Multimedia Đọc Báo in

Hết lòng với công việc "trồng người" nơi vùng sâu

07:27, 20/11/2020

Dạy học ở các trường nơi vùng sâu huyện Krông Bông, nhiều thầy cô giáo ở cách xa trường hàng chục cây số, hoàn cảnh rất khó khăn. Bằng tình yêu nghề, yêu thương học sinh, các thầy cô đã quyết tâm nỗ lực vượt khó, kiên trì "gieo" chữ cho học trò vùng sâu…

Nhà ở xã Khuê Ngọc Điền, cô Nguyễn Thị Thùy Linh công tác tại Trường Tiểu học Cư Drăm cách trường hơn 30 km. Điều kiện đi lại khó khăn nên cô phải thuê nhà ở lại. Về trường từ năm 2016, dù đang là giáo viên dạy hợp đồng nhưng cô Linh luôn mang hết nhiệt tình, tâm huyết để giảng dạy, hết lòng với học sinh vùng sâu. Lớp 1 do cô đảm nhận có 39 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Êđê, hoàn cảnh khó khăn, vốn tiếng Việt của các em hạn chế, nhiều em chưa biết cầm bút, lại thêm áp lực của việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới...

Tuy nhiên, không quản khó khăn, vất vả cô Linh dành nhiều thời gian, công sức để hướng dẫn, kèm cặp từng em một; tận tình phối hợp với phụ huynh để giúp các em tự học ở nhà. Đến nay đa số các em đã cơ bản đi vào nền nếp, đọc được, viết được.

Cô Hoàng Thị Vương (bìa phải) trao tiền quyên góp hỗ trợ học sinh Trường Tiểu học Yang Mao mắc bệnh hiểm nghèo.
Cô Hoàng Thị Vương (bìa phải) trao tiền quyên góp hỗ trợ học sinh Trường Tiểu học Yang Mao mắc bệnh hiểm nghèo.

Nhà tận xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), đến nay cô Hoàng Thị Vương đã công tác được 8 năm tại Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao) - một ngôi trường vùng sâu với trên 95% học sinh là người dân tộc M’nông. Nhà cách trường gần 50 km nên cô phải ở nội trú, đưa theo hai con gái nhỏ để tiện chăm sóc, vài tuần mẹ con cô mới về nhà một lần. Hoàn cảnh là vậy song cô Vương luôn tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc.

Được phân công làm giáo viên Tổng phụ trách Đội, cô đã bỏ nhiều thời gian, tâm sức xây dựng nền nếp Đội - Sao với nhiều hoạt động bổ ích cho học sinh như: bài thể dục Aerobic giữa giờ, tập luyện văn nghệ, tổ chức chương trình phát thanh Măng non; tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: chăm sóc Đài liệt sĩ, trồng và chăm sóc vườn hoa; phát động phong trào "nuôi heo đất", gom giấy vụn; tổ chức cho đội viên - nhi đồng nghe cựu chiến binh kể chuyện truyền thống vào các dịp kỷ niệm...

Khi có học sinh gặp khó khăn, bệnh nặng, cô Vương đều tham mưu với nhà trường tổ chức vận động quyên góp để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Cô còn thường xuyên vận động các tổ chức từ thiện, mạnh thường quân tặng quà, học bổng, sách vở, đồ dùng học tập, xe đạp cho học sinh khó khăn. Với sự góp sức của cô Vương, Liên đội Trường Tiểu học Yang Mao luôn đạt danh hiệu “Vững mạnh xuất sắc”, bản thân cô Vương được tặng nhiều giấy khen của các cấp.

Cô Trần Nhằm Sáu, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Cô Vương hoàn cảnh rất khó khăn, còn mẹ già năm nay đã 72 tuổi ở nhà, chồng có công việc không ổn định, hai con còn nhỏ nhưng khi được nhà trường giao nhiệm vụ, dù khó khăn nhưng cô đều hoàn thành một cách xuất sắc, tổ chức các hoạt động thực sự vui khỏe, bổ ích, lành mạnh, giúp học sinh hứng thú để học tập tốt hơn”.

Cô Thu  và học sinh trong  thư viện sách của Trường Mẫu giáo  Cư Pui.
Cô Thu và học sinh trong thư viện sách của Trường Mẫu giáo Cư Pui.

Gia đình ở thị trấn Krông Kmar, cách trường 20 km nhưng cô Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui Hoàng Thị Thu dành mọi tâm huyết cho ngôi trường mầm non nơi vùng sâu Cư Pui. Năm 2011 nhận nhiệm vụ tại trường, cô Thu rất trăn trở bởi điều kiện cơ sở vật chất của trường vừa thiếu thốn vừa tạm bợ, trong khi hơn 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Cô đã tham mưu cho chính quyền địa phương, tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án đồng thời vận động các tổ chức, đơn vị, mạnh thường quân và chính đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh nhà trường đóng góp kinh phí, công sức xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ công tác giảng dạy, sinh hoạt, vui chơi cho học sinh ở 13 điểm trường.

Trong gần 10 năm, cô Thu đã tham mưu cho cấp trên xây dựng 26 phòng học và phòng làm việc, hàng trăm mét tường rào, cổng trường; vận động phụ huynh và các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng phòng học, sân bê tông, hàng rào, cổng trường, bếp ăn, công trình vệ sinh, mái che, sân chơi cho trẻ... trị giá trên 500 triệu đồng; xây dựng được thư viện sách với hàng trăm đầu truyện tranh cho trẻ; sân, vườn trường được phủ kín bằng hàng chục cây bóng mát, cây cảnh, cây ăn trái, hoa và rất nhiều mô hình trải nghiệm như nhà sàn, vườn cổ tích, góc thiên nhiên, sân chơi… thực sự thân thiện, xanh - sạch- đẹp - an toàn. Chất lượng nuôi dạy học sinh ngày càng được nâng lên, Trường Mẫu giáo Cư Pui được đánh giá là trường điển hình, đứng trong tốp đầu các cơ sở giáo dục của huyện Krông Bông.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.