Multimedia Đọc Báo in

Xử lý ra hoa trái vụ cho thanh long bằng bóng đèn CFL-20W NNR660

08:05, 19/03/2020

Từ đầu năm 2017, Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột liên kết với Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông triển khai chuyên đề “Xử lý ra hoa trái vụ cho cây thanh long bằng bóng đèn chuyên dụng CFL-20W NNR660 tại TP. Buôn Ma Thuột”. Qua 3 năm triển khai, mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Hiện nay gần 100% hộ trồng thanh long tại TP. Buôn Ma Thuột đã áp dụng bóng đèn chuyên dụng CFL-20W NNR660 (thay thế bóng đèn sợi 75 Watt trước kia) để kích thích cây ra hoa trái vụ. Mô hình này đã giúp giảm hơn 60% điện năng và tăng hơn 10% năng suất cây trồng.

TP. Buôn Ma Thuột hiện có hơn 100 ha thanh long đang thời kỳ kinh doanh tại xã Cư Êbur (tổng diện tích gần 130 ha), mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn sản phẩm tươi. Trong đó, riêng thanh long thu hoạch trái vụ trong mùa khô chiếm 50% tổng sản lượng thanh long thu hoạch cả năm của địa phương. Nếu như vào chính vụ, cây cho quả chín tập trung, thu hoạch dồn dập (rộ nhất từ tháng 5 tới tháng 8) khiến dễ bị ứ đọng do thị trường chưa kịp tiêu thụ thì ngược lại khi kích thích ra hoa trái vụ, nông dân “buộc” thanh long cho quả theo ý muốn về thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế tối đa vấn đề rớt giá sản phẩm.

Vườn thanh long sử dụng bóng đèn CFL - 20W NNR660 của chị Trần Thị Xuân Đào (xã Cư Êbur).
Vườn thanh long sử dụng bóng đèn CFL - 20W NNR660 của chị Trần Thị Xuân Đào (xã Cư Êbur).

Mỗi năm nông dân sử dụng ánh sáng từ điện năng để kích thích ra hoa hai đợt, đợt một bắt đầu kích điện từ tháng 9 trở đi, đợt hai từ tháng 2 đến tháng 3 năm sau. Mỗi đợt sử dụng điện từ 18 đến 20 đêm, mỗi đêm từ 7 - 9 giờ. Mỗi héc-ta sử dụng hơn 1.000 bóng đèn chuyên dụng với khoảng cách mắc bóng 3 m x 3 m giữa ngã tư của các hàng thanh long. Sau khi khai thác sản lượng thanh long, nông dân phải đáp ứng các yếu tố cần thiết theo nhu cầu sinh trưởng để cây tiếp tục cho quả và cây phát triển bền vững.

Qua kinh nghiệm, nắm bắt được khoảng thời gian từ khi kích điện đến khi ra hoa và đậu quả, người sản xuất đã chọn các thời điểm kích thích thanh long ra hoa theo phương thức “cuốn chiếu” cùng với việc bổ sung dinh dưỡng kịp thời, tạo ra các sản phẩm mẫu mã đẹp đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt “nắn” thời gian thu hoạch rơi vào các ngày lễ, tết, rằm, mồng một…

Nhờ vậy, thanh long trái vụ thu hoạch tới đâu đều được tiểu thương thu gom xuất bán ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc, còn một số ít cung cấp tại chợ trung tâm, không có tình trạng ứ đọng hàng. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi một số sản phẩm trái cây (đặc biệt là dưa hấu) bị tồn đọng thì sản phẩm thanh long tại TP. Buôn Ma Thuột vẫn duy trì mức giá bán tại vườn bình quân 15.000 – 18.000 đồng/kg.

Thu hoạch thanh long trái vụ tại xã Cư Êbur.
Thu hoạch thanh long trái vụ tại xã Cư Êbur.

Theo thống kê, doanh thu bình quân của các hộ trồng thanh long đạt từ 250 đến hơn 300 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 180 đến hơn 200 triệu đồng/ha. Hiện TP. Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho thanh long tại xã Cư Êbur để liên kết đầu ra nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.