Multimedia Đọc Báo in

Biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng, góp phần củng cố niềm tin vào Đảng

09:02, 11/10/2019

Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 và Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, công tác biên soạn lịch sử Đảng càng được nâng cao, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW và 2 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác biên soạn lịch sử Đảng của tỉnh đã đi vào nền nếp và đạt nhiều kết quả tích cực. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu triển khai nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng địa phương; nghiên cứu, tổng kết những vấn đề thuộc về lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của tỉnh, đến nay đã biên soạn và xuất bản được hơn 100 ấn phẩm lịch sử.

Trong đó, đối với cấp tỉnh, bên cạnh 3 tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh (giai đoạn 1930 - 1954, giai đoạn 1954 - 1975 và giai đoạn 1975 - 2005), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn, xuất bản một số sách chuyên đề về lịch sử, trong đó một số ấn phẩm nổi bật như: Địa chí Đắk Lắk; Buôn Ma Thuột - Trận đánh lịch sử; Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột 1930 - 1945; Những ký ức về Nhà đày Buôn Ma Thuột; Những năm tháng không thể nào quên; Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Đắk Lắk; Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk 100 năm hình thành và phát triển; Hồi ức mùa xuân; Người Tây Nguyên theo Đảng theo Bác Hồ (3 tập); Tiểu sử tóm tắt các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk 1945 - 2005; Hồi ký đi trọn tuổi xanh; Tiếng nổ rung chuyển cao nguyên…

Đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu góp ý tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ vào nội dung bản thảo cuốn sách
Đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu góp ý tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ vào nội dung bản thảo cuốn sách "Lịch sử khu căn cứ cách mạng phía Nam tỉnh Đắk Lắk 1965 - 1975" . Ảnh: H.Gia

Đối với cấp huyện, đến nay có 13/15 huyện, thành phố đã biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ đến giai đoạn 2000 - 2015, còn 2 huyện, thị do mới thành lập nên chưa đủ thời gian triển khai biên soạn (huyện Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ). Có 2 huyện xuất bản sách kỷ yếu các kỳ đại hội đảng bộ huyện và 1 huyện xuất bản sách kỷ yếu huyện ủy. Đối với cấp xã, từ khi triển khai Đề án nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 303 - QĐ/TU, ngày 25-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn đạt được một số kết quả nhất định. Đến nay, đã biên soạn, xuất bản được 14 sách lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn. Có 14/15 huyện, thị, thành phố đang tiến hành biên soạn 39 công trình lịch sử. Trong đó, nổi bật có Thành ủy Buôn Ma Thuột và Huyện ủy Krông Pắc triển khai biên soạn 5 công trình, Huyện ủy M’Đrắk triển khai biên soạn 4 công trình, các địa phương còn lại biên soạn từ 1 đến 3 công trình.

 

“Công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng giáo dục truyền thống cách mạng, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết các dân tộc, ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức xây dựng địa phương, đơn vị ngày càng phát triển, vững mạnh”.

 

 
 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn

Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ vào nội dung bản thảo cuốn sách "Lịch sử khu căn cứ cách mạng phía Nam tỉnh Đắk Lắk 1965 - 1975" mới được Tỉnh ủy tổ chức vào giữa tháng 8-2019, đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống được xuất bản đã đảm bảo tính Đảng, tính lịch sử, khách quan, khoa học, thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo trong triển khai thực hiện của từng đơn vị, địa phương.

Các đề tài về lịch sử đã thu hút đông đảo cán bộ lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử, cán bộ chủ chốt tham gia đóng góp, bổ sung với nhiều tư liệu, sự kiện lịch sử có giá trị về mặt khoa học, lịch sử. Công tác sưu tầm tư liệu và biên soạn rất công phu, các cuốn lịch sử đều được tổ chức hội thảo khoa học, lấy ý kiến đóng góp của cán bộ lãnh đạo, lão thành cách mạng qua các thời kỳ. Nhiều công trình đã chú ý tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, ngành, đặc biệt là bài học kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Đồng chí Ama H'Oanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ vào nội dung bản thảo cuốn sách
Đồng chí Ama H'Oanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ vào nội dung bản thảo cuốn sách "Lịch sử khu căn cứ cách mạng phía Nam tỉnh Đắk Lắk 1965 - 1975" . Ảnh: H.Gia

Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn tài liệu, mở các lớp tập huấn công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn cho cán bộ Ban Tuyên giáo cấp huyện; cấp ủy, cán bộ tuyên giáo xã, phường, thị trấn. Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử góp phần quan trọng làm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, về truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh. Qua đó góp phần định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử cách mạng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.

Tuệ Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.