Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Sô lao đao vì khô hạn giữa mùa mưa

09:56, 13/08/2019

Lượng mưa ít và bất thường ngay giữa mùa mưa ở xã Ea Sô (huyện Ea Kar) khiến phần lớn diện tích cây trồng của địa phương bị ảnh hưởng nặng.

Vụ mía này, gia đình anh Vàng Seo Phứ (24 tuổi, ở buôn Ea Púk) đầu tư trồng 1,3 ha, nhưng gần 3 tháng qua mưa ít, thiếu nước nên cây mía chậm phát triển.  Anh Phứ cho biết, tầm này mọi năm, cây mía đã cao được 1 - 1,5 m, nhưng hiện nay mía còn chưa có thân. Những ngày qua, trong khi các địa phương khác của tỉnh mưa nhiều và lớn dẫn đến ngập lụt thì trên địa bàn xã Ea Sô mưa nhỏ và không đáng kể, mà còn 4 tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch mía nên đã ảnh hưởng đến năng suất.

"Chưa bao giờ người dân ở đây phải đối diện với tình trạng thiếu nước tưới ngay giữa thời điểm mùa mưa như năm nay. Năm ngoái, bà con nông dân thu được 60 tấn mía/ha, nhưng với tình hình thời tiết khô hạn như thế này thì năng suất có thể giảm 30 - 40%. Với giá mía xuống thấp như hiện nay thì người dân trồng mía chắc chắn sẽ thua lỗ”, anh Phứ buồn bã nói.

Do thiếu nước, ruộng mía  của gia đình anh Vàng Seo Phứ (buôn Ea Púk) không thể  sinh trưởng,  lá khô héo.
Do thiếu nước, ruộng mía của gia đình anh Vàng Seo Phứ (buôn Ea Púk) không thể sinh trưởng, lá khô héo.

Nếu thời tiết thuận lợi, có thêm mưa, các cánh đồng mía ở xã Ea Sô hy vọng có thể vớt vát sản lượng, còn diện tích ngô thì coi như mất trắng. Gia đình bà Hoàng Thị Anh (70 tuổi, ở buôn Ea Kông) có 1 ha ngô; giai đoạn ngô trổ cờ cần nước nhất lại gặp thời tiết khô hạn, trước đó lại bị sâu bệnh tấn công. Thiếu nước kéo dài khiến vườn ngô của gia đình bà Anh héo rũ, không thể có hạt hoặc có rất ít hạt. Bà Anh xót xa: “Gia đình tôi đầu tư 8 triệu đồng để trồng ngô, nay đành mất trắng, giờ chỉ biết chặt bỏ cho bò ăn”.

Theo ông Lê Tất Chiếm, cán bộ Nông nghiệp - Thủy lợi xã Ea Sô, xã vẫn chưa có công trình thủy lợi, mạch nước ngầm khan hiếm dần nên người dân khoan giếng cũng chỉ đủ phục vụ nước sinh hoạt hằng ngày. Nguồn nước phục vụ sản xuất chủ yếu từ nước mưa, các con suối…, nhưng từ đầu tháng 5 đến nay trên địa bàn có mưa với lượng rất ít khiến các suối cũng khô cạn. Một số hộ dân cố gắng nạo vét ao hồ tạo nguồn nước tưới, tiết kiệm nước thì cũng chỉ đủ cứu được diện tích lúa, cà phê. Còn các diện tích cây trồng lớn ở địa phương canh tác nhờ nguồn nước mưa như: mía, sắn, ngô..., trời hạn người dân đành bất lực.

Bà Hoàng Thị Anh (ở buôn Ea Kông) phải phá bỏ diện tích ngô héo rũ vì khô hạn.
Bà Hoàng Thị Anh (ở buôn Ea Kông) phải phá bỏ diện tích ngô héo rũ vì khô hạn.

Thống kê ban đầu của xã Ea Sô, do ảnh hưởng của đợt khô hạn này trên địa bàn có khoảng 1.130 ha mía và 540 ha sắn không phát triển, năng suất dự kiến giảm mạnh; gần 30 ha ngô mất trắng do thiếu nước... Để ứng phó với thời tiết diễn biến bất thường, cấp ủy, chính quyền xã Ea Sô vận động các hộ dân nạo vét ao hồ vừa tận dụng mặt nước nuôi thủy sản, vừa kịp thời cung cấp nước tưới cho cây trồng khi khô hạn; đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng năng suất kém, khô hạn sang trồng cây dược liệu như sả, hương nhu, một số các cây ăn trái.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.