Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp với tinh dầu

09:58, 27/05/2019

Chỉ mới bắt đầu khởi nghiệp được 2 năm nhưng Hoàng Thị Thơm (SN 1991) ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột đã phát triển được khoảng 20 loại tinh dầu chiết xuất từ nguồn dược liệu có sẵn tại địa phương, góp phần nâng cao giá trị cây trồng và giúp người dân có thêm nguồn thu nhập.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Hoàng Thị Thơm có 4 năm làm việc ở TP. Hồ Chí Minh với các vị trí phát triển thị trường, phát triển sản phẩm, xuất nhập khẩu. Quá trình làm việc tại đây giúp Thơm nhận ra rằng, các mặt hàng xuất khẩu, nhất là nông sản của nước ta chỉ xuất thô nên giá trị kinh tế không cao. Từ đó, Thơm ấp ủ ước mơ tạo ra một dòng sản phẩm nào đó mang thương hiệu Việt có thể chinh phục các thị trường trên thế giới.

Hoàng Thị Thơm (bên trái) cùng với giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên nghiên cứu và thử nghiệm những dòng sản phẩm mới từ tinh dầu.
Hoàng Thị Thơm (bên trái) cùng với giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên nghiên cứu và thử nghiệm những dòng sản phẩm mới từ tinh dầu.

Khi trở về Đắk Lắk làm việc trong lĩnh vực tư vấn quy hoạch nông nghiệp (phụ trách mảng tư vấn xây dựng chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản), Thơm đã có cơ hội gặp gỡ và làm việc với rất nhiều người nông dân. Tình cờ trong một dự án nông nghiệp giúp giảm nghèo ở khu vực dọc biên giới, Thơm biết đến các sản phẩm tinh dầu nguyên chất do người dân nơi đây tự chưng cất. Được những người dân chia sẻ về những khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, Thơm quyết định tham gia vào chuỗi phân phối giúp các hộ sản xuất tinh dầu tìm kiếm thị trường.

Hoàng Thị Thơm (bìa phải) cùng với giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên nghiên cứu và thử nghiệm những dòng sản phẩm mới từ tinh dầu.
Hoàng Thị Thơm (bìa phải) cùng với giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên nghiên cứu và thử nghiệm những dòng sản phẩm mới từ tinh dầu.
 
“Khi tham gia vào chuỗi giá trị, người nông dân hoàn toàn yên tâm vào đầu ra cho những loại cây trồng mà chúng tôi đã ký cam kết thu mua. Điều đó cũng có nghĩa giá trị kinh tế trên mảnh đất mà họ canh tác luôn được bảo đảm”.
 
 Hoàng Thị Thơm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Tư vấn Ban Mê Central

Năm 2017, Hoàng Thị Thơm thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Tư vấn Ban Mê Central và đầu tư khoảng 600 triệu đồng để vừa phát triển vùng nguyên liệu, lò nấu tinh dầu vừa tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại giới thiệu và quảng bá sản phẩm.

Đến nay, Công ty đã liên kết với 10 hợp tác xã chiết xuất khoảng 20 loại tinh dầu dược liệu các loại mang thương hiệu BMEC như: sả, hoa hồng, chanh, bạc hà, hương nhu… từng bước chinh phục thị trường trong nước. Trong lần tham dự vòng tuyển chọn Shark Tank mùa thứ 3 vừa mới được tổ chức tại Đà Nẵng, dự án tinh dầu mang thương hiệu BMEC của Hoàng Thị Thơm đã lọt vào Top 100 sản phẩm khởi nghiệp trong cả nước.

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, Hoàng Thị Thơm cho biết, việc khởi nghiệp với dự án này không chỉ thuần túy là kinh doanh sản phẩm mà đằng sau đó là mong muốn tạo dựng một thương hiệu có từ nguồn nguyên liệu thảo dược vô cùng phong phú trong nước. Vượt qua mục tiêu ban đầu là hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm tinh dầu của dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Công ty đã liên kết với Trường Đại học Tây Nguyên thành lập một nhóm nghiên cứu các sản phẩm liên quan đến tinh dầu, đặc biệt là các liệu pháp Aromatherapy (sử dụng mùi hương của các loại hoa, thảo dược thiên nhiên để chăm sóc cơ thể) nhằm tăng giá trị cho chuỗi sản xuất tinh dầu. Ngoài phục vụ thị trường trong nước, mục tiêu mà Công ty hướng đến là tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để xuất khẩu.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.