Multimedia Đọc Báo in

Đôi điều cảm nhận qua Hội thi Văn nghệ truyền thống ngành GD-ĐT

08:33, 01/12/2019

Hội thi Văn nghệ truyền thống năm 2019 của ngành GD-ĐT tổ chức vừa qua dành cho  giáo viên của hai khối Phòng Giáo dục và các trường THPT trên địa bàn tỉnh quy tụ sự tham gia của 64 đơn vị với 217 tiết mục.

Hát về nghề vẫn là nội dung được các đơn vị lựa chọn nhiều nhất. Và tất nhiên là không thể thiếu các tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc, quê hương, những ca khúc cách mạng, dân gian, hát múa về tình yêu tuổi trẻ… Dù quy định của hội thi chỉ giới hạn trong 25 phút, nghĩa là chỉ từ 3-5 tiết mục, vẫn có những chủ đề được lựa chọn để chuyển tải, như: “Tự hào nhà giáo Việt Nam” của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, “Thắp sáng niềm tin” của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh, hay “Âm vang Tổ quốc Việt Nam” của Trường THPT Cư M’gar… Sự lựa chọn chủ đề giúp cho chương trình chuyên sâu hơn, không bị tản mạn về nội dung, cũng như lựa chọn đúng loại hình nghệ thuật để thể hiện.

Tại hội thi xuất hiện rất nhiều giọng đơn ca đẹp, như tiết mục “Tổ quốc gọi tên mình” của Trường THPT Cư M’gar, Trường THPT Chu Văn An; “Mái đình làng biển” của Phòng GD-ĐT Ea Súp, Cư Kuin; “Bóng cây Knia” của Phòng GD-ĐT Krông Ana;  “Nghề giáo tôi yêu” của Trường THPT Ea H’leo, Trường THPT Phan Chu Trinh; “Từ làng Sen” của Trường THCS&THPT Đông Du; “Hát tặng em cô giáo vùng cao” của Phòng GD-ĐT huyện M’Đrắk… Chỉ tiếc cho nhiều giọng đẹp đơn ca khác thiếu đi yếu tố nhạc cảm (hồn nhạc), không có sự sáng tạo (làm mới cách trình diễn, dàn dựng) khiến bài hát không tới được với tâm hồn người nghe.

Tiết mục tham gia dự thi của Trường Đại học Buôn Ma Thuột.   Ảnh: N. Quỳnh
Tiết mục tham gia dự thi của Trường Đại học Buôn Ma Thuột. Ảnh: N. Quỳnh

Quy định của hội thi là phải có ít nhất hai loại hình nên mảng nhạc cụ năm nay cũng được chăm chút, từ độc tấu (sáo Hmông, sáo trúc...) đến hòa tấu nhạc điện tử và nhạc cụ dân tộc đều toát lên sự nỗ lực của các thầy cô giáo. Ban giám khảo đánh giá cao phần trình diễn của các tiết mục như: “Cô gái vót chông” của THCS&THPT Đông Du, “Bài ca người giáo viên nhân dân” của Trường Tiểu học, THCS&THPT Hoàng Việt, “Mừng mùa” của Trường THPT Lê Quý Đôn, “Dra Jú” của Phòng GD-ĐT Cư M’gar, “Trống hội non sông” của Trường THPT Lê Duẩn…

Đa dạng nhất chính là loại hình múa, từ múa hình tượng, múa tiết mục đến múa minh họa, phụ họa…; thậm chí có đơn vị chỉ 3 tiết mục thì cả ba đều có múa. Chất liệu múa Tây Nguyên, múa đồng bằng, múa dân gian Tây Bắc… đều có. Một số tiết mục dựng tốt, có ý tưởng, có động tác đẹp, đội hình phong phú, như: “Giáo án” của Phòng GD-ĐT Buôn Ma Thuột, “Tiếng vọng rừng thiêng” của Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, “Hồn lửa” của Trường THPT Lê Duẩn, “Múa sợi” của Phòng GD-ĐT Ea Súp,  “Khát vọng rừng xanh” của Phòng GD-ĐT TX. Buôn Hồ…

Tuy nhiên, đáng tiếc là vẫn có sự nhầm lẫn giữa hoạt cảnh với múa. Đạo cụ quá nhiều khiến cho đôi tay không được phát huy, động tác múa bỗng trở nên nghèo nàn, đạo diễn chỉ đành cho diễn viên chạy qua chạy lại chuyển đội hình, chứ vẻ đẹp hình thể đều không toát lên được. Một điều đáng tiếc nữa là các đội chưa chăm chút khi chọn tên cho múa. Ngoài ra, dù là múa phụ họa nhưng nhiều đơn vị “hơi tham” khi để múa “lấn sân” từ đầu đến cuối phía trước đội hình hát, như thể hát phụ họa cho múa chứ không phải ngược lại. Việc sử dụng màn hình led để chuyển tải quá nhiều hình ảnh cũng khiến người xem mất tập trung, không chú ý được giọng hát hay điệu múa…

Dẫu vẫn còn những “hạt sạn” nhưng các tiết mục dự thi là nỗ lực vô cùng đáng quý của các thầy cô giáo… Chúc các thầy cô tiếp tục vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục gắn bó “với viên phấn trắng, gieo cho em bao niềm ước mơ”.

Linh Nga Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.