Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn nghề thợ hồ

10:59, 29/11/2015

Khuân vác, leo trèo, dầm mưa, dãi nắng… là sự vất vả, nặng nhọc của những người thợ hồ làm việc tại các công trình xây dựng. Dẫu vậy, họ vẫn cần mẫn hoàn thành công việc của mình không chỉ vì gánh nặng mưu sinh mà còn góp phần làm đẹp cho đời.

Với tốc độ đô thị hóa và nhu cầu xây dựng, chỉnh trang nhà cửa ngày càng cao đã tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho những người “có duyên” gắn bó với nghề thợ hồ. Có thâm niên gần 15 năm trong nghề, ông Trần Văn Hùng (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) không thể nhớ nổi mình đã góp công xây dựng nên bao nhiêu căn nhà, công trình, trường học. Cứ có việc là đi, nay công trình này, mai vùng đất khác, mặt mày luôn lấm lem vì bụi đất đá, xi măng, xung quanh là tiếng máy khoan, máy trộn bê tông ồn ào nhưng lâu dần cũng thành quen. Gặp ông Hùng ở một công trình xây dựng, vừa nhanh tay trộn hồ, khuân gạch, ông dốc lòng: “Trước đây, tôi đi làm thuê cho người ta, ai kêu gì làm đó nhưng công việc không ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Lúc ấy, ông chủ thầu trong xóm nhận được công trình lớn, cần thêm người nên tôi xin đi làm luôn, ngày càng có kinh nghiệm và được trả công cao hơn. Biết nghề này vất vả, nặng nhọc, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng cũng phải ráng làm để lo cho con cái ăn học”. Ở một góc khác, anh Nguyễn Viết Tuấn đang lau vội những giọt mồ hôi trên trán. Quê anh ở Nghệ An nhưng ruộng ít, đông con lo ăn học nên những tháng cuối năm lại vào tận Đắk Lắk hái cà phê thuê. Sau này gặp được chủ thầu cần người phụ hồ, công việc khá ổn định nên anh bán ruộng vườn, đưa cả gia đình vào đây lập nghiệp. Anh Tuấn chia sẻ: “Vợ chồng tôi vào đây tuy vất vả nhưng chịu khó thì lúc nào cũng có việc để làm chứ ở quê thì hết vụ cấy là chơi dài, cuộc sống khó khăn lắm. Công việc phụ hồ gần như phải làm việc cả ngày ngoài trời để xúc cát, trộn vữa, bê gạch, đào đất... chạy việc cho thợ cả, nhiều khi mệt bở hơi tai nhưng mình là con nhà nông nên làm mãi cũng quen. Mỗi ngày tôi được trả 170.000 đồng tiền công, chi tiêu tiết kiệm cũng vừa đủ lo cho con”.

Những người thợ hồ đang khẩn trương hoàn thành một công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Những người thợ hồ đang khẩn trương hoàn thành một công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh những thợ phụ, chỉ biết “yên phận” với nghề thì có nhiều trường hợp đã chịu khó học hỏi vươn lên trở thành thợ chính, có tay nghề cao, cộng thêm khả năng tính toán nên mạnh dạn đứng ra nhận thầu các công trình. Ban đầu, họ chỉ có thể nhận xây dựng nhà cấp IV, tường rào, chuồng trại chăn nuôi, nhà kho… rồi dần dần nhận cả những công trình nhà cấp II, cấp III, trường học, trạm y tế… Chẳng hạn như anh Nguyễn Văn Kiều (tổ dân phố 7, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). Tính đến nay, anh đã có gần 20 năm lăn lộn với nghề, cũng kiếm được ít vốn mua đất, xây dựng nhà cửa, chăm lo cho vợ con nhưng mỗi khi kể về nghề thợ hồ, anh không khỏi chạnh lòng: “Nghề này nhiều khi cũng bạc, chỉ cần anh em sơ sẩy để xảy ra tai nạn lao động là chủ thầu lại “đau đầu”, vừa lo tiền chạy chữa thuốc men, vừa lo mất uy tín sẽ khó nhận thầu các công trình khác thì cả đội đều thất nghiệp”.

Nghề thợ hồ thường thích hợp hơn với nam giới nhưng bây giờ nhiều phụ nữ chân yếu tay mềm cũng đã tham gia. Các chị cũng vác từng bao xi măng, xúc cát, trộn hồ, đưa gạch luôn tay luôn chân. Một số chị chăm chỉ, sáng ý dần “ăn cắp” được nghề và trở thành thợ chính, biết xây, tô tường, đúc trụ. Vừa tô xong một mảng tường, chị Nguyễn Thị Phượng nghỉ tay uống vội ly nước, nói: “Trước đây, chồng mình là thợ chính, cũng nhận thầu một vài công trình nhưng do tính toán không kỹ lưỡng, lại hay ăn nhậu nên thua lỗ, phải “giải nghệ”. Để có tiền trang trải cuộc sống, mình đành xin đi phụ hồ, làm miết giờ cũng biết xây nên lên được thợ chính. Phụ nữ làm nghề này quanh năm suốt tháng chỉ biết đến cát, đá, xi măng, nhan sắc nhanh phai tàn lắm, ai cũng già trước tuổi cả”. Hiện tại, một phụ hồ mới vào nghề được trả công khoảng 100.000-150.000 đồng/ngày, thợ khá hơn thì khoảng 160.000-180.000 đồng/ngày, còn thợ giỏi thì từ 200.000 đồng/ngày trở lên. Không chỉ vất vả, nặng nhọc mà người làm nghề thợ hồ còn phải thường xuyên đối mặt với những rủi ro có thể xảy ra vì chưa được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động chuyên dụng. Chuyện đứt tay, dập chân, trầy xước là bình thường, nhiều người còn bị tàn phế, mất sức lao động, thậm chí mất cả mạng sống nhưng ít khi được hưởng những chế độ như nhiều ngành, nghề khác bởi họ chủ yếu là lao động tự do.

Nhọc nhằn, vất vả là thế, nhưng những người thợ hồ vẫn ngày ngày miệt mài lao động để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Mỗi công trình được xây dựng lên, mỗi ngôi nhà được khánh thành đều thấm đẫm mồ hôi của những người thợ. Và đối với họ, việc được đóng góp sức lao động chân chính của mình kiến tạo nên những công trình làm đẹp cho đời là niềm vui và sự tự hào như câu hát “Bạn đời ơi, bạn có nghe chăng niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới mà chúng tôi vừa xây xong…”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


Trang trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về nước
Ngày 22/5, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trang trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia