Multimedia Đọc Báo in

Để ngành nông nghiệp Đắk Lắk cất cánh

07:32, 18/09/2020

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đánh giá: “Nông nghiệp tuy tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự bền vững; chưa giải quyết tốt vấn đề cung cầu của thị trường và chính sách bình ổn giá nông sản. Kinh tế trang trại tuy tăng nhanh về số lượng nhưng phần lớn là quy mô nhỏ. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa phổ biến, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ. Một số doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới hiệu quả hoạt động chưa cao do còn nhiều vướng mắc về đất đai, hợp đồng giao khoán... Vẫn còn tình trạng một số hợp tác xã tồn tại hình thức, chất lượng dịch vụ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp”.

Để khắc phục những hạn chế trên, chúng tôi có một vài đề xuất nhằm giúp ngành nông nghiệp tỉnh bứt phá:

Trước tiên, tỉnh cần hoạch định một chính sách tổng thể phát huy nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp, bởi xét đến cùng, con người là nhân tố quyết định. Theo đó, lãnh đạo tỉnh và các ngành, các địa phương trong tỉnh cần thống nhất quan điểm: Để làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ mới, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch thì “tất cả nhân lực phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp đều phải được đào tạo thường xuyên, liên tục”; đối tượng đào tạo là lao động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp và cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật; nội dung đào tạo phải phù hợp đối tượng, chú trọng các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng quản lý để đáp ứng công việc. Muốn làm tốt công tác này, tỉnh cần giao cho một cơ quan chủ quản (quản lý) phối hợp với các cơ quan chuyên môn (tư vấn về nội dung) thống kê số lượng nhân lực cần đào tạo, từ đó phân loại đối tượng, dự trù kinh phí, chuẩn bị nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo trong từng quý, từng năm, từng giai đoạn.

Cùng với đó, trên cơ sở tôn trọng tập quán canh tác của nhân dân, tỉnh cần rà soát quy hoạch, quy hoạch lại (cục bộ, dần dần mới mở rộng ra) và lên phương án tổng thể vùng chuyên canh cây, con phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương để tận dụng tối đa lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác; từ đó giao cho các đơn vị chủ quản và chính quyền địa phương phổ biến trong nhân dân, trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy hoạch, chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về những sai phạm (nếu có). Trong thực hiện công tác này cần chú ý tính khoa học, tính thực tế của việc quy hoạch vùng chuyên canh và phải làm sao khắc phục sự tự phát trong lựa chọn nuôi trồng giống cây trồng, vật nuôi không phù hợp với điều kiện thực tế của vùng đã quy hoạch; đồng thời phải điều chỉnh quy hoạch, thay đổi ưu tiên mặt hàng sản xuất (dựa trên lợi thế so sánh, chi phí) khi điều kiện thực tế thay đổi chứ không nên cứng nhắc.

Hộ dân ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar) liên kết với HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (huyện Ea Kar) để cung ứng nguyên liệu mít tươi cho HTX làm mít sấy.  Ảnh: Thuận Nguyễn
Hộ dân ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar) liên kết với HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (huyện Ea Kar) để cung ứng nguyên liệu mít tươi cho HTX làm mít sấy. Ảnh: Thuận Nguyễn

Đồng thời, trên cơ sở quy hoạch vùng chuyên canh, tỉnh cần đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là nguồn điện, nước, hạ tầng giao thông, hạ tầng xử lý ô nhiễm môi trường, khu – cụm công nghiệp, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ. Trong công tác này, tỉnh cần phân biệt rạch ròi trách nhiệm của tỉnh, trách nhiệm của doanh nghiệp và nhân dân theo hướng làm sao đáp ứng được và đảm bảo chất lượng hạ tầng, tăng cường quản lý nhà nước, tối ưu hóa các quy trình, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo tối đa lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân, không để ai bị thiệt hại do lỗi chủ quan của cán bộ quản lý gây ra.

Mặt khác, tỉnh cần thúc đẩy, mở rộng quảng bá, xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cả trong và ngoài nước. Đây là công tác quan trọng giải quyết đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhưng là khâu yếu, chưa được quan tâm một cách hợp lý trong thời gian qua. Để làm tốt việc này, rất cần sự năng động, tích cực, chủ động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh và các đơn vị chuyên môn.

Tỉnh cần chú trọng đẩy mạnh phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin và tăng giá trị sản phẩm. Muốn vậy, các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cần liên kết lại dưới sự điều phối của tỉnh để thống nhất hành động. Chẳng hạn, ở Đắk Lắk hiện có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất cà phê với chừng đó thương hiệu sản phẩm cà phê nhưng chất lượng thì không giống nhau và mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh; trong khi thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột vốn đã rất nổi tiếng, nếu có doanh nghiệp nào làm ăn gian dối, không đảm bảo chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột và tất cả  các doanh nghiệp còn lại. Thế nên, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong ngành hàng cà phê nói riêng và các mặt hàng khác là rất cần thiết. Vai trò dẫn dắt, điều phối công tác này thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh và ý chí, quyết tâm của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

Thực tế cho thấy, từng mặt hàng, từng lĩnh vực nếu phát triển một cách tự phát, đứng một mình thì sẽ gặp rắc rối và dễ “chết yểu” nên để ngành nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững, tăng giá trị thì tỉnh cần đóng vai trò “đầu tàu” trong liên kết phát triển. Đó là liên kết giữa tỉnh với doanh nghiệp, hợp tác xã trong thực hiện các mục tiêu; liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nhau trong thực hiện quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; liên kết giữa sản xuất nông nghiệp với ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, với công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm; liên kết giữa nông nghiệp với du lịch – dịch vụ để hỗ trợ nhau phát triển, làm tăng sản lượng tiêu thụ, giá trị sản phẩm nông nghiệp và làm đa dạng loại hình du lịch – dịch vụ; liên kết giữa ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk với ngành nông nghiệp các tỉnh khác ở khu vực Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung để hình thành các chuỗi cung ứng, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng mặt hàng và làm tăng giá trị sản phẩm.

TS. Ngô Khắc Sơn

Học viện Chính trị khu vực III


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.