Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri (Tiếp theo và hết)

11:25, 12/12/2019

Cử tri đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí xây dựng các công trình thủy lợi để phục vụ nước ở những vùng sản xuất chưa chủ động được nước tưới.

Hiện nay toàn tỉnh có 782 công trình thủy lợi gồm 607 hồ chứa nước, 118 đập dâng và 57 trạm bơm. Tỷ lệ bảo đảm tưới chủ động đạt khoảng 79,4% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Để giải quyết nhu cầu tưới nước cho cây trồng trên địa bàn tỉnh, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn để cấp nước tưới như: Công trình Kông Pắc Thượng có năng lực tưới thiết kế 12.750 ha trên địa bàn huyện Ea Kar, Krông Pắc; hồ Ea H’leo 1 năng lực tưới thiết kế 5.000 ha của huyện Ea H’leo và tuyến kênh mương lấy nước từ công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơ (công trình đầu mối trên địa phận tỉnh Gia Lai) để dẫn nước tưới cho 4.000 ha trên địa bàn huyện Ea Súp. Ngoài ra, hằng năm UBND tỉnh cũng đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới các công trình thủy lợi bằng nguồn vốn ODA, ngân sách tỉnh… để bảo đảm tưới nước cho diện tích cây trồng theo thiết kế và mở rộng diện tích tưới cho cây trồng có nhu cầu tưới trên địa bàn tỉnh.

Với những diện tích cây trồng có nhu cầu tưới còn lại, đề nghị các địa phương chỉ đạo các phòng, ban chức năng kiểm tra, xem xét báo cáo UBND tỉnh, HĐND tỉnh để đưa vào kế hoạch đầu tư công và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công.

Công trình thủy lợi Krông Búk Hạ. Ảnh minh họa: Minh Thông
Công trình thủy lợi Krông Búk Hạ. Ảnh minh họa: Minh Thông

Cử tri huyện M’Đrắk đề nghị sáp nhập Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ Điện - Nước huyện M’Đrắk về Điện lực Ea Kar để đầu tư điện vùng lõm và phục vụ điện sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân, tránh tình trạng người dân vừa kéo đường dây vừa phải chi trả số tiền điện hằng tháng cao hơn so với các hộ khác.

Ngày 8-6-2018 Sở Công thương có báo cáo số 89/BC-SCT về kết quả kiểm tra, rà soát thực trạng tình hình hoạt động điện lực đối với các HTX bán lẻ điện nông thôn. Nội dung báo cáo có nêu: Khi HTX điện muốn bàn giao hệ thống lưới điện nhưng ngành điện tiếp nhận lại không có cơ chế hoàn trả vốn đầu tư xây dựng lưới điện, không giải quyết việc tiếp nhận lao động từ HTX điện… thì rất khó có thể thực hiện công tác giao nhận. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao, nhận lưới điện của các HTX cho Công ty Điện lực, Sở Công thương đã đề nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính có những quy định, hướng dẫn cụ thể về hoạt động của các HTX điện và cách thức thực hiện việc giao nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các HTX điện. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên chưa thể thực hiện. HTX kinh doanh dịch vụ Điện  - Nước huyện M’Đrắk vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh mua bán điện.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng điện của người dân trên địa bàn, hiện nay, HTX kinh doanh dịch vụ Điện  - Nước huyện M’Đrắk đang từng bước nâng cấp hệ thống lưới điện, triển khai kéo điện đến vùng lõm của các xã, thị trấn, bảo đảm 100% hộ dân trên các địa bàn mà HTX phụ trách đều có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Cử tri trên địa bàn tỉnh phản ánh việc rà soát hộ nghèo chưa chính xác, có một số hộ dân lợi dụng để được hưởng chế độ hộ nghèo. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, kiểm tra.

Theo Điều 3, Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28-6-2016 của Bộ  Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, về cơ bản, hằng năm các địa phương đã thực hiện đúng quy trình rà soát. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn tình trạng chưa thực hiện đầy đủ quy trình, họp dân thống nhất kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo còn mang tính hình thức; công tác kiểm tra, phúc tra của một số huyện, xã chưa sâu sát; một số cán bộ địa phương thiếu tinh thần trách nhiệm, có tâm lý nể nang nên rà soát hộ nghèo chưa chính xác; một bộ phận hộ dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại để được hưởng chính sách đối với hộ nghèo.

Để công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo bảo đảm đúng quy trình, chính xác, dân chủ, công khai theo quy định cần có sự tham gia của các cấp, ngành và chính người dân. Với nội dung cử tri phản ánh, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và hội, đoàn thể các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác lãnh đạo, giám sát để công tác kiểm tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo đúng quy định.

Tòa soạn

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.