Multimedia Đọc Báo in

Ổn định thị trường, kích cầu tiêu dùng trong dịch Covid-19

08:29, 25/03/2020

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến tình hình tiêu thụ hàng hóa trên thị trường tỉnh. Cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn đang nỗ lực tìm cách ổn định thị trường, giữ giá và kích cầu sức mua.

Theo thông tin từ Sở Công thương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 doanh thu từ các hoạt động thương mại có xu hướng giảm. Tháng 2-2020 vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường tỉnh đạt 6.893,3 tỷ đồng, giảm 3,8% so với tháng trước.

Biến động mạnh nhất chỉ nằm ở mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay và các sản phẩm sát khuẩn. Để bảo vệ sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng của người dân về khẩu trang, các loại nước rửa tay sát khuẩn, đặc biệt là gel rửa tay kháng khuẩn dạng khô tăng cao dẫn đến biến động về giá. Theo khảo sát, tính đến thời điểm này khẩu trang y tế vẫn đang là mặt hàng khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, việc tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, sữa, mì tôm... cũng chỉ tăng mạnh mấy ngày cuối tháng 2 vừa qua khi người dân trên địa bàn có xu hướng đổ xô đi mua hàng hóa về tích trữ. Sau khi truyền thông tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi người dân không nên tụ tập đông người và mua hàng dự trữ thì tình trạng trên đã được khắc phục.

Người dân mua hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Người dân mua hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Trong lúc hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực bị giảm sút, thị trường khá trầm lắng thì một tín hiệu vui là hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh đang ra sức kích cầu tiêu dùng bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Chẳng hạn, Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột đã tìm cách bình ổn thị trường, lên kế hoạch ứng phó kịp thời, hiệu quả. Một mặt, siêu thị tăng cường nguồn cung hàng hóa thiết yếu cao gấp nhiều lần so với bình thường và bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn, mặt khác siêu thị giữ giá bình ổn đối với các mặt hàng thiết yếu và tìm cách kích cầu tiêu dùng.

Theo bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, ngay sau Tết Nguyên đán, đơn vị đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa và sẵn sàng đáp ứng cho tình huống nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn. Trong đó, chú trọng vào nhóm hàng nhu yếu phẩm và nhóm hàng đặc thù dành riêng cho công tác phòng chống dịch. Siêu thị cam kết đủ khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm của người dân địa phương trong mùa dịch, đồng thời liên tiếp tổ chức chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến gần 40% để góp phần bình ổn thị trường, kích cầu mua sắm.

Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp cung ứng, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cũng đang chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả thị trường, nhất là các hàng hóa thiết yếu, tránh để xảy ra những biến động tiêu cực gây bất ổn thị trường.

Trong khi đó, Siêu thị MM Mega Martket cũng khuyến mãi lên đến 30% để hỗ trợ người dân mua sắm đối với các mặt hàng như thực phẩm tươi sống, gia vị, đường, sữa, khăn giấy, nước giặt, nước sát khuẩn... Siêu thị cũng bổ sung lượng hàng liên tục, bảo đảm đầy trên kệ nên người dân không lo thiếu hàng. Thêm vào đó, siêu thị còn tổ chức bán hàng không lợi nhuận để hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản như tôm hùm, cam, dưa hấu. Đối với vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khoẻ người dân như nước rửa tay, sát khuẩn… thì siêu thị bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng với giá không đổi.

Siêu thị Co.opmart  Buôn Ma Thuột cam kết cung ứng đủ nguồn cung, nhất là thực phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân trong mùa dịch Covid-19.
Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cam kết cung ứng đủ nguồn cung, nhất là thực phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân trong mùa dịch Covid-19.

Vinmart Buôn Ma Thuột cũng triển khai chương trình giảm giá 30% ở nhiều ngành hàng. Ngoài ra, siêu thị tổ chức bán hơn 20 tấn dưa hấu với giá bán ra bằng giá thu mua để vừa kích cầu tiêu dùng vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân của tỉnh. Đại diện Siêu thị Vinmart Buôn Ma Thuột khẳng định, nguồn hàng ở siêu thị đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng địa phương. Danh sách hàng hóa ưu tiên được siêu thị nhập về số lượng lớn để dự trữ, bao gồm: mì gói, gạo, đồ hộp, bánh kẹo, sữa, gia vị, rau củ quả, nước rửa chén, nước lau sàn… Siêu thị cũng cam kết bán hàng với giá ổn định và liên tiếp tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích sức mua trong thời điểm này.

Mới đây nhất, ngày 11-3, Sở Công thương đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, Ban quản lý các chợ trên địa bàn tăng cường công tác dự trữ cung ứng hàng hóa hàng thiết yếu trong dài ngày phục vụ người tiêu dùng trước tình hình dịch Covid-19. Theo đó, Sở yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh thương mại dù đã chủ động dự trữ nguồn hàng nhưng không chủ quan, tiếp tục xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa tiêu dùng dự trữ cụ thể về số lượng đối với nhóm hàng thiết yếu như gạo, thịt heo, thịt gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn, nước mắm… Đồng thời, cung cấp thông tin để khách hàng biết khả năng đáp ứng nguồn cung hàng hóa ổn định, phục vụ người dân trên địa bàn trong thời điểm dịch Covid-19, tránh tâm lý hoang mang dẫn đến tình trạng người dân tích trữ hàng hóa…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.