Multimedia Đọc Báo in

Rau hữu cơ: "Cung" không đủ "cầu" nhưng vẫn khó phát triển

09:51, 13/08/2019

Rau hữu cơ là loại rau canh tác trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, chứa nhiều thành phần dinh dưỡng hơn các loại thực phẩm khác nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, sản lượng rau hữu cơ sản xuất trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột không đủ cung cấp cho hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh, nhưng vì sao diện tích rau hữu cơ vẫn chưa phát triển được trong nhiều năm qua?

Theo thống kê sơ bộ, TP. Buôn Ma Thuột hiện có khoảng 10 ha trồng rau hữu cơ. Các đơn vị sản xuất đã liên kết mở rộng thị trường, đưa rau hữu cơ vào các siêu thị lớn, nhiều cửa hàng, cơ sở bán lẻ cho khách hàng tại TP. Buôn Ma Thuột, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, chưa kể bán qua hình thức kinh doanh online để cung cấp trực tiếp cho khách hàng tiêu dùng tại nhà. Giá bán rau hữu cơ cao hơn các loại rau sản xuất truyền thống khác.

Vườn rau hữu cơ của  Công ty Nico Nico Yasai tại Buôn Ma Thuột.
Vườn rau hữu cơ của Công ty Nico Nico Yasai tại Buôn Ma Thuột.

Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Tây Nguyên được đánh giá phù hợp với phương thức sản xuất rau hữu cơ; phát triển rau hữu cơ cũng phù hợp định hướng và chủ trương của Nhà nước tại địa phương… Tuy nhiên, với 10 ha rau hữu cơ tại TP. Buôn Ma Thuột, sản lượng rau hữu cơ ước chừng 70 tấn/năm, chỉ bằng khoảng 0,2% so với tổng sản lượng rau/năm của địa bàn thành phố (70 tấn/2.700 tấn) và đây là một con số quá khiêm tốn, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ hiện nay của người tiêu dùng.

Có thể thấy, việc phát triển sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu do người Nhật Bản và những người Việt Nam có thời gian học tập, nghiên cứu tại Nhật triển khai, các sản phẩm hữu cơ an toàn đều sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật. Các doanh nghiệp sản xuất rau hữu cơ hầu hết là tự bỏ vốn đầu tư nhưng các sản phẩm rau hữu cơ hiện nay chưa có chứng nhận; các đơn vị sản xuất chưa được tiếp cận với chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ của Nhà nước.

Hiện nay, một số công ty chỉ duy trì mô hình hữu cơ làm khu vườn mẫu để vừa sản xuất mang lại thu nhập, vừa làm nơi cho sinh viên các trường đại học nông lâm nghiệp liên kết nghiên cứu học tập, học viên đến học hỏi tại vườn kết hợp học tiếng Nhật trước khi sang Nhật Bản học tập (như tại Công ty TNHH liên kết nông dân tại Km 9, phường Tân Hòa; Công ty TNHH Nico Nico Yasai tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột).

Có công ty vì khó khăn trong phát triển nên đã chuyển giao mô hình hữu cơ cho đơn vị khác quản lý (như Công ty TNHH H.T Farm, đơn vị sản xuất 1 ha rau hữu cơ tại buôn Ky, phường Thành Nhất). Để duy trì và phát triển, một vài đơn vị phải chuyển hướng sản xuất, kinh doanh thêm các sản phẩm khác; chẳng hạn, Công ty TNHH liên kết nông dân từ năm 2018 đến nay sản xuất hạt giống bầu Nhật để xuất lại sang Nhật Bản dùng làm gốc ghép cho dưa hấu, ngoài ra còn liên kết với bà con nông dân tại huyện Cư M’gar, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) để sản xuất hồ tiêu, ca cao hữu cơ xuất khẩu với diện tích vài héc-ta.

Sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh thực tập tại vườn rau của Công ty Nico Nico Yasai.
Sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh thực tập tại vườn rau của Công ty Nico Nico Yasai.

Việc sản xuất rau hữu cơ dựa vào quá trình đấu tranh sinh học của các sinh vật trong tự nhiên (cây trồng - dinh dưỡng – sâu bệnh – thiên địch) với sự chu chuyển năng lượng trong mạng lưới thức ăn của sinh vật, vì thế khi tác động theo hướng có lợi cho con người, phải gắn kết với cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, môi sinh. Điều này khiến quá trình thực hiện hết sức khó khăn. Mặc dù các đơn vị đã được nghiên cứu từ mô hình của Nhật Bản song với sự biến đổi khí hậu cùng quá trình sử dụng thuốc hóa học lâu dài trước đây và tập tính quen thuộc của người Việt Nam (trong sản xuất và tiêu dùng) nên có thể phải mất nhiều năm nữa mô hình rau hữu cơ mới phát triển ổn định.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, quản lý chi nhánh Buôn Ma Thuột của Công ty Nico Nico Yasai cho biết, hoạt động trồng, chăm sóc rau hữu cơ chẳng khác gì chăm sóc con mọn. Giống rau chủ yếu là các giống truyền thống, nước tưới rau lấy từ giếng khoan sâu hơn 60 m để có nguồn nước sạch; nguồn phân chuồng phải là phân bò, ủ lên men bằng các phế phẩm nông nghiệp, các vi sinh vật tự nhiên; sử dụng nguồn dược liệu như hạt neem Ấn Độ, các loại thảo dược để xua đuổi côn trùng; nhân nuôi các loại vi sinh vật có ích để tái tạo lại tầng vi sinh trong đất, giúp phân giải dinh dưỡng để cây trồng dễ dàng hấp thu…

Tất cả các biện pháp trong quy trình sản xuất rau hữu cơ phần lớn là làm thủ công, đòi hỏi công lao động rất nhiều song năng suất rau hữu cơ thường chỉ bằng 40 - 60% năng suất rau sản xuất bình thường, mẫu mã không đẹp; vận chuyển xa với số lượng nhỏ thì tốn kém nên mặc dù giá bán cao hơn rau thường từ 20 – 50% (tùy loại rau) nhưng hiệu quả kinh tế thấp, trả công cho người lao động không cao so với các ngành nghề khác. Mặt khác, người làm việc ở môi trường sản xuất rau hữu cơ phải có tinh thần thân thiện với môi trường tự nhiên, chịu khó nghiên cứu, chăm chỉ, sáng tạo, năng động nên việc tìm nhân sự cho hoạt động sản xuất rau hữu cơ không dễ, thường chỉ có người Nhật Bản và những người Việt đã học tập tại Nhật Bản cùng số ít người đam mê sản xuất hướng hữu cơ mới kiên trì thực hiện được.

Ngày 29-8-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Theo đó ngoài hướng dẫn tiêu chuẩn vật tư đầu vào, tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, kiểm tra thử nghiệm chất lượng sản phẩm thì Chính phủ đặc biệt quan tâm đến chính sách đặc thù hỗ trợ khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, phối hợp với các đơn vị liên quan, các nhà khoa học địa phương nghiên cứu thực tế, hỗ trợ các đơn vị sản xuất rau hữu cơ, tổ chức tập huấn, tuyên truyền vận động nhân dân nhận thức tầm quan trọng đối với phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, môi sinh.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.