Kỳ 2: Tiếp lửa tri ân
![]() |
Những nỗ lực trong hành trình "tri ân xoa dịu nỗi đau", không chỉ bằng chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước, mà còn qua muôn vàn nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng.
Từ những mái nhà tình nghĩa, các suất trợ cấp, đến hình ảnh những cựu chiến binh, thương binh vượt khó, giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, dựng xây cuộc sống mới… là minh chứng sống động cho tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, cho sức mạnh của tình người, của sự gắn kết, yêu thương, sẻ chia và lòng biết ơn sâu sắc. Và trong từng nghĩa cử ấy là sự nhắc nhớ: Sẽ không ai bị lãng quên, không hy sinh nào là vô nghĩa…
![]() |
Sau những “dấu lặng” mà chiến tranh để lại, những người con anh dũng của dân tộc như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Huy Nghệ, Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Chúng, hay thương binh Nguyễn Văn Kiệt, dù đã trải qua bao nỗi đau và mất mát, vẫn tiếp tục tỏa sáng bằng ý chí kiên cường và những đóng góp thầm lặng, ý nghĩa cho xã hội.
Dù đã rời quân ngũ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Huy Nghệ vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na từ năm 2006 đến 2020. Với gần 100 cựu chiến binh các thời kỳ trong chi bộ, ông đã dẫn dắt phong trào cựu chiến binh ở địa phương trở thành một trong những lực lượng tiên phong của địa phương.
![]() |
![]() |
Từ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo đến góp ngày công làm đường, xây dựng nhà Tình nghĩa… các cựu binh nơi đây luôn là lực lượng đi đầu. “Hình ảnh người Bộ đội Cụ Hồ, nếu được khơi dậy đúng lúc, đặt vào đúng hoàn cảnh, thì vẫn luôn là nguồn sức mạnh lớn lao, lan tỏa giá trị sống tích cực và tạo dựng niềm tin trong cộng đồng…”, ông Nghệ chia sẻ như một lời đúc kết giản dị nhưng sâu sắc về phẩm chất của người lính trong thời bình.
Còn Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Chúng, dù nay đã không còn khỏe mạnh, nhưng căn nhà nhỏ của Mẹ vẫn là một “địa chỉ đỏ” cho tuổi trẻ tìm về, lắng nghe những câu chuyện chân thực về một thời chiến tranh gian khổ, qua đó hun đúc tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc.
![]() |
![]() |
Với nhiều bạn trẻ, mỗi lần đến thăm Mẹ là một dịp được tiếp cận lịch sử từ đó hiểu sâu sắc hơn giá trị thiêng liêng của hòa bình hôm nay. Em Phan Hồ Ngọc Lai, học sinh lớp 12, Trường THPT Cư M’gar xúc động bày tỏ: “Câu chuyện của Mẹ khiến em thấm thía hơn những mất mát mà thế hệ cha anh đã trải qua để bảo vệ nền độc lập. Em thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn với quê hương và biết trân trọng những gì mình đang có”.
Nơi khu phố Liên Trì 2, phường Bình Kiến, thương binh Nguyễn Văn Kiệt vẫn ngày ngày chăm sóc hơn 2.000 gốc mai, quất. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội Cựu chiến binh, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, khu phố không có ma túy…
![]() |
Dù cơ thể không lành lặn, nhưng bằng ý chí, bằng tình yêu với cuộc sống, người thương binh Nguyễn Văn Kiệt đã tự mình gieo trồng mùa xuân. Mỗi nhành mai, mỗi chậu quất trong khu vườn ấy không chỉ mang lại thu nhập, mà còn là biểu tượng của mùa xuân, của sự vươn lên từ những nỗi đau, mất mát, nhọc nhằn.
![]() |
Tri ân người có công với cách mạng là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cụ thể hóa bằng nhiều việc làm thiết thực. Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chính sách thiết thực, lan tỏa sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, thân nhân liệt sĩ.
Hiện toàn tỉnh đang chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho hơn 18.000 người có công và thân nhân với tổng kinh phí gần 54 tỷ đồng/tháng. Riêng năm 2024, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh huy động được gần 14 tỷ đồng, góp phần xây mới, sửa chữa 143 căn nhà Tình nghĩa; tặng 101 sổ tiết kiệm và hỗ trợ kịp thời cho các gia đình chính sách khi ốm đau, gặp khó khăn.
![]() |
![]() |
Theo ông Lê Đức Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, hiện nay 53/53 Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Các gia đình có công với cách mạng đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn thu nhập trung bình tại địa phương. 100% xã, phường làm tốt công tác chăm sóc người có công, từ y tế, nhà ở đến chính sách an sinh xã hội”.
Tinh thần tri ân ấy còn được tuổi trẻ Đắk Lắk tiếp nối bằng hàng loạt hoạt động thiết thực. Anh Nguyễn Thao Giang, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk cho biết: Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động hướng về gia đình chính sách, người có công, thể hiện tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa” và “Uống nước nhớ nguồn”.
![]() |
Các hoạt động bao gồm như thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa tri ân người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức “Bữa cơm sum vầy, ấm áp yêu thương”, chương trình “Bữa cơm nghĩa tình” tại nhà của Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân của người có công với cách mạng; khám chữa bệnh cho các bà, các mẹ; nhắn tin “Tri ân liệt sĩ”; trao tặng ảnh phục dựng chân dung liệt sĩ cho các gia đình thân nhân liệt sĩ; trao học bổng cho con em gia đình người có công với cách mạng; ra quân tình nguyện làm vệ sinh môi trường; tu sửa, chỉnh trang các bia, đài tưởng niệm, nhà tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ… trồng thêm cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Hằng năm 100% các cơ sở Đoàn đều tổ chức Lễ thắp nến tri ân, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ vào tối ngày 27/7, trao tặng hơn 5000 suất quà cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, tặng hơn 2000 suất quà học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng mới ít nhất 2 ngôi nhà tình thương…
![]() |
Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng và tinh thần xung kích của tuổi trẻ, những vết thương chiến tranh đang dần được hàn gắn không chỉ bằng chính sách, mà bằng lòng biết ơn cùng những tình cảm chân thành. Và cũng từ những nghĩa cử hôm nay để ta nhận ra, tri ân không chỉ là bù đắp cho quá khứ, mà còn là trách nhiệm sống của hiện tại, là hành động nối dài, tiếp bước của tương lai.
(Hết)
Nội dung: Lan Anh - Như Quỳnh - Kim Chi
Ảnh: PV, CTV
Trình bày: Công Định