Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo nông thôn mới ở huyện Ea Kar

08:54, 17/12/2019

Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông nghiệp, nông thôn huyện Ea Kar có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Đây là tiền đề để huyện Ea Kar thực hiện mục tiêu xây dựng huyện cơ bản đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

Xác định xây dựng NTM là hành trình dài, cần sự đồng lòng, góp sức của người dân nên cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, huy động, lồng ghép các nguồn lực, phát huy vai trò chủ thể của người dân. MTTQ, các hội, đoàn thể và địa phương tích cực vào cuộc tuyên truyền, phổ biến 19 tiêu chí, vận động nhân dân, các đoàn viên, hội viên hiến đất, tự nguyện dỡ bỏ tường rào, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công để xây dựng các công trình tại địa phương.

Người dân thôn 7, xã Ea Đar đóng góp tiền, ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn.
Người dân thôn 7, xã Ea Đar đóng góp tiền, ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn.

Phát huy quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, trong 10 năm qua (2010 - 2019), huyện Ea Kar đã huy động nhân dân đóng góp trên 257 tỷ đồng, gồm 166,8 tỷ đồng tiền mặt, gần 70.000 ngày công lao động, hiến 849.225 m2 đất và hàng nghìn cây cối, hoa màu, vật kiến trúc... cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 224/266 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, bình quân mỗi xã đạt 16 tiêu chí; có 2/14 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Mục tiêu hướng đến của chương trình xây dựng NTM không chỉ tạo ra sự đổi thay về kết cấu hạ tầng mà còn tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Chính vì vậy, huyện Ea Kar đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 23 hợp tác xã nông nghiệp, 18 tổ hợp tác nông nghiệp, 119 trang trại đạt tiêu chuẩn quy định.

Huyện Ea Kar cũng đã hình thành một số liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa nông dân với các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa như: lúa lai, lúa giống, ngô, mía, sắn, cây ăn quả, rau xanh, chăn nuôi heo, bò... Trong 10 năm qua, huyện đã tổ chức dạy nghề cho 20.000 lượt người, xuất khẩu lao động cho hơn 1.000 lượt người, thực hiện ủy thác cho 14.480 lượt hộ vay vốn tín dụng chính sách với tổng dư nợ trên 418 tỷ đồng. Nhờ đó, đến đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 13,44% (giảm 9,41% so với năm 2016), vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Đường giao thông thôn 5, xã Xuân Phú do Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Đường giao thông thôn 5, xã Xuân Phú do Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà đánh giá: Qua 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới”, với sự nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng thuận của người dân, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh, hệ thống chính trị được củng cố, tình hình an ninh trật tự ổn định.

Huyện Ea Kar phấn đấu đến năm 2025 có 14/14 xã và huyện cơ bản đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm; có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Ea Týh và Cư Ni, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Ea Ô.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.