Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng

16:35, 27/06/2019

Sáng 27-6, tại Hà Nội, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình)
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình)

Ngày 22 - 4 - 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Chỉ thị đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này. Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí và nhân dân đã vào cuộc tích cực trong công tác PCTN. Nhờ đó, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan khi giải quyết công việc. Thực trạng này đã gây bức xúc, xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã trình bày tham luận về thực trạng và giải pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đồng thời tham gia ý kiến, đề xuất một số giải pháp tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, như: Minh bạch hệ thống pháp luật; đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin - cho; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra và xử lý các hành vi tham nhũng đối với những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; thực hiện thực chất, hiệu quả trong tiếp công dân định kỳ cũng như đột xuất...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cũng như mỗi cán bộ, công chức, viên chức cùng quyết tâm tổ chức thực hiện các biện pháp, nội dung yêu cầu của Chỉ thị số 10 một cách nghiêm túc, thực chất, đạt hiệu quả cao, góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, sau hội nghị các ngành, địa phương phải có kế hoạch cụ thể để triển khai và đưa Chỉ thị này vào cuộc sống; phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, vị trí nhạy cảm để tăng cường các biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN; phải coi đấu tranh, PCTN là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài; đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thi hành pháp luật...

Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.