Multimedia Đọc Báo in

"Điểm tựa" cho nạn nhân chất độc da cam

09:12, 26/08/2018
Với nhiều hoạt động thiết thực, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCĐDC/Dioxin) huyện Krông Búk đã trở thành “điểm tựa” giúp các nạn nhân vơi bớt phần nào khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
 
Do bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, chị Dương Thị Bình (SN 1981, ở thôn 5, xã Tân Lập) đã bị thiểu năng trí tuệ ngay từ khi mới sinh, không còn khả năng chăm sóc bản thân. Khi bố và mẹ lần lượt qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo, chị gái Dương Thị Lan (SN 1976) đã nguyện không lập gia đình, ở vậy bươn chải nuôi em.
 
Năm 2013, Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Krông Búk đã tặng hai chị em một sổ tiết kiệm trị giá 3 triệu đồng, đến đầu năm 2018 tiếp tục hỗ trợ 10 triệu đồng mua bò. Để có vốn đối ứng, chị Lan đã rút sổ tiết kiệm được 4,5 triệu đồng thêm vào mua 1 con bò sinh sản trị giá 14,5 triệu đồng. Niềm vui như được nhân lên bởi chỉ vài ngày sau, bò mẹ đã sinh thêm được 1 bê con. “Hai chị em cũng có một mảnh vườn nhỏ bố mẹ để lại, muốn phát triển thêm chăn nuôi tăng thu nhập nhưng không có vốn. Nhờ được sự tiếp sức của Hội, đến nay gia đình đã có 2 con bò và chỉ sau 2 tháng nữa sẽ có thêm 1 bê con. Đây là một tài sản lớn để hai chị em vượt qua lúc ốm đau, ngặt nghèo trong cuộc sống”, chị Lan trải lòng.
 
Gia đình chị Dương Thị Bình (thôn 5, xã Tân Lập) phát triển chăn nuôi bò từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Krông Búk.
Gia đình chị Dương Thị Bình (thôn 5, xã Tân Lập) phát triển chăn nuôi bò từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Krông Búk.
Sau gần 9 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Trung, ông Nguyễn Xuân Cừ (hiện ở thôn 8A, xã Pơng Drang) đã bị nhiễm chất độc da cam và ảnh hưởng sang người con trai đầu Nguyễn Văn Thái. Mặc dù năm nay đã 44 tuổi nhưng anh Thái thường xuyên lên cơn động kinh, những sinh hoạt thường ngày vẫn cần bàn tay chăm sóc của mẹ. Vợ chồng ông Cừ ngày càng cao tuổi, mọi chi tiêu sinh hoạt trông cả vào 2 sào cà phê, tiêu. Sẻ chia khó khăn đó, năm 2014, Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Krông Búk đã tặng một sổ tiết kiệm trị giá 4 triệu đồng, đồng thời vận động Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng nhà Tình nghĩa, giúp gia đình có chỗ ở tươm tất hơn.
 
Huyện Krông Búk hiện có 218 người bị ảnh hưởng chất độc da cam, trong đó có 45 người đã được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Hầu hết những gia đình có người nhiễm chất độc da cam đều có hoàn cảnh khó khăn do ốm đau, bệnh tật. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về thảm họa chất độc da cam, Hội NNCĐDC/Dioxin huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện khảo sát, thống kê tình hình nạn nhân trên toàn huyện, tiến hành khảo sát, thẩm định lại các trường hợp dân thường nghi bị nhiễm chất độc da cam nhằm hướng dẫn các đối tượng lập hồ sơ đề nghị hưởng chế độ trợ cấp.
 
Gia đình ông Nguyễn Xuân Cừ (thôn 8A, xã Pơng Drang) được đại diện Hội đến thăm, tặng quà nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10-8.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Cừ (thôn 8A, xã Pơng Drang) được đại diện Hội đến thăm, tặng quà nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10-8.
Bên cạnh đó, huyện Hội và 4 cơ sở hội trên địa bàn đã tích cực vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trong và ngoài huyện chung tay đóng góp nhằm chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Ông Lương Văn Sâm, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Krông Búk tâm sự, tuy những món quà, nguồn lực trợ giúp của Hội chưa nhiều so với những khó khăn mà các nạn nhân và gia đình đã và đang phải gánh chịu nhưng đã giúp họ cảm thấy ấm lòng trước sự quan tâm, sẻ chia của xã hội.
 
Với phương châm “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam”, thời gian tới, Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Krông Búk sẽ tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở để vận động, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ xây dựng quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, trợ giúp các nạn nhân trong cuộc sống.
 
Từ năm 2013 đến nay, Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Krông Búk đã vận động trên 500 triệu đồng, cùng với nguồn kinh phí phân bổ của tỉnh Hội để tổ chức thăm hỏi, động viên và trao quà cho nạn nhân vào các dịp lễ, Tết; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 8 căn nhà, trao tặng 8 sổ tiết kiệm, mua 60 thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ giống vật nuôi cho các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
 
Yến Ngọc
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.