mọi cách chống phá cách mạng, cướp bóc, sát hại bà con các dân tộc ở Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, song với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, cán bộ, chiến sĩ ở các đồn, trạm CANDVT nhanh chóng triển khai lực lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc toàn vẹn tuyến biên giới của tỉnh. 

 
 

Trong 3 năm (từ 1976 - tháng 1/1979), lực lượng BĐBP Đắk Lắk đã sát cánh cùng quân và dân cả nước, chiến đấu kiên cường với hơn 185 trận đánh lớn, nhỏ, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch. Trong đó, ghi dấu ấn sâu đậm nhất là tinh thần chiến đấu ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Bu Prăng (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Lắk cũ, nay là huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) trong 47 ngày đêm với địch để giữ vững từng vị trí chiến lược quan trọng. 

 
 

Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, BĐBP tỉnh tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng, truy quét tàn quân FULRO, đồng thời xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên toàn tuyến.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính ủy BĐBP tỉnh chia sẻ, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk với phương châm "một tấc không đi, một ly không rời", đã cùng quân - dân, đồng bào các dân tộc khu vực biên giới bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt, bắt giữ hàng trăm tên địch và thu giữ nhiều vũ khí....

 
 

Toàn lực lượng BĐBP tỉnh có hơn 150 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc và hàng trăm người lính trẻ phải để lại một phần cơ thể ở vùng biên giới Đắk Lắk.

 

Với những chiến công và thành tích vẻ vang, BĐBP Đắk Lắk vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì; ngày 6/11/1978, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đồn Biên phòng Bu Prăng (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Lắk cũ, nay là huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông); nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng; trên 50 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an...

 

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 71 km đường biên tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Địa bàn biên giới của tỉnh có 4 xã thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Trên tuyến biên giới có 7 đồn biên phòng và 1 Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động.

 

Phát huy truyền thống của cha anh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh luôn nỗ lực trong học tập, rèn luyện; trau dồi bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồn Biên phòng Ea H'leo được giao quản lý gần 7 km biên giới nằm trên địa bàn xã Ia Lốp (huyện Ea Súp), tiếp giáp với huyện Co Nhec (tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia).

 

Ia Lốp là xã biên giới nằm cách xa trung tâm tỉnh hàng trăm ki-lô-mét, thổ nhưỡng, khí hậu ở đây hết sức khắc nghiệt, giao thông đi lại cách trở, trình độ dân trí thấp… nên đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm hơn 50%. 

Từ thực tế đó, nhiệm vụ đặt lên vai người lính biên phòng càng thêm nặng nề, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, vừa phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

 
 

Thiếu tá Nguyễn Phi Lành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ea H’leo cho biết, ở khu vực biên giới, hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Ngoài nhiệm vụ tuần tra, chủ động làm tốt công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình đối tượng, đơn vị tích cực phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

Là sĩ quan trẻ, Thượng úy Y Thân Niê, Đội trưởng vũ trang, Đồn Biên phòng Ea H’leo ý thức được trách nhiệm của mình trong việc kế thừa, tiếp nối truyền thống của cha anh đi trước. Khi lên biên giới nhận nhiệm vụ, những người lính trẻ như anh luôn yên tâm tư tưởng công tác.

 

Trong quá trình tuần tra, mỗi khi có sự tham gia của các lực lượng chức năng khác và nhân dân, Thượng úy Y Thân đã giới thiệu, hướng dẫn chi tiết về đường biên, cột mốc; phổ biến quy chế, quy định của pháp luật liên quan đến biên giới. Qua đó, giúp những người tham gia tuần tra nâng cao ý thức, nhận thức và cùng lan tỏa đến nhân dân trong vùng, để từ đó phối hợp với lực lượng BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh biên giới quốc gia.

 
 

Nhiều năm nay, chị Hà Thị Phê (ở thôn Đừng Nhạp, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) cùng với Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ vùng biên nên hiểu rõ nỗi vất vả của người lính. Chị cho hay, hơn 20 năm nay, đông đảo người dân tộc Thái di cư vào sinh sống trên địa bàn xã Ia Lốp đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của những người lính quân hàm xanh trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Sau khi định canh, định cư người dân đã nâng cao ý thức, tích cực tham gia tuần tra bảo vệ khu vực biên giới với BĐBP.

 
 

Tương tự Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 13,3 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) và phụ trách địa bàn xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) - một trong những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khó khăn nhất của tỉnh.

Trung tá Nguyễn Văn Kiều, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk thông tin, thời gian qua, hoạt động tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc được cán bộ, chiến sĩ đơn vị thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức như: đột xuất, tuần tra song phương, tuần tra theo kế hoạch.

 
 

Theo chân người lính biên phòng trên những nẻo đường tuần tra, chúng tôi đã phần nào thấu hiểu được nỗi vất vả, hy sinh thầm lặng của họ. Bất kể thời gian ngày hay đêm, thời tiết nắng mưa, cán bộ, chiến sĩ không một phút giây lơi lỏng khi thực hiện nhiệm vụ. Một số lính trẻ tâm sự, một năm có 365 ngày, người lính biên phòng hầu như dành hết thời gian để bảo vệ đất nước, chỉ còn vỏn vẹn 30 ngày phép dành cho gia đình. Vậy nên, họ quý từng giây, từng phút bên gia đình, người thân.

Vào các dịp lễ, tết, khắp mọi miền Tổ quốc, người người nhà nhà sum vầy bên gia đình, bạn bè nhưng người lính vẫn lặng thầm giữ bình yên cho Tổ quốc, cho người dân có những ngày vui trọn vẹn. Họ hy sinh hạnh phúc riêng tư, gửi toàn bộ thanh xuân, tuổi trẻ của mình cho biên cương. Các anh chỉ vui và hạnh phúc khi chủ quyền biên giới được giữ vững, người dân có cuộc sống bình yên.

 

Khu vực biên giới của tỉnh có 4 xã với 38 thôn, buôn thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Nơi đây có hơn 6.700 hộ dân thuộc 26 dân tộc cùng sinh sống. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng biên còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí không đồng đều.

Bám nắm, thấu rõ địa bàn BĐBP Đắk Lắk tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới.

 
 

Chị H’Lăng Niê Kđăm (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) làm mẹ đơn thân, không có việc làm ổn định, chật vật nuôi hai con đang tuổi học. Năm 2024, chị được BĐBP tỉnh hỗ trợ bò giống để thêm sinh kế. Không chỉ vậy, BĐBP còn nhận đỡ đầu con gái chị là cháu H’Hải Niê theo chương trình “Nâng bước em đến trường” trong nhiều năm qua, và tặng xe đạp để cháu có phương tiện đến trường.

Chị H'Lăng vui mừng nói: "Được bộ đội biên phòng san sẻ, giúp đỡ, tôi đã bớt nhiều gánh nặng kinh tế gia đình. Sự động viên của các cán bộ, chiến sĩ giúp con cái yên tâm học tốt. Còn bò giống mà các chú tặng được tôi chăm sóc rất kỹ, nay đã sinh thêm được bê con, gia đình vui lắm".

 
 

Không riêng gia đình chị H’Lăng Niê Kđăm, trên vùng biên còn nhiều khó khăn, BĐBP tỉnh không ngừng hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành cùng người yếu thế.

 
 

BĐBP tỉnh cũng đã mở 3 lớp học xóa mù chữ với 150 quần chúng tham gia; xây dựng 3 Phòng khám Quân - Dân y trên địa bàn 3 xã biên giới, trị giá 1,5 tỷ đồng để khám, chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho nhân dân; triển khai 4 mô hình “Thắp sáng đường quê” trị giá trên 200 triệu đồng.

Ngoài ra, còn tích cực, chủ động tham mưu, hỗ trợ địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí, phần việc mà BĐBP tỉnh có thế mạnh như: tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng nhà ở dân cư, đường giao thông, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập...

 
 

Ông Lang Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) tâm tình: “Ia Lốp là địa bàn biên giới có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hạ tầng chưa đồng bộ, trình độ dân trí ở một số nơi còn hạn chế và bà con vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức về sinh kế. Giữa muôn khó khăn ấy, sự hiện diện của BĐBP càng trở nên đặc biệt. Họ không chỉ vững tay súng bảo vệ bình yên biên giới, mà còn trực tiếp góp phần nâng cao cuộc sống cho nhân dân bằng rất nhiều mô hình, hoạt động thiết thực và nghĩa tình”.

 
 

 

 

Nửa thế kỷ đã trôi qua, những người lính mang quân hàm xanh nơi biên giới Đắk Lắk đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để cho quê hương được yên bình. Họ đã viết nên một bản anh hùng ca bất diệt, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của tỉnh Đắk Lắk và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Dự báo, bên cạnh những thuận lợi, tình hình thế giới, khu vực, trong nước vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp khó lường đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh cao hơn, nặng nề hơn. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, BĐBP tỉnh sẽ tập trung xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, triển khai có hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tiếp tục thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

"Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, BĐBP tỉnh sẽ tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng khu vực biên giới ngày càng phát triển, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - Đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính ủy BĐBP Đắk Lắk khẳng định.

Nội dung, hình ảnh: Thế Hùng - Quỳnh Anh và CTV

Trình bày: Đức Văn


Ý kiến bạn đọc