Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk

06:28, 06/01/2021

Những đại biểu đầu tiên của Đắk Lắk trong cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa I

Cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa I có tổng số 403 đại biểu, gồm 333 đại biểu được bầu cử cùng với 70 đại biểu chỉ định. Tại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này, tỉnh Đắk Lắk có 2 người trúng cử đại biểu Quốc hội là các ông: Y Ngông Niê Kđăm (dân tộc Êđê, sinh ngày 13-8-1922, tại buôn Ea Sút, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, là y sĩ quân y mặt trận Buôn Ma Thuột) và ông Y Wang Mlô Duôn Du (dân tộc Êđê, sinh ngày 12-3-1911, tại huyện Krông Búk, là Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện M’Drắk).

Đại biểu Y Wang Mlô Duôn Du sau đó tiếp tục tái cử đại biểu Quốc hội khóa II (1960 – 1964), khóa III (1964 – 1971) và khóa IV (1971 – 1975), giữ các chức vụ là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ. Đại biểu Y Ngông Niê Kđăm sau Quốc hội khóa I tiếp tục tái cử và tham gia liên tục Quốc hội các khóa II, III, IV, V, VI, VII, VIII và IX (1946 – 1997), là đại biểu Quốc hội có thời gian tham gia hoạt động Quốc hội lâu nhất (hơn 51 năm). Trong thời gian trên, ông liên tục được phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Quốc hội, như: Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (các khóa: II, III, IV, V, VI), Ủy viên Hội đồng Nhà nước (khóa VII, VIII) và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa IX.

Nhiệm kỳ khóa XII

Quốc hội khóa XII (2007 – 2011), Đoàn ĐBQH Đắk Lắk có 9 đại biểu. Ông Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn ĐBHQ tỉnh; bà H’Luộc Ntơr làm Phó Trưởng Đoàn chuyên trách.

Trong nhiệm kỳ khóa XII, trước khi tham dự các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 18 hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào hơn 52 dự án luật, bộ luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến. Phối hợp với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 10 đợt giám sát; qua đó Đoàn đã có 88 kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cấp ngành ở Trung ương và địa phương.

Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 14 đợt tiếp xúc cử tri tại 136 điểm dân cư thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, với trên 12.000 lượt cử tri tham dự. Trong tổng số 2.459 ý kiến, kiến nghị có 1.475 kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương và 984 kiến nghị thuộc thẩm quyền của cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương đều được lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, địa phương trả lời trực tiếp tại hội nghị tiếp xúc cử tri hoặc tiếp thu để giải quyết. Các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương đều được Đoàn ĐBQH tổng hợp chi tiết để gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, trả lời.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham dự Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV bằng hình thức trực tuyến.  Ảnh: Duy Tiến
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham dự Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Duy Tiến

Nhiệm kỳ khóa XIII

Quốc hội khóa XIII (2011 – 2016), Đoàn ĐBQH Đắk Lắk có 9 đại biểu. Ông Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp tục làm Trưởng Đoàn; ông Phạm Minh Tấn, Tỉnh ủy viên làm Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đến tháng 12-2014; sau đó ông Y Khút Niê, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh giữ chức vụ Phó Trưởng Đoàn chuyên trách.

Đoàn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 56 hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào hơn 84 dự án luật, bộ luật và 28 nghị quyết trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến. Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND, Ban Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 14 cuộc giám sát chuyên đề tại địa phương; tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội tại địa phương và các tỉnh được 21 cuộc. Qua đó, Đoàn đã gửi 81 kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương.

Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 228 hội nghị tiếp xúc cử tri, với hơn 12.395 lượt cử tri tham dự, có 2.459 lượt ý kiến phát biểu. Các ý kiến đã được trả lời trực tiếp hoặc tiếp thu để giải quyết và được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp chi tiết gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, trả lời.

 Nhiệm kỳ khóa XIV

Quốc hội khóa XIV (2016 – 2021), Đoàn ĐBQH Đắk Lắk có 9 đại biểu; ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn; ông Y Khút Niê, Tỉnh ủy viên làm Phó Trưởng Đoàn chuyên trách. Đến tháng 10-2019, Đoàn ĐBQH Đắk Lắk có 10 đại biểu (ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam được điều động về giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, sau đó chuyển sinh hoạt từ Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai về Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk).

Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức được 22 hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với 46 dự án luật trình tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, triển khai thực hiện được 10 cuộc giám sát chuyên đề, 18 cuộc khảo sát liên quan đến đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức được 20 đợt tiếp xúc cử tri với 151 hội nghị tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh, với khoảng 25.000 cử tri tham dự và 2.265 ý kiến tham gia phát biểu. Các đợt tiếp xúc cử tri có sự tham gia đầy đủ của đại diện lãnh đạo các địa phương nơi tiếp xúc và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh nên hầu hết các ý kiến của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đều được tiếp thu, giải trình trực tiếp. Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp 121 lượt công dân, tiếp nhận 1.786 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đã chuyển 1.025 đơn đến các cơ quan chức năng.

Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã trích từ nguồn kinh phí của Đoàn và vận động tài trợ hơn 5,9 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội, với các hoạt động như: tặng nhà, xây dựng phòng học, tặng học bổng cho học sinh nghèo…; hằng năm tổ chức thăm và tặng quà gia đình chính sách, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.