Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn động vật hoang dã: Khi nhận thức người dân thay đổi

20:42, 25/04/2020

Cùng với các hoạt động tăng cường kiểm tra việc nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh trái phép động vật hoang dã (ĐVHD), thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ ĐVHD. Qua đó, nhiều người đã mang các cá thể động vật quý hiếm đến giao nộp để thả về môi trường tự nhiên.

Cuối tháng 3 vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiếp nhận 2 cá thể ĐVHD nguy cấp, quý hiếm do người dân tự nguyện giao nộp. 2 cá thể ĐVHD này do ông Bùi Trung Đạt, trú phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) tự nguyện chuyển giao cho Hạt Kiểm lâm TP. Buôn Ma Thuột để tiến hành chăm sóc, cứu hộ, gồm 1 cá thể vượn má hung thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB và 1 cá thể khỉ vàng thuộc danh mục loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. 

Ông Đàng Năng Long (huyện Lắk) chăm sóc những con voi của mình.
Ông Đàng Năng Long (huyện Lắk) chăm sóc những con voi của mình. Ảnh: Vạn Tiếp

Được biết, vào giữa tháng 3-2020, trong một lần đi công việc tại huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), ông Đạt được một người dân cho hai cá thể ĐVHD này trong tình trạng đói và yếu nên mang về nhà nuôi. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu thông tin, ông Đạt đã nhận thức được việc nuôi nhốt động vật hoang dã là trái với quy định của pháp luật, vì vậy ông đã chủ động liên hệ với lực lượng chức năng để giao nộp. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có tờ trình lên UBND tỉnh để thả các cá thể ĐVHD này về môi trường tự nhiên.

Trước đó, vào tháng 5-2019, qua thông tin phản ánh từ người dân về trường hợp hộ ông Hà Văn Quân (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đang nuôi một con chim quý, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm TP. Buôn Ma Thuột (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) kiểm tra và cứu hộ thành công 1 cá thể chim Già đẫy Java (thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB). Được biết, cuối năm 2018, con chim này bay đến hồ cá gia đình ông Quân để kiếm ăn. Do không biết đây là loài ĐVHD quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam và trên thế giới nên gia đình đã bắt và nuôi mà không giao nộp cho cơ quan chức năng. Đến khi lực lượng chức năng tìm đến và được tuyên truyền, giải thích các quy định của pháp luật, gia đình ông Quân đã tự nguyện giao nộp cá thể Già đẫy Java này để cơ quan chức năng cứu hộ, thả về tự nhiên.

Người dân buôn Lê, thị trấn liên Sơn (huyện Lắk) chăm sóc voi nhà .
Người dân buôn Lê, thị trấn liên Sơn (huyện Lắk) chăm sóc voi nhà .

Ông Trần Văn Khoa, Phó Trưởng Phòng Quản lý Bảo vệ rừng – Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: “Những năm gần đây, ý thức bảo vệ ĐVHD trong nhân dân đã được nâng cao rất nhiều. Thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đã có nhiều tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp nhiều loài ĐVHD quý, hiếm như gấu, khỉ, vượn, chim Java, trăn, ba ba… cho cơ quan chức năng. Việc người dân tự nguyện giao nộp ĐVHD để cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên đã và đang góp phần quan trọng vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của toàn xã hội”. Cùng với đó, ngành kiểm lâm cũng đã triển khai nhiều đợt tuần tra, truy quét tại rừng; phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép; tháo gỡ, tiêu hủy hàng nghìn loại bẫy thú... Từ đó, số vụ săn bắt động vật hằng năm giảm đáng kể.

           Kiểm tra  sức khỏe cho chim Già đẫy Java (do người dân giao nộp) trước khi thả về  môi trường  tự nhiên.  (Ảnh do  Chi cục Kiểm lâm tỉnh  cung cấp)
Kiểm tra sức khỏe cho chim Già đẫy Java (do người dân giao nộp) trước khi thả về môi trường tự nhiên. (Ảnh do Chi cục Kiểm lâm tỉnh cung cấp)

Có thể khẳng định, việc bảo tồn các loài ĐVHD, nhất là những động vật đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng đang trở nên vô cùng cấp thiết, không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới. Trong đó, với sự tự nguyện giao nộp hay việc nắm bắt thông tin việc nuôi nhốt ĐVHD trái phép từ nguồn tin báo của nhân dân cho thấy ý thức bảo vệ, bảo tồn ĐVHD trong cộng đồng đã dần được nâng cao. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cũng như là tiền đề hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức của mọi người "nói không với việc sử dụng ÐVHD và các sản phẩm từ ÐVHD"; đồng thời tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến ÐVHD.

Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận và thả về môi trường tự nhiên 1 cá thể trăn và 3 cá thể khỉ thuộc danh mục nhóm IIB do người dân ở huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột tự nguyện giao nộp.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.