Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Dấu ấn xã hội hóa trong các hoạt động hè

08:04, 29/08/2019

Điểm lại các hoạt động dành cho thanh, thiếu niên nổi bật cấp xã, phường tại TP. Buôn Ma Thuột trong dịp hè vừa qua có thể nhận thấy rõ sự đầu tư cả về chất lượng và số lượng. Những hoạt động đó không chỉ mang lại sân chơi mà còn là môi trường rèn luyện kiến thức xã hội, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Đóng góp vào thành công của chuỗi hoạt động hè sôi động, bổ ích, lý thú có vai trò không nhỏ của công tác xã hội hóa.

Dịp hè năm 2019, Đoàn các xã, phường tiếp nhận gần 10 nghìn học sinh, sinh viên về sinh hoạt tại địa phương. Với kinh nghiệm tổ chức hoạt động hè những năm qua, các địa phương đều chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, chủ đề, chủ điểm hoạt động, đảm bảo môi trường tốt cho các em được trải nghiệm và phát huy năng lực bản thân. Đặc biệt, để hoạt động hè ngày càng đáp ứng được kỳ vọng của học sinh và phụ huynh, Đoàn các xã, phường đều tiến hành khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của các em để thiết kế chương trình phù hợp, chú trọng hướng dẫn những kỹ năng mềm đang được xã hội quan tâm như kỹ năng thoát hiểm, phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống đuối nước... Cuối đợt sinh hoạt hè, các em được tham gia hội trại như một đợt thực hành, ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong suốt mùa hè.

Hội trại kỹ năng phường Thống Nhất thu hút gần 100 thanh thiếu niên tham gia.
Hội trại kỹ năng phường Thống Nhất thu hút gần 100 thanh thiếu niên tham gia.

Hoạt động nhiều, nội dung đổi mới liên tục, trong khi đó, mỗi xã phường chỉ được cấp kinh phí từ ngân sách ở mức 2 triệu đồng cho cả đợt sinh hoạt kéo dài từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8. Kinh phí này chỉ đủ để tổ chức 2 – 3 hoạt động hằng tuần, chưa kể đến các hoạt động lớn như giải bóng đá, hội thi văn nghệ, hội trại kỹ năng... Chính vì vậy, mỗi địa phương đều tích cực vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng đồng hành, chung tay chăm lo cho thanh, thiếu niên như: tài trợ về địa điểm, trang phục, dụng cụ, giải thưởng..., hoặc cùng tham gia hướng dẫn, huấn luyện kiến thức, kỹ năng cho các em theo đặc thù công việc của mỗi người.

Tại phường Thống Nhất, tổng kinh phí tổ chức các hoạt động hè năm nay lên đến 70 triệu đồng. Trong đó, Đoàn phường tổ chức 8 lớp kỹ năng hằng tuần, huy động sự hỗ trợ về nhân lực từ Trung tâm Giáo dục toàn diện, Câu lạc bộ FT47 và thầy cô giáo tại các trường học. Nhờ đó, kinh phí tổ chức mỗi lớp kỹ năng chỉ khoảng 500 nghìn đồng, chủ yếu phục vụ nước uống và vật liệu thực hành cho các em.

Để tổ chức hội trại kỹ năng, Đoàn phường đã huy động đoàn viên, thanh niên chuẩn bị các nội dung trò chơi vận động, trò chơi lớn trong vòng ba ngày, với tổng kinh phí gần 20 triệu đồng. Hội trại được Khu du lịch sinh thái Đồi Trầm hỗ trợ miễn phí về địa điểm tổ chức. Ngoài nhân lực của phường, Đoàn phường còn huy động thêm các huấn luyện viên cấp I, cấp II (Trại huấn luyện Nguyễn Chí Thanh) của Câu lạc bộ Funnygame Team để cùng tham gia hoạt náo, giúp các em tái hiện và thực hành các kỹ năng được học trong suốt dịp hè.

Các em học sinh tham gia phần thi bịt mắt nấu cơm tại Hội trại kỹ năng phường Tự An.
Các em học sinh tham gia phần thi bịt mắt nấu cơm tại Hội trại kỹ năng phường Tự An.

Còn ở xã Hòa Phú, chỉ riêng Giải bóng đá nhi đồng đã sử dụng khoảng 14 triệu đồng cho công tác tổ chức và giải thưởng. Bí thư Đoàn xã Hòa Phú Y Phong Êban chia sẻ, giải bóng đá là hoạt động hè thường niên của xã Hòa Phú và luôn nhận được sự ủng hộ từ các đơn vị, hộ kinh doanh trong việc tài trợ kinh phí giải thưởng. Trong đó có Trung tâm kinh doanh VNPT Đắk Lắk đã hai lần đồng hành cùng xã Hòa Phú để tổ chức giải đấu.

Ngoài ra, đội bóng thiếu niên của mỗi thôn, buôn cũng nhận được sự ủng hộ tích cực cả về vật chất và tinh thần của người dân để khích lệ tinh thần thi đấu của các em. Nhờ đó, giải bóng đá ngày càng tạo được sức lan tỏa, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh trong dịp hè. Ngoài giải bóng đá, hè năm nay xã Hòa Phú còn tổ chức Hội thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ với kinh phí hơn 7 triệu đồng, tặng quà cho thiếu nhi khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng, chủ yếu từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Phó Bí thư Thành Đoàn Vi Thị Kiều Chi cho biết, nhờ huy động tốt các nguồn lực xã hội, hoạt động hè tại TP. Buôn Ma Thuột ngày càng đa dạng, mới mẻ. Số lượng học sinh, sinh viên tham gia sinh hoạt hè tại mỗi địa phương tăng rõ rệt qua từng năm. Thông qua công tác xã hội hóa, các địa phương không chỉ tiết kiệm được ngân sách mà còn thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ Đoàn, mở rộng nguồn nhân lực đóng góp cho phong trào Đoàn và phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo, bồi đắp cho thế hệ trẻ.

Hoạt động hè được các xã phường tổ chức đều đặn hằng tuần với bình quân 15 hoạt động/đơn vị trong hơn 2 tháng. Ngoài các lớp giáo dục truyền thống, rèn luyện kỹ năng, các em còn được phát huy năng khiếu, sở trường qua những hoạt động: dạy nhảy hiện đại, hát múa, vẽ tranh...

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.