Multimedia Đọc Báo in

Tảo hôn, sinh đông con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện M'Đrắk: Bài toán khó chưa có lời giải

08:34, 05/06/2018

Trong thời gian qua, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) nhưng tình trạng tảo hôn, sinh đông con vẫn diễn ra phổ biến ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện M’Đrắk.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện M'Đrắk đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện tư vấn và hỗ trợ cấy ghép que cấy tránh thai miễn phí cho 20 phụ nữ có tuổi đời từ 15-49 tuổi (có từ 2 con trở lên) thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo tại 13 xã, thị trấn; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp xây dựng và duy trì 35 câu lạc bộ (CLB) "Không sinh con thứ 3", "Gia đình hạnh phúc", CLB "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan". Bên cạnh đó, ban dân số - KHHGĐ các xã, thị trấn đã tổ chức được 218 buổi họp nhóm về vấn đề tảo hôn và không sinh con thứ 3 trở lên, thu hút 3.834 chị em tham gia; tổ chức tư vấn tại hộ cho 919 gia đình về kiến thức chăm sóc thai kỳ, phòng chống lây nhiễm qua đường tình dục, các bệnh lý liên quan đến đường sinh sản của phụ nữ, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh…; vận động được 9.439 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại...

Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và sinh đông con tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện M'Đrắk trong những tháng đầu năm 2018 vẫn có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, trong quý I, toàn huyện có 11 cặp vợ chồng tảo hôn/78 cặp kết hôn, tập trung tại các xã Cư San (7 trường hợp), Ea Trang (4 trường hợp), tăng 110% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, trong tổng số 270 trẻ được sinh ra trên địa bàn huyện trong quý I, có 41 trẻ là con thứ 3 trở lên.

Thào Thị Chung (thôn 7,  xã Cư San) và những đứa con  của mình.
Thào Thị Chung (thôn 7, xã Cư San) và những đứa con của mình.

Hệ lụy của tảo hôn và sinh đông con dễ thấy là khiến cho nhiều người mất đi cơ hội học tập, làm việc và tác động đến các vấn đề kinh tế - xã hội khác, tạo thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Như trường hợp em Thào Thị Chung (thôn 7, xã Cư San) lấy chồng từ năm 16 tuổi khi các bạn cùng tuổi vẫn đang cắp sách đến trường; chồng Chung cũng bằng tuổi và sinh sống cùng thôn. Một năm sau, vợ chồng Chung có con đầu lòng và đứa trẻ phải đợi suốt mấy năm liền để mẹ đủ tuổi thì mới được làm giấy khai sinh. Năm nay 27 tuổi, Chung đã có tới 4 đứa con nheo nhóc, đứa lớn 10 tuổi đứa nhỏ gần 3 tuổi. Chung tâm sự: "Do hoàn cảnh quá khó khăn, hiện chồng em phải đi kiếm việc làm ở xa, một mình em phải lo mọi chuyện trong gia đình, con cái. Nhiều lúc nghĩ lại thấy mình khổ vì lấy chồng sớm quá".

Theo bà Đỗ Thị Châu, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện M'Đrắk, ngăn chặn tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên là một “bài toán” khó mà các ngành chức năng và chính quyền các cấp huyện M'Đrắk vẫn đang loay hoay tìm lời giải. Huyện M’Đrắk có hơn 46% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu sống bằng nghề nông, tập quán lạc hậu, các hủ tục vẫn còn tồn tại, trình độ dân trí còn hạn chế, chưa am hiểu pháp luật. Toàn huyện hiện có 176 cộng tác viên (CTV) dân số, là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông về dân số - KHHGĐ ở cộng đồng; tuy nhiên, mức thù lao dành cho công sức họ bỏ ra lại không tương xứng. Hằng tháng, mỗi CTV dân số chỉ được hưởng phụ cấp 150.000 đồng đối với CTV hoạt động tại các xã vùng 3 và 100.000 đồng đối với khu vực 2 và thị trấn (từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh). Một nguyên nhân nữa là việc xử phạt đối với các trường hợp tảo hôn còn mang tính hình thức, chiếu lệ, chưa đủ sức răn đe; thêm nữa, nhiều gia đình vẫn còn lơi lỏng, không quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm con em mình…

Theo chị Triệu Thị Nái, cán bộ chuyên trách dân số xã Cư San có hơn 10 năm kinh nghiệm làm công tác dân số cho biết, muốn từng bước đẩy lùi tình trạng tảo hôn và sinh đông con tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, các cấp chính quyền, các đoàn thể cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về dân số - KHHGĐ; hệ lụy của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh đông con. Ngoài ra, cần phải có biện pháp xử phạt, răn đe kịp thời một số trường hợp tảo hôn; đồng thời biểu dương những dòng họ và những gia đình đã thực hiện tốt Luật Hôn nhân gia đình, có con cái không tảo hôn hoặc kết hôn cận huyết thống, không sinh đông con…

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.