Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới tuyển chọn cán bộ

Giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thúc đẩy phát triển ngành, địa phương, đơn vị

18:38, 02/03/2020

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là gốc của công việc, muôn việc thành công hay thất bại là do chọn cán bộ tốt hay kém”, muốn ngành hay địa phương phát triển phải chọn được cán bộ có đức, có tài.

Đắk Lắk đang trên đường phát triển để xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên rất cần cán bộ giỏi ở các ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã và đang đổi mới công tác tuyển chọn một khâu quan trọng trong công tác cán bộ với mục tiêu là “tìm người tài, không tìm người nhà” như lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói.

Căn cứ nào để chúng ta đổi mới công tác cán bộ?

Trước hết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy căn cứ vào Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”; Thông báo Kết luận số 2020, ngày 26-5-2015 của Bộ Chính trị về “Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”; Công văn số 3135-CV/VPTW, ngày 16-1-2017 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo kết luận của Ban Bí thư về “chủ trương thí điểm thi tuyển lãnh đạo quản lý”.

Thứ hai, căn cứ Công văn 2424/BNV-CCVC, ngày 9-5-2017 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.

Thứ ba, căn cứ Công văn số 10281-CV/BTCTW, ngày 6-1-2020 của Ban Tổ chức Trung ương và Công văn số 6625/BNV-CCVC, ngày 31-12-2019 của Bộ Nội vụ “cho ý kiến về đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về việc tiếp tục thi tuyển lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng và đổi mới cách tuyển chọn Bí thư cấp ủy, cấp huyện”.

Trên cơ sở các văn bản nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 20-QĐ/TU, ngày 8-2-2020 về thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở và Quy chế số 02-QC/TU, ngày 8-2-2020 về “thí điểm tuyển chọn bí thư cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện” nhằm thực hiện chủ trương trên.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường .Ảnh Lê Thành
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường (đứng giữa) tham quan mô hình tưới nước tiết kiệm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar). Ảnh: Lê Thành


Về cách làm đổi mới thế nào?

Trước hết Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện đúng các quy chế, quy định của Đảng về công tác cán bộ, không thay đổi quy trình, quy định, chỉ đổi mới một khâu quan trọng là tuyển chọn cán bộ. Theo đó, đối với chức danh cán bộ cấp sở, cấp phòng thì tổ chức thi tuyển theo quy định tại văn bản số 2424 của Bộ Nội vụ và kinh nghiệm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp cục của Ban Tổ chức Trung ương; để chọn được cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định bổ nhiệm.

Đối với chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện, Ban Thường vụ lựa chọn ít nhất từ 3-5 đồng chí đủ điều kiện tiêu chuẩn theo đúng quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, có trong quy hoạch tương đương, sau đó bố trí thời gian để làm chương trình hành động, trình bày chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chọn đồng chí có năng lực nổi trội, giới thiệu để tiến hành quy trình công tác cán bộ theo đúng quy định (quy trình 3 bước đối với cán bộ nguồn từ nơi khác chuyển đến, hoặc quy trình 5 bước đối với cán bộ nguồn tại chỗ), nếu quy trình này đạt yêu cầu thì ra quyết định chỉ định hoặc bầu cử theo đúng quy định hiện hành để có cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trường hợp không đạt yêu cầu sẽ chọn người kế tiếp thứ 2 để làm quy trình cán bộ theo quy định.

Việc đổi mới này có lợi gì? Việc đổi mới cách tuyển chọn cán bộ này, có 5 cái lợi sau đây:

Một là, giúp Ban Thường vụ chọn được cán bộ thực tài. Ban Thường vụ đánh giá cán bộ qua hồ sơ, qua quá trình công tác, nay thêm bước trình bày đề án, chương trình hành động, trả lời câu hỏi xử lý tình huống do Ban Thường vụ đặt ra sẽ chính xác hơn khi đánh giá, chọn được người có đức, tài hơn để bố trí vào vị trí công tác.

Hai là, giúp cán bộ tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, khi cán bộ chuẩn bị chương trình hành động nếu được chọn làm Bí thư sẽ phải đọc, nghiên cứu nâng cao trình độ bản thân. Cán bộ đã chuẩn bị đề án sau khi được bầu cử, chỉ định hoặc bổ nhiệm sẽ bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ không phải mất thời gian nghiên cứu như trước đây. Đồng thời, vững tâm tổ chức triển khai ngay các giải pháp đã được Ban Thường vụ cho ý kiến.

Ba là, chắt lọc được các giải pháp hay, khâu đột phá để xây dựng, phát triển huyện, ngành; giúp thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị địa phương, ngành trong sạch vững mạnh.

Bốn là, tạo điều kiện, cơ hội cho nhiều người để cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch, chọn người tài, đức nhất. Loại bỏ tâm lý không phục nhau vì không có căn cứ để đánh giá ai giỏi hơn ai.

Năm là, đây là giải pháp cụ thể chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ. Cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ nếu có ưu ái ai đó nhưng khi đồng chí đó trình bày chương trình hành động không hay, không giỏi, trả lời không sắc sảo các câu hỏi tình huống thì cũng không dám bảo vệ đồng chí mình ưu ái hơn, Ban Thường vụ sẽ phân tích, bỏ phiếu cho điểm, nếu điểm đồng chí nào cho ai đó chênh lệch 20% so với điểm trung bình chung thì phiếu đó sẽ bị loại ra.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong khuôn khổ Hội ghị gặp mặt doanh nghiệp đầu năm 2020. Ảnh: G.Nguyên
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong khuôn khổ Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy với doanh nghiệp đầu Xuân Canh Tý năm 2020. Ảnh: G.Nguyên

Việc thí điểm ở các huyện nào, sở nào và cơ cấu cán bộ dân tộc thế nào?

Hiện tại ở tỉnh đang thiếu 2 chức danh Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trương, Công thương; 2 chức danh Bí thư Huyện ủy và 1 chức danh Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.Chúng ta tính toán cân đối đảm bảo yếu tố cán bộ dân tộc trong cơ cấu cán bộ; theo đó, cán bộ dân tộc sẽ lựa chọn trong cán bộ dân tộc, cán bộ người Kinh sẽ lựa chọn trong số cán bộ người Kinh.

Cụ thể, huyện Lắk chủ trương chọn 5 cán bộ người Kinh để trình bày đề án, chương trình hành động trước Ban Thường vụ; huyện Buôn Đôn cơ cấu cán bộ dân tộc cũng chọn 4 đồng chí cán bộ dân tộc để trình bày đề án, chương trình hành động trước Ban Thường vụ.

Các chức danh giám đốc, phó giám đốc sở Ban Thường vụ sẽ xem xét quyết định đưa vào danh sách thi tuyển dựa trên cơ sở danh sách cán bộ đủ điều kiện tiêu chuẩn tự đăng ký. Từ việc trình bày các đề án, chương trình hành động do các cán bộ được Ban Thường vụ lựa chọn trình bày, Ban Thường vụ  sẽ phân tích đánh giá và bỏ phiếu chọn ra 1 đồng chí xuất sắc thứ nhất, thứ hai… cho 1 vị trí để giới thiệu tiến hành quy trình cán bộ theo đúng quy định hiện hành.

Đối với cán bộ cấp sở chúng ta tổ chức thi tuyển, Ban Thường vụ sẽ thành lập hội đồng theo quy định, có mời thêm chuyên gia ở Trung ương vào Hội đồng thi tuyển. Đối với Bí thư huyện chủ trương không thành lập hội đồng mà Ban Thường vụ trực tiếp nghe ứng viên trình bày chương trình hành động và đặt câu hỏi hoặc nêu tình huống để ứng viên trả lời.

Việc đổi mới cách tuyển chọn này chỉ ở khâu quan trọng nhất là lựa chọn cán bộ, còn quy trình cán bộ vẫn phải thực hiện đúng quy định hiện hành của Trung ương và tỉnh.


B.V

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.