Multimedia Đọc Báo in

Bí thư Chi bộ thôn 10, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) Vũ Đình Đề: Cần xây dựng, củng cố yếu tố "con người"

06:54, 15/09/2020

Công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng những năm qua luôn được Tỉnh ủy chú trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị.

Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể được sắp xếp, kiện toàn theo quy định của Trung ương, tỉnh, nhờ vậy mà đến nay đã cơ bản ổn định, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm thực hiện; trình độ cán bộ, công chức ngày càng được nâng lên cả về chuyên môn và trình độ lý luận, bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế về chuyên môn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bí thư  Chi bộ  thôn 10, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông)  Vũ Đình Đề.
Bí thư Chi bộ thôn 10, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) Vũ Đình Đề.

Chính vì vậy tôi cho rằng trong thời gian tới việc xây dựng, củng cố yếu tố “con người”, đặc biệt là những người đứng đầu, cán bộ chủ chốt là rất quan trọng. Cán bộ chính là “cái gốc” của mọi công việc nên việc xem xét, bố trí cán bộ cần đề cao trình độ, năng lực và sự cống hiến của họ cho ngành, đơn vị, địa phương chứ không nên dựa theo vấn đề tình cảm, thiên vị, ưu ái như một số cơ quan, đơn vị đã làm trong thời gian qua. Hơn nữa, từ khi thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam”, vì vậy tôi đề nghị cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa tính giai cấp công nhân, tính tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên. Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng Đảng cần có biện pháp mạnh mẽ hơn về chính trị, tư tưởng, tổ chức; về chỉnh đốn đạo đức, lối sống của mỗi đảng viên phải đi vào thực chất chứ không chỉ nói ở các hội nghị theo hình thức tuyên truyền. Phải làm sao để đảng viên giữ được bản chất cách mạng, thực sự gắn bó với nhân dân. Để làm được điều này, các tổ chức đảng, đảng viên phải thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đừng làm “méo mó” đi các quy định rồi đổ lỗi tại mặt trái của cơ chế thị trường hay vấn đề nhạy cảm, tế nhị… Cần nghiêm khắc kiểm điểm, phê bình, xử lý những đảng viên vi phạm, đặc biệt là trường hợp có dấu hiệu tham nhũng để tạo niềm tin cho nhân dân, ngăn chặn việc phai mờ lý tưởng trong các tổ chức đảng.

Đi đôi với xây dựng, củng cố Đảng, để dân giàu, nước mạnh thì nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân được xem là nhiệm vụ then chốt. Thời gian qua, nhiều chỉ thị, nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được ban hành, nhiều dự án nông, lâm nghiệp được triển khai, công tác chuyển giao khoa học, công nghệ, đào tạo, tập huấn, hỗ trợ… cho người dân trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh thực hiện.

Tuy nhiên ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân vẫn còn rất khó khăn. Theo Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, số lượng xã đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới còn chiếm tỷ lệ cao và tập trung ở những huyện nghèo trong đó có Krông Bông; bình quân số tiêu chí/xã của tỉnh vẫn thấp hơn bình quân của các tỉnh Tây Nguyên và cả nước. Đất ở, đất sản xuất cho một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưa giải quyết kịp thời. Kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa bền vững; số hộ nghèo phát sinh cao khi có các yếu tố bất lợi như giá cả, thiên tai, dịch bệnh...

Vì vậy, theo tôi vấn đề cấp bách hiện nay mà tỉnh cần thực hiện ngay là nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, đặc biệt là ở các huyện vùng sâu, đất đai bạc màu như Krông Bông, M’Drắk, Lắk, Ea Súp… Phải làm sao để người dân có thu nhập ổn định thì mới có thể góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh được. Cụ thể hơn là cần phải có phương án, lộ trình nhằm xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhà máy chế biến tại mỗi vùng để ổn định đầu ra và kết nối thị trường cho sản phẩm của người dân. Chẳng hạn, ở Krông Bông nhiều hộ đã trồng được dứa, chanh leo, gấc, dược liệu… nhưng lại chưa tìm được đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, khi các dự án đầu tư được đưa về địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân thì tỉnh, nhà đầu tư cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát mới có thể phát huy được hiệu quả.

Khả Lê (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.