Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư Króa chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao

08:57, 27/03/2020

Thời gian qua, nhiều người dân xã Cư Króa (huyện M’Đrắk) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây ăn quả vào sản xuất thay thế nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả, mang lại thu nhập cao.

Gia đình ông Bùi Văn Tý (thôn 5) có 2 ha đất nông nghiệp chủ yếu trồng ngô, sắn nhưng đất đai cằn cỗi nên năng suất thấp. Nhận thấy cây ăn quả có múi phù hợp với chất đất, khí hậu ở địa phương, năm 2015 ông Tý đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng 1 ha cam sành và 1 ha quýt đường. Ông tích cực học hỏi kỹ thuật chăm sóc qua sách, báo, Internet và vận dụng vào vườn cây của gia đình.

Sau 3 năm chăm sóc, vụ mùa đầu tiên, gia đình thu được 30 tấn quả. Với giá bán 10 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 200 triệu đồng. Sản phẩm được bán tại Phú Yên, Nha Trang và tiêu thụ tại địa phương. Ngoài ra, ông còn trồng xen thêm 30 cây bưởi da xanh. Theo ông Tý, trồng cam, quýt dễ chăm sóc, chi phí đầu tư ít, cho quả quanh năm, lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng hoa màu. Hiện tại mô hình của gia đình ông Bùi Văn Tý đang phát triển tốt và có nguồn thu ổn định.

Mô hình  trồng cam, quýt của  gia đình  ông Bùi Văn Tý ở thôn 5,  xã Cư Króa.
Mô hình trồng cam, quýt của gia đình ông Bùi Văn Tý ở thôn 5, xã Cư Króa.

Từ năm 2014 đến nay, người dân xã Cư Króa đã chủ động chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, với tổng diện tích 70 ha gồm: vải, nhãn, cam, quýt… được trồng tại 9 thôn, trong đó có gần 30 ha đã cho thu hoạch và mang lại lợi nhuận cao.

Nhận thấy nhiều người dân huyện Ea Kar thành công với mô hình trồng cây vải, năm 2011 gia đình anh Phan Văn Mẫn (thôn 6) mạnh dạn chặt bỏ 2 ha cà phê kém hiệu quả để cải tạo lại đất và đưa 140 cây vải U hồng trồng trên 5 sào đất. Anh tích cực tham gia các lớp tập huấn và học hỏi kinh nghiệm thực tế từ nhiều vườn vải trên địa bàn huyện Ea Kar. Năm 2018, anh trồng thêm hơn 300 cây vải trên diện tích đất còn lại. Đến nay, 140 cây vải của gia đình anh đã cho thu nhập ổn định, quả to đều, ngọt, mọng nước, được khách hàng ưa chuộng. Trung bình anh thu 40 – 50 kg/cây, được thương lái thu mua tại vườn với giá bán 25 - 50 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi 150 triệu đồng. Từ mô hình thành công của gia đình anh, nhiều người dân đã đến học hỏi kinh nghiệm và mở rộng diện tích trồng vải trên địa bàn xã.

Vườn vải của anh Phan Văn Mẫn ở thôn 6, xã Cư Króa (huyện M'Đrắk).
Vườn vải của anh Phan Văn Mẫn ở thôn 6, xã Cư Króa (huyện M'Đrắk).

Ông Nguyễn Đăng Hưng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Króa cho biết, thu nhập của người dân địa phương chủ yếu dựa vào trồng rừng và hoa màu. Để người dân thuận lợi trong sản xuất, xã đã hỗ trợ vốn, mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo… giúp người dân nắm vững kỹ thuật chăm sóc. Ngoài ra, địa phương là xã vùng III, được hỗ trợ từ Chương trình 30a nên người dân được cấp nhiều giống cây ăn quả và phân bón. Riêng năm 2019, xã được cấp 900 cây vải U hồng, 1.000 cây nhãn Hương chi, 595 cây sầu riêng Dona và vôi, phân bón các loại. Nhờ đó đã tiếp thêm động lực giúp người dân đầu tư sản xuất, góp phần vào việc chuyển đổi cây trồng của địa phương.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.