Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm hành lang an toàn điện: Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

08:06, 05/01/2018

Thời gian qua, Công ty Điện lực Đắk Lắk thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm, lập biên bản xử lý, nhưng tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. 

Theo thống kê của ngành điện, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 114 công trình, nhà ở vi phạm HLATLĐ trung, hạ áp do Công ty Điện lực Đắk Lắk quản lý. Các hành vi vi phạm chủ yếu là khoảng cách an toàn không đúng quy định, mái và tường bao dưới dây điện làm bằng vật liệu dễ cháy nổ và công trình, nhà ở gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế trên lưới điện. Bên cạnh đó, nhiều đoạn đường dây đi qua vườn quốc gia, rừng đặc dụng hoặc cây công nghiệp của người dân, doanh nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến HLATLĐ. Các trường hợp này dễ xảy ra sự cố cháy, nổ hoặc phóng điện rất nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa.

Công nhân Công ty Điện lực Đắk Lắk thay thế đường dây đi qua rẫy của người dân có nguy cơ gây mất an toàn lưới điện.
Công nhân Công ty Điện lực Đắk Lắk thay thế đường dây đi qua rẫy của người dân có nguy cơ gây mất an toàn lưới điện.

Tuy nhiên, ngành điện hiện mới xử lý được 32 trường hợp vi phạm, chủ yếu là bằng các biện pháp sửa chữa lưới điện như di dời tạo khoảng cách an toàn, cải tạo, nâng lên, di chuyển hướng khác hoặc thay lại dây bọc. 82 trường hợp còn lại đơn vị đã lập biên bản gửi đến từng hộ vi phạm, đồng thời yêu cầu chính quyền cơ sở phối hợp khắc phục, nhưng hiện vẫn chưa giải quyết được.

Do đó, để chủ động trong việc bảo đảm HLATLĐ, công ty thường xuyên kiểm tra, xử lý các vị trí cột điện, những đoạn dây điện chùng, võng không đạt tiêu chuẩn quy định về khoảng cách an toàn. Đối với đường dây đi qua khu vực có rừng, ngành điện tổ chức phát quang cây cối dễ vướng vào lưới điện hoặc nguy cơ gãy đổ. Những đoạn dây nằm trên vườn cây của doanh nghiệp, người dân, công ty phối hợp với chủ vườn để thống nhất phương án xử lý, trong đó chủ yếu là cắt ngọn, tỉa cành để giảm thiệt hại cho chủ vườn.

Cùng với đó, công ty đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm HLATLĐ; nhắc nhở người dân sử dụng các dụng cụ cách điện, tuân thủ tuyệt đối khoảng cách an toàn đối với hành lang lưới điện trong quá trình canh tác và nên phối hợp cùng ngành điện trong quá trình kiểm tra, chặt tỉa cây. Đặc biệt, công ty cũng đã thực hiện các giải pháp về lâu dài như: cải tạo lưới điện sau tiếp nhận từ các tổ chức quản lý điện nông thôn; thay dây dẫn không bảo đảm kỹ thuật và điều kiện vận hành; điều chỉnh tuyến đường dây cho phù hợp và nâng chiều cao trụ tại các vị trí có nhà ở, công trình vi phạm HLATLĐ.

Đường dây 471 Ea H’leo được Công ty Điện lực Đắk Lắk đầu tư nâng cấp bảo đảm an toàn. Ảnh: M.Thông
Đường dây 471 Ea H’leo được Công ty Điện lực Đắk Lắk đầu tư nâng cấp bảo đảm an toàn. 

Theo đánh giá của Công ty Điện lực Đắk Lắk, việc xử lý các trường hợp vi phạm HLATLĐ gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều trường hợp người dân xây nhà ở, công trình, trồng cây vi phạm quy định này nhưng ngành điện chỉ thuyết phục, vận động, nếu người vi phạm không hợp tác thì… đành chịu. Đặc biệt, trường hợp khó xử lý nhất là làm nhà, trồng cây có giá trị kinh tế cao dưới đường dây, bởi giá trị tài sản lớn, nên người dân nhất quyết không chịu dời đi trong khi đó, chính quyền địa phương thường chỉ lập biên bản và nhắc nhở chứ chưa có hình thức xử lý dứt điểm. Tại Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26-2-2014, quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện cũng đã quy định cụ thể về việc ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm HLATLĐ; tuy nhiên để giải quyết tình trạng trên, cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp cùng các cơ quan chức năng liên quan.

Ngày 5-12-2017, đường dây 220 kV Krông Búk – Nha Trang đoạn qua thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar gây sự cố mất điện kéo dài. Nguyên nhân là do trẻ em thả diều vướng vào đường dây 220 kV, vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải quốc gia. Sau sự việc này, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền đến những hộ dân sống gần đường dây cao áp 220 kV, 500 kV thực hiện nghiêm các quy định về HLATLĐ, không thả diều, vật bay gần đường dây cao áp.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.