Multimedia Đọc Báo in

Những học trò với các sáng chế về bảo vệ môi trường

10:34, 17/02/2019

Không chỉ học giỏi, nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh còn tự nghiên cứu, mày mò sáng tạo nên các sản phẩm hữu ích, có thể ứng dụng trong cuộc sống.

Cô học trò sáng tạo để bảo vệ môi trường

Với ước mơ trở thành nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ngay từ nhỏ Nguyễn Hà Châu (học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Khuyến, huyện Ea Kar) đã say mê tìm tòi, sáng tạo ra các mô hình để tiết kiệm nguồn nước.

Ngoài giờ học, Hà Châu thường mày mò với máy móc, ống dẫn nước và cây xanh; những phút thư giãn của cô trò nhỏ này cũng chính là thời gian suy nghĩ tìm ý tưởng mới cho những mô hình tiết kiệm nguồn nước, bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ VI năm học 2017 - 2018 được phát động, em đã đăng ký đề tài và miệt mài nghiên cứu thực hiện ý tưởng về thiết bị tưới tiết kiệm nước. Hằng ngày, sau giờ học chính khóa, Hà Châu lại cặm cụi với chiếc máy cảm ứng độ ẩm đất để thiết lập chương trình; mày mò tự tìm hiểu cách vận hành các thiết bị điện tử.

Nguyễn Hà Châu  (ngoài cùng, bên phải)  nhận giải Ba  tại Cuộc thi  sáng tạo  thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh năm học 2017 – 2018.
Nguyễn Hà Châu (ngoài cùng, bên phải) nhận giải Ba tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh năm học 2017 – 2018.

Sau 4 tháng miệt mài, cô học trò Hà Châu đã chế tạo thành công sản phẩm “Hệ thống tưới nhỏ giọt bằng cảm biến”. Sản phẩm này đã được trao giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ VI năm học 2017 - 2018. Nói về ý tưởng của mình, Hà Châu chia sẻ: “Việc cung cấp nước cho cây trồng sinh trưởng và phát triển rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình tưới nước tưới cho cây, mọi người thường xuyên mắc phải nhiều vấn đề không mong muốn, trong đó có việc tưới quá nhiều nước hoặc quên tưới nước cho cây dẫn đến cây bị chết hoặc phát triển chậm gây khó chịu, lãng phí thời gian, tiền bạc cho người trồng trọt. “Hệ thống tưới nhỏ giọt dùng cảm biến” giúp người trồng cây có thể chủ động trong việc cung cấp nước cho cây, giúp tiết kiệm nguồn nước, thời gian và tiền bạc, có thể áp dụng cho cả những người không có nhiều thời gian và kỹ thuật chăm sóc cây”.

Thầy Nguyễn Tuấn Hiếu, giáo viên dạy môn Tin học tại Trường THCS Nguyễn Khuyến, người trực tiếp hướng dẫn Hà Châu thực hiện ý tưởng trìu mến nhận xét về cô học trò nhỏ của mình: “Hà Châu là học sinh thông minh, có năng khiếu vượt trội trong các môn học khoa học, nhất là môn Tin học. Một khi bắt tay vào làm việc gì, em đều quyết tâm, có trách nhiệm cao và mang lại thành tích tốt. Hệ thống tưới nhỏ giọt dùng cảm biến của em là giải pháp đơn giản, dễ sử dụng mà rất thiết thực và hiệu quả. Giải pháp này giúp những người không có nhiều thời gian và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xanh cũng có thể thực hiện được, đặc biệt là rất tiết kiệm nước”.

Hai anh em người Nùng mê sáng chế

Sản phẩm gạch lát nền được tái chế từ túi ni lông của hai anh em Phạm Mạnh Đình và Phạm Thị Ngọc Diễm (dân tộc Nùng, buôn Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) đã gây ấn tượng mạnh tại các cuộc thi sáng tạo trẻ dành cho sinh viên và sáng tạo khởi nghiệp dành cho học sinh THPT năm 2018.

Ý tưởng xuất phát từ khi Phạm Mạnh Đình còn là học sinh lớp 11 Trường THPT Krông Bông năm học 2015 - 2016. Trên quãng đường đi học hằng ngày, Đình nhìn thấy rất nhiều túi ni lông nóng chảy được đốt từ những bãi rác thải nên nảy ra ý tưởng tái chế túi ni lông thành thảm nhựa để ghép làm nhà siêu nhẹ. Đình trình bày ý tưởng với thầy giáo dạy Vật lý xin thử nghiệm song ý tưởng đó không đủ thuyết phục bởi vì chưa có thông số kỹ thuật nào tin cậy. Lên lớp 12, Đình ở trọ gần một nhà máy xay xát lúa, nhìn thấy vỏ trấu bị đốt bỏ hằng ngày gây ô nhiễm môi trường, vì thế sau khi cơn bão lũ hồi cuối năm 2016 khiến cầu Cư Păm (huyện Krông Bông) bị gãy, một lần nữa em nảy sinh ý tưởng tái chế túi ni lông với trấu thành vật liệu lót mặt cầu. Ý tưởng trên đã được các thầy giáo Trường THPT Krông Bông khuyến khích đồng thời hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho công trình nghiên cứu của Đình. Em còn được chủ Nhà máy cơ khí Tải Hương ở tổ dân phố 5, thị trấn Krông Kmar cho mượn cơ sở và hỗ trợ nguyên vật liệu để em chế tạo máy ép ni lông. Từ đó, Đình đã sản xuất thử nghiệm thành công gạch lót nền từ túi ni lông với trấu. Sản phẩm này đã giúp cậu học trò Phạm Mạnh Đình đoạt giải Ba Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT năm 2017. Cũng năm đó, Đình thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin Trường Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh với số điểm khá cao.

Hai anh em Phạm Mạnh Đình và Phạm Thị Ngọc Diễm.
Hai anh em Phạm Mạnh Đình và Phạm Thị Ngọc Diễm.

Trong thời gian học đại học, ý tưởng sáng tạo của Đình được Vũ Văn Dương - một sinh viên khoa Công nghệ kỹ thuật xây dựng cùng chia sẻ và được Tiến sĩ Lê Anh Thắng, giảng viên khoa Công nghệ kỹ thuật xây dựng hướng dẫn thực hiện. Sau 2 tháng miệt mài nghiên cứu với 60 mẫu thử nghiệm, hai chàng sinh viên đã chế tạo thành công gạch lót vỉa hè bằng nhựa ni lông tái chế với cát. Sản phẩm liên tiếp được nhận nhiều giải thưởng của Bộ GD-ĐT và Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh: Giải Khuyến khích Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 20; giải Nhì Sáng tạo trẻ giao thông xanh; Huy chương Vàng giải thưởng thiết kế chế tạo ứng dụng lần thứ 6…

Cô em gái Phạm Thị Ngọc Diễm của Đình hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT Krông Bông cũng có niềm say mê sáng tạo không kém anh trai. Không chỉ là học sinh khá, giỏi, Diễm còn dành thời gian nghiên cứu, mày mò khoa học công nghệ. Với sự hướng dẫn của anh trai và thầy cô giáo, Diễm đã sáng tạo ra vật liệu CPS (loại vật liệu siêu nhẹ, bền và mang tính bảo vệ môi trường kết hợp từ composite, nhựa và cát). Sản phẩm của Diễm đã đoạt giải Nhất về khoa học vật liệu và Giải thưởng Sáng tạo khởi nghiệp năm 2018 dành cho học sinh THPT do Sở GD-ĐT tổ chức. Hiện Diễm đang tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu sản phẩm để tham gia kỳ thi quốc gia được tổ chức vào tháng 3-2019.

Bình Nguyên - Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.