Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo từ những “căn lều học chữ”

19:47, 01/12/2012

Trên địa bàn xã Cư Pui và Cư Drăm (huyện Krông Bông) hiện có hơn 20 “căn lều học chữ” do phụ huynh mượn đất của người dân ở xung quanh các Trường THPT Trần Hưng Đạo, Trường THCS Cư Pui và Trường THCS Cư Drăm để dựng lên cho con em mình ở tạm để học.

          Bảy em trong một “Căn lều học chữ”.
Bảy em trong một “Căn lều học chữ”.

Học sinh sống trong các “căn lều học chữ” này chủ yếu là người dân tộc Mông, đến từ các thôn Noh Prông (xã Hòa Phong); Ea Rớt, Ea Lang, Ea Bar (xã Cư Pui); Cư Dhăt, Nao Hoh, Yang Hăn, Ea Hăn (xã Cư Drăm). Vì các em phải đi học xa từ 20-30 km nên phụ huynh đã mượn đất, dựng lều, tạo điều kiện cho các em không phải đi lại vất vả, không phải làm việc gia đình, dành nhiều thời gian cho việc học tập, nhằm nâng cao chất lượng học tập và giảm thiểu tình trạng bỏ học. Tuy nhiên, đa số các căn lều đều thấp, chật chội; mỗi căn lều rộng khoảng 6-10 m2 nhưng có đến 6 - 7 em ở. Sinh hoạt của các em ở đây cũng rất khó khăn: thiếu nước, thiếu củi, thiếu nhà vệ sinh… Đa số các căn lều đều không có bàn ngồi để học; nhiều căn lều không có điện nên thiếu ánh sáng để các em học bài. Em Vàng Thị Mai, học sinh lớp 6D, Trường THCS Cư Drăm – nhà ở Yang Hăn, một trong những thành viên trú ngụ tại “căn lều học chữ” cho biết: “Căn lều của chúng em không có điện nên phải tranh thủ học vào ban ngày; trong phòng không có bàn ghế nên mỗi khi học bài phải nằm xuống sàn nhà để viết”.

Bên cạnh đó, do không có người kiểm tra, hướng dẫn nên việc giữ gìn vệ sinh của các em hết sức bừa bộn: sách vở, quần áo, xoong nồi, chén bát, đồ dùng bị các em vứt lung tung, không ngăn nắp. Chỉ có một số ít học sinh ở những “căn lều học chữ” tận dụng điều kiện thuận lợi về thời gian để học bài, sắp xếp đồ dùng sinh hoạt ngăn nắp, vui chơi giải trí hợp lý. Còn phần lớn các em do không có gia đình quản lý chặt chẽ nên sử dụng thời gian vào việc vui chơi vô bổ, nhiều em dùng thời gian rảnh để ngủ hoặc vào các quán game. Mỗi tuần gia đình cho các em từ 20.000-50.000 đồng để mua thức ăn và những đồ dùng, vật dụng khác. Nhiều em dùng tiền để nạp thẻ điện thoại, chơi điện tử hoặc mua những thứ không cần thiết; còn những bữa ăn của các em thường chỉ có rau, muối và nước sôi để nguội làm canh. Chính vì ăn uống không bảo đảm, thiếu chất nên nhiều em có sức khỏe yếu, thường bị ốm đau, gầy gò. Em Kháng Seo Lèng, học sinh lớp 6B, Trường THCS Cư Pui tâm sự: “Nhà em ở Ea Rớt. Mỗi tuần bố mẹ cho 30.000 đồng để mua thức ăn và mua đồ dùng; có tuần chẳng cho đồng nào nên nhiều bữa chỉ ăn cơm với nước sôi để nguội. Từ đầu năm học đến giờ em chưa mua chút thịt nào; thỉnh thoảng chúng em rủ nhau đi câu cá hoặc đi hái rau về cải thiện bữa ăn. Chỉ có hôm nào về nhà thì được bố mẹ mua cá, thịt cho ăn…”.

Mặt khác, chất lượng học tập của học sinh ở những “căn lều học chữ” cũng rất thấp vì các em không có phương pháp tự học, thiếu tính tự giác, thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình và nhà trường. Thầy Nguyễn Văn Bền, Phó hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui cho biết: “Chất lượng học tập của các em cũng không khá hơn đối với những học sinh ở với gia đình. Tuy có nhiều thời gian nhưng các em dành nhiều cho việc vui chơi, ít tập trung vào việc học; thậm chí nhiều em bị “hổng” kiến thức, lại không biết phương pháp tự học, ham chơi nên lực học yếu…”.

Có được nơi ở gần trường giúp các em có thời gian để học tập tốt, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học. Song nhiều em sau khi ở những “căn lều học chữ” học lực đã đi xuống. Để giúp các em có được nền nếp học tập và sinh hoạt một cách khoa học, hiệu quả, thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư xây dựng những phòng ở theo mô hình bán trú dân nuôi để cải thiện nơi ở cho các em; các bậc phụ huynh và nhà trường thường xuyên phối hợp quan tâm đến các em về vật chất, tinh thần, tạo cho các em một môi trường học tập, sinh hoạt thân thiện, thuận lợi và an toàn.

Tùng Lâm

 


Ý kiến bạn đọc