Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp thành công với cam ruột đỏ

16:20, 24/09/2020

Mạnh dạn phá bỏ 7 sào cà phê, tiêu già cỗi của gia đình để chuyển sang trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ, nhờ chăm chỉ lao động và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, những nỗ lực của anh Hà Ngọc Quang (29 tuổi, thôn 86, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đã được đền đáp bằng những mùa quả ngọt.

Tốt nghiệp đại học ngành Điện tử viễn thông vào năm 2013, trong quá trình công tác tại các công ty, anh Quang dành thời gian tìm hiểu thêm các mô hình phát triển kinh tế mang hiệu quả cao qua sách báo, Internet và nuôi ý định khởi nghiệp từ trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ. Trong một lần đến thăm trang trại giống cây trồng ở Lâm Đồng, anh Quang bị thu hút bởi vườn cây ăn trái sum suê, đặc biệt là cây cam ruột đỏ nên đã mua về trồng thử nghiệm. Khi đem loại cam lạ trồng trên vùng đất Ea Tiêu, ai cũng cho rằng quá mạo hiểm. Tuy nhiên, anh Quang quyết bỏ ngoài tai những định kiến.

Nhận thấy việc trồng cây theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, anh quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất. Không ngại thử nghiệm những kỹ thuật mới, năm 2017, anh Quang mạnh dạn phá bỏ 7 sào cà phê, tiêu già cỗi của gia đình, cải tạo đất trồng rồi đưa các giống cam sành, cam xoàn, cam ruột đỏ và bưởi da xanh vào trồng thay thế. Với những kiến thức có được từ ngành học, anh Quang lập trình chi tiết bảng theo dõi tiến trình nuôi trồng, sinh trưởng, phát triển của cây theo từng giai đoạn. Dựa theo đó, đánh giá và so sánh tốc độ phát triển, dự tính thời điểm ra hoa, kết quả của cây phù hợp với điều kiện thời tiết, từ đó rút ra kinh nghiệm chăm sóc dựa theo bảng phân tích đánh giá qua các năm.

Anh Quang cho hay, cam ruột đỏ hay còn gọi là cam cara có nguồn gốc từ Úc, quả hình cầu dài, vỏ trái dày, trọng lượng trung bình 200g/trái. Vỏ trái khi chín chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng, màu da cam, nhẵn bóng, ruột có màu đỏ, ít hạt hoặc không có hạt. Cam ruột đỏ có vị ngọt dịu pha chút vị chua nhẹ, thơm hương bưởi, đặc biệt hàm lượng vitamin C trong cam ruột đỏ lớn hơn rất nhiều so với các loại cam khác.

Anh Hà Ngọc Quang (bên trái) trong vườn cam cara ruột đỏ của gia đình.
Anh Hà Ngọc Quang (bên trái) trong vườn cam cara ruột đỏ của gia đình.

Giống cam ruột đỏ có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, ít tốn công chăm sóc, khả năng sinh trưởng tốt. Phương pháp chăm sóc của anh Quang là ưu tiên yếu tố an toàn, hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học trên cây. Cây được bón chủ yếu là phân chuồng ủ mục và tưới đủ nước. Khi cây có biểu hiện bị sâu bệnh thì dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

Hiện tại anh Quang đang trồng xen khoảng 800 cây cam ruột đỏ, cam xoàn, cam sành và bưởi da xanh. Nhờ chăm sóc tốt, cam cho năng suất trung bình từ 10 - 25 kg/cây/vụ. Với giá cam hiện tại dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg cam xoàn, 17.000 - 20.000/kg cam sành, 80.000 đồng/kg cam ruột đỏ, sau khi trừ các chi phí đầu tư, anh Quang thu lợi nhuận 150 triệu đồng/năm. Đặc biệt, nhờ có màu sắc bắt mắt, hương vị lạ, giá cả cạnh tranh nên cam ruột đỏ của anh luôn trong tình trạng “cháy” hàng.

Sau thành công từ việc chuyển đổi cây trồng cho thu nhập ổn định, anh Quang dự định sẽ tăng diện tích trồng cam ruột đỏ và tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật ghép cành, nhân giống để vừa có thể đáp ứng nhu cầu thị trường về cam thương phẩm và cung ứng cây giống cho người dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Lưu Tuệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin, mô hình trồng cam ruột đỏ theo hướng hữu cơ của anh Hà Ngọc Quang đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân địa phương. Đây là hướng canh tác bền vững, mang lại thu nhập ổn định và đảm bảo an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.