Multimedia Đọc Báo in

Dang rộng vòng tay nhân ái

09:00, 26/08/2018
Với vai trò, trách nhiệm của mình, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam /Dioxin (NNCĐDC/Dioxin) tỉnh đã trở thành “cầu nối” gắn kết tấm lòng nhân ái của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
 
Những món quà ý nghĩa
 
Năm 1972, ông Ngô Xuân Phái (SN 1949) nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường B và trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1984, ông xuất ngũ, chuyển ngành về công tác ở địa phương và hiện sinh sống ở thôn 13, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk. Dù gặp muôn vàn gian khó nhưng hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn lo cho các con, nào ngờ gia đình phải gánh chịu nỗi đau da cam. Không chỉ bản thân ông là nạn nhân của chất độc hóa học mà 3 trong số 4 người con cũng gánh chịu nỗi đau này. Người con thứ 2 chết khi chưa tròn 1 tuổi, con gái thứ 3 và con trai thứ 4 sinh ra đã bị dị dạng bị tật nặng, mọi sinh hoạt đều cần bàn tay chăm sóc của mẹ. Thương con, vợ chồng ông vay mượn tiền đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng vô vọng, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Chia sẻ nỗi đau và khó khăn đó, năm 2011, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh và huyện hỗ trợ gia đình ông 40 triệu đồng xây dựng nhà Tình nghĩa. “Không chỉ hỗ trợ làm nhà, Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp và chính quyền, đoàn thể địa phương còn trao tặng xe lăn, xe máy điện, thường xuyên đến động viên, thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết. Tình cảm và sự sẻ chia đó là động lực để gia đình tôi vượt qua nghịch cảnh”, ông Phái bộc bạch.
 
Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp thăm hỏi tình hình đời sống của mẹ con chị Nguyễn Thị Nguyệt (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).
Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp thăm hỏi tình hình đời sống của mẹ con chị Nguyễn Thị Nguyệt (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).
Do di chứng chất độc da cam từ bố, từ khi sinh ra, chị Nguyễn Thị Nguyệt (hiện ở thôn 2, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã bị khoèo tay, chân, đi đứng khó khăn, sức khỏe yếu. Sau khi bố qua đời năm 2006, các anh chị em lập gia đình ở riêng, chị Nguyệt chỉ biết nương tựa vào người mẹ già yếu. Sau khi rà soát, năm 2012, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đã hỗ trợ mẹ con chị 40 triệu đồng, anh em dòng họ cho vay mượn thêm để xây dựng căn nhà Tình nghĩa, có nơi ở khang trang hơn.
 
Sau 8 năm tham gia chiến đấu ở các chiến trường Đường 9-Nam Lào, Quảng Nam, ông Ngô Xuân Lượng (SN 1962, hiện ở thôn Kty 4, xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) xuất ngũ với nhiều vết thương trên người và là thương binh hạng 4/4. Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, tuổi cao sức yếu, các vết thương càng đau nhói khi trái gió trở trời khiến ông không thể đi lại được. Vợ qua đời cách đây 3 năm, mọi sinh hoạt của ông đều nhờ vào vợ chồng con trai thứ 3. Nhân Tháng hành động Vì nạn nhân chất độc da cam năm 2018, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đã trao tặng ông 1 chiếc xe lăn trị giá 7 triệu đồng. 
 
Lan tỏa tấm lòng nhân ái
 
Theo thống kê của Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 5.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 110 cháu là nạn nhân thế hệ thứ ba. Hầu hết những gia đình có 2 nạn nhân chất độc da cam trở lên đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người bản thân cũng bị bệnh tật dày vò nhưng vẫn phải tất tả ngược xuôi để nuôi những đứa con ốm yếu, dị dạng nên mãi luẩn quẩn trong nghèo đói, bệnh tật.
 
Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh và huyện Krông Búk trao tặng xe lăn cho thương binh Ngô Xuân Lượng  (xã Cư Kpô, huyện Krông Búk).
Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh và huyện Krông Búk trao tặng xe lăn cho thương binh Ngô Xuân Lượng (xã Cư Kpô, huyện Krông Búk).
Để chia sẻ nỗi đau đó, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thành lập Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp với 2.867 hội viên. Thông qua Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp, từ năm 2010 đến nay, các tổ chức chính trị -  xã hội, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, ủng hộ quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam trên 9,4 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ huy động được, những năm qua, Hội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 70 căn nhà Tình nghĩa cho nạn nhân da cam với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối tượng trị giá gần 4 tỷ đồng; trao học bổng, xe lăn, dụng cụ trợ giúp, sổ tiết kiệm, trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ vốn sản xuất cho hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ của Hội và các tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể, địa phương cùng với sự nỗ lực, vượt khó vươn lên, cuộc sống của gia đình các nạn nhân dần được cải thiện.
 
“Trên thực tế, số đối tượng NNCĐDC được giúp đỡ, thụ hưởng còn quá ít so với khó khăn mà họ đang gặp phải. Vì vậy, Thường trực Tỉnh Hội rất mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, đơn vị, cá nhân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quan tâm, tạo điều kiện đối với hoạt động của Hội, tích cực đóng góp, ủng hộ quỹ nhằm chăm lo tốt hơn cho các nạn nhân. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là tình cảm và trách nhiệm của toàn xã hội” – ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh.
 
Nguyễn Xuân
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.